Khi 'Tấm Cám' vẫn còn trong giáo trình

Thẳng thắn nhìn nhận nền giáo dục của Việt Nam hiện nay đang đào tạo về ngày hôm qua thì thế giới đã đào tạo để làm việc cho ngày mai.

Vào đầu những năm 90 sách giáo khoa Văn học Việt Nam là những câu chuyện cổ tích Tấm Cám, Thạch Sanh, Lý Thông thì sau 30 năm những truyện cổ tích đó vẫn hiện diện trong giáo trình. Trẻ em đến trường vẫn nhận thức nàng Tấm đại diện cho chính diện và cô Cám đại diện cho phe phản diện.

Truyện cổ tích Tấm Cám đầy bạo lực nhưng lại tồn tại rất lâu trong giáo trình giáo dục của Việt Nam.

Truyện cổ tích Tấm Cám đầy bạo lực nhưng lại tồn tại rất lâu trong giáo trình giáo dục của Việt Nam.

Chúng ta vẫn thấy những “hạt giống” ưu tú được sàng lọc mỗi năm qua cuộc thi thập kỷ Đường lên đỉnh Olympia và quán quân du học không bao giờ trở về quê hương nữa. Điều này tại sao? Chúng ta ai cũng biết những không thể thay đổi được thực tại.

Chúng ta xôn xao khi 16 nghìn tỷ đồng để cải cách giáo dục mà "mẹ và con" vẫn “chung một giáo trình”. Chúng ta có quá nhiều người có bằng cấp cao chót vót nhưng không có nhiều sự đột phá và công trình khoa học cho một nền giáo dục ì ạch như một cỗ hỏa xa lâu đời.

Trong nhiều năm qua Việt Nam thường đi theo phương châm giáo dục toàn diện để mong muốn người học sẽ tiếp thu được nhiều nhất lượng kiến thức tự nhiên cũng như xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho ta thấy rằng lượng kiến thức người học lại được áp dụng vào thực tế rất ít, cách khác là sau khi bước ra khỏi lớp học thì những kiến thức mà người học đã tiếp thu không mang lại được hiệu quả, tính ứng dụng không cao. Hay gọi một cách khác là “học không đi đôi với hành”.

Lấy ví dụ 12 năm học Lịch sử nhưng khi hỏi một bạn trẻ về lịch sử nước nhà thì hầu như là không nói được bao nhiêu. Thêm nữa việc học các phương trình Toán sau này ra ngoài đời cũng rất hiếm khi áp dụng nên việc học Toán chỉ để tính toán nhân chia cộng trừ là chủ yếu.

Một ví dụ rõ nét hơn nữa đó là về môn Địa lý, những đứa trẻ ở các quốc gia như Phần Lan, Hà Lan có thể lên chỉ vào mô hình quả địa cầu nói trơn tru về vị trí địa lý của các nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam sau khi học môn này người học thậm chí còn không phân biệt được 3 miền Bắc, Trung, Nam trên bản đồ hình chữ S.

Một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng 70% lượng kiến thức người học được học là kiến thức bị động, nghĩa là chỉ để biết chứ không để dùng. Theo đó lâu ngày phần kiến thức đó sẽ bị lãng quên đi, chỉ 30% kiến thức là được áp dụng vào thực tế.

Vậy tại sao chúng ta không tập trung vào những nghiên cứu khoa học để tổng hợp lại 30% lượng kiến thức được sử dụng nhiều nhất sau khi học ở nhà trường là gì rồi ta biên soạn lên những giáo trình và tổ chức các hoạt động thực tế để người học thực hành?

Điều đó sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian chi phí thậm chí là nhân lực đào tạo, giảm áp lực, tăng hiệu quả cho việc học và ứng dụng của người học.

Hay khi học văn là ta học về cái đẹp trong lời nói, trong hành động và trong ngôn từ. Vậy kết quả sẽ được đánh giá khi đứa trẻ có thể đứng lên trình bày một vấn đề một cách mạch lạc, logic và thuyết phục.

Trong giao tiếp văn chính là kỹ năng ứng đối giữa hai hay nhiều người, vậy nên thay vì học quá nhiều về các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ trong quá khứ tại sao chúng ta không dậy người học các kỹ năng về hùng biện, phản biện, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình trước đám đông.

Nếu được đào tạo và rèn luyện tốt những kỹ năng mềm này sẽ trang bị cho giới trẻ một sự tự tin và chín chắn nhất định sau khi trẻ bước ra ngoài đời để xây dựng các mối quan hệ làm ăn hợp tác.

Văn chính là phản ánh về nhân cách, Lịch sử chính là sự thể hiện của lòng tự tôn, lòng yêu nước. Toán là thể hiện tư duy, tầm nhìn và phản xạ vì thế khi ta đưa quá nhiều kiến thức sẽ biến những người học thành những con rô-bốt lờ đờ, chậm chạp, yếu cả về kỹ năng ứng xử và thích nghi hoàn cảnh.

Sẽ không khó khi bắt gặp trên các trang mạng xã hội giới trẻ thuộc làu tên các diên viên Hàn Quốc, nhìn một hình ảnh biết ngay đây là bối cảnh của triều đại nào và do vị vua nào trị vì. Nhưng ở Việt Nam thì lại có một câu chuyện phiếm truyền tay nhau khi cô giáo hỏi “Ai đánh cắp nỏ thần” và một học sinh đã run rẩy trả lời “thưa cô em không biết, nhưng không phải em”

Thế giới đã thay đổi rất nhanh.

Hãy dạy những bài toán thực tế ví dụ như nếu lượng lương thực của Việt Nam chỉ đủ cung cấp cho 100 triệu dân thì trong những năm tới ta phải làm gì để cân bằng? Người học có thể đưa ra các giải pháp khác nhau như thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tăng gia sản xuất hay nhập khẩu lương thực.

Chính những bài toán thực tế này sẽ kích thích bộ não của người học phải tư duy liên tưởng để đưa ra những giải pháp thực tế nhất.

Và câu hỏi chúng ta cần đặt ra ở đây là làm thế nào để biết được người học quan tâm điều gì nhất. Trong mỗi giai đoạn nước ta phải đối diện với những vấn đề cấp bách nào? Trong tương lai gần xu thế sắp diễn ra của thế giới là gì?

Đây chính là công việc của những người nghiên cứu khoa học. Khi ta có những nhà khoa học nghiên cứu để định lượng trước được những diễn biến của xu hướng gần của tương lai thì những nhà sư phạm sẽ đưa ra được những giáo trình phù hợp và hiệu quả nhất để biên soạn.

Qua đó người dậy cũng luôn luôn phải học thêm những điều mới và người học cũng liên tục được học những kiến thức đi cùng thời đại tránh được hệ quả của việc học xong kiến thức của ngày hôm qua thì thế giới đã đang làm việc của ngày mai.

Một tiết học văn học của trẻ nhỏ.

Sự lạc hậu của nền giáo dục không phải nằm ở trình độ chuyên môn của các giáo sư mà chỉ bởi các giáo sư không có đủ thời gian và điều kiện để nghiên cứu, bắt kịp theo sự phát triển trong thời đại công nghệ 4.0 hôm nay.

Từ lẽ đó hơn bao giờ hết một sự kết hợp hoàn hảo, bỗ trợ lẫn nhau giữa các nhà nghiên cứu sư phạm và khoa học là rất cần thiết cho nền giáo dục của nước ta hiện nay.

Lê Linh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/viet-nam-hung-cuong-khi-tam-cam-van-con-trong-giao-trinh-167293.html