Khi tác phẩm nghệ thuật giúp đổi thay cách nghĩ về phát triển bền vững

25 tác phẩm về sinh thái và sự phát triển bền vững của các nghệ sĩ đương đại, giám tuyển bởi nghệ sĩ Thế Sơn và Ưu Đàm, đang được triển lãm tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định.

Sự kiện diễn ra trong 4 tháng, từ ngày 8.4 đến 8.8, do ICISE tổ chức.

12 nghệ sĩ tham gia triển lãm gồm: Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Trần Ưu Đàm, Phạm Minh Tiến, Lê Đăng Ninh, Vũ Xuân Đông, Trí Minh, Diego Cortizas Del Valle, Phạm Thái Bình, Vũ Kim Thư, Vương Văn Thạo, Phạm Khắc Quang, Phan Quang. Giám tuyển Thế Sơn cho biết: “Dự án ECO-SUS xuất hiện tương đối bất ngờ và các nghệ sĩ có 3 tuần để khởi động và hoàn thiện”. Có thể kết nối nhanh chóng các nghệ sĩ trong một thời gian ngắn như vậy, một số tác phẩm có sẵn và một số được làm mới hoàn toàn, mới thấy những trăn trở về môi trường sống luôn đã có sẵn trong suy tư của mỗi nghệ sĩ.

Các nghệ sĩ bên tác phẩm "Bạch tuộc nhựa".

Các nghệ sĩ bên tác phẩm "Bạch tuộc nhựa".

Các tác phẩm được sắp đặt rải rác một cách đầy dụng ý trong phần lớn của toàn bộ diện tích hơn 21 hecta của ICISE. Ngay bãi biển của trung tâm, khán giả bắt gặp tác phẩm Eco-Đi của Nguyễn Trần Ưu Đàm tương tác thú vị với tác phẩm Bạch tuộc nhựa của Vũ Xuân Đông. Bạch tuộc nhựa được tạo nên từ các vỏ chai nhựa, thắp đèn sáng vào ban đêm.

Eco-Đi là những đôi dép đi biển được khắc thông điệp “Phượt thủ ngầu không lưu dấu” lấy cảm hứng từ câu nói “Thiện hành vô triệt tích” của Khổng Tử và các thông điệp ấy xuất hiện rõ ràng trên bãi cát biển khi trời nắng.

Nghệ sĩ Ưu Đàm chia sẻ về thông điệp của tác phẩm "Eco-Đi" với học sinh.

Bạch tuộc nhựa nêu ra vấn đề nếu con người cứ tiếp tục thải rác thải nhựa thì loại rác ấy như những chiếc vòi bạch tuộc vươn đến khắp nơi và gây nguy hại khôn cùng đến loài người và muôn loài sinh vật khác trên trái đất. Eco-Đi đưa ra giải pháp, vậy thì chính con người phải kêu gọi nhau hạn chế tối đa rác thải và những thông điệp như “Phượt thủ ngầu không lưu dấu” xuất hiện hàng nghìn vạn lần trên tất cả các bãi biển của thế giới như một lời nhắc nhở tác động đến mọi người là một cách.

Bên cạnh Eco-Đi, các tác phẩm khác cùng chung tiếng nói của nghệ sĩ Ưu Đàm cũng được trưng bày tại đây như Con voi ở trong phòng, Rồng rắn lên…

Một phần trong toàn bộ tác phẩm "Nhật ký người nông dân" của nghệ sĩ Phan Quang.

"Định" của Trịnh Minh Tiến.

Cũng những ý tứ về môi trường sống, tác phẩm Nhật ký người nông dân của nghệ sĩ Phan Quang ghi lại những xung đột giữa thành thị và nông thôn khiến người thưởng lãm suy nghĩ về số phận người nông dân trong cuộc xung đột ấy. Có lẽ người Việt Nam phần lớn xuất thân từ nông thôn nên dù không canh tác trên đất nông nghiệp vẫn dễ bị lay động khi thấy đất nông nghiệp bị thu hẹp, khối lượng nông sản cũng giảm theo tỉ lệ thuận và làm xáo trộn đời sống người nông dân - những người theo Phan Quang luôn bị xem là công dân hạng hai - thậm chí đẩy họ vào khó khăn. Vì vậy, tác phẩm của Phan Quang gây xúc động mạnh với đa số người thưởng lãm vì có lẽ ai cũng phần nào thấy mình có lỗi với quê hương.

Tác phẩm này được Phan Quang thực hiện năm 2008 trên chính quê hương Bình Định của anh, triển lãm lần đầu tiên vào năm 2010 tại Quỳnh Galerria, đánh dấu sự thay đổi của ảnh từ nhiếp ảnh tài liệu sang nhiếp ảnh sắp đặt nghệ thuật. Với bản in lần này, Phan Quang đã thay đổi khổ in lên 80cm x120cm để phù hợp với không gian của anh trong ICISE.

Tác phẩm "Phong cảnh từ hai phía" của Vũ Kim Thư.

Tác phẩm sắp đặt địa hình với những chữ cái của nghệ sĩ Thế Sơn.

Bộ ba tác phẩm của nghệ sĩ Thế Sơn đem đến cho công chúng sự thú vị khác, khi cùng một chủ đề, anh thực hiện trên ba hình thức khác nhau (phù điêu ảnh, thư pháp, sắp đặt địa hình). Đây là các tác phẩm mới nhất của anh được thực hiện trong 3 tuần, lấy cảm hứng sau những chuyến thăm Tiểu chủng viện Làng Sông – một trong ba trung tâm truyền bá chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.

Tiểu chủng viện này đã được Thế Sơn dựng lại trên tác phẩm thể loại phù điêu ảnh. Bốn chữ “Nước Mặn Làng Sông” được anh viết thư pháp chữ Nôm trên giấy dó và cũng bốn chữ này được anh điêu khắc từ sắt và sắp đặt tương tác với địa hình có sẵn của ICISE. Với những tác phẩm của mình, Thế Sơn lên tiếng về môi trường văn hóa cần khi nhắc về một trong những cái nôi văn hóa của Việt Nam với sự tôn trọng.

Âm ỉ, dồn nén và bùng cháy được làm từ gỗ đốt và gỗ tấm của Vương Văn Thạo, màu đỏ từ những ngọn lửa cháy âm ỉ từ gỗ lại khiến ta nghĩ đến những mảng xanh đã mất. Định của Trịnh Minh Tiến là một hòn non bộ làm từ vỏ ô tô tái chế được đặt vào một góc khung tường tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh tựa như khung và tranh để ta nghĩ về tự nhiên và nhân tạo…

Trong số 25 tác phẩm được trưng bày, mỗi tác phẩm đều mang một ý nghĩa thú vị và tác động rõ ràng đến suy của mỗi người và từ đó có thể thay đổi nhận thức của mình về môi trường sinh thái và phát triển bền vững chính là đường đi lâu dài của thế giới.

Tất cả tác phẩm được sắp đặt hòa vào bối cảnh kiến trúc và thiên nhiên ở ICISE để tương tác trọn vẹn với công trình kiến trúc nổi tiếng này. Nhìn tổng thể, có thể xem toàn bộ ECO-SUS đặt trong ICISE là một tác phẩm sắp đặt cỡ lớn đậm tính nghệ thuật và chuyển tải nhiều ý nghĩa.

Lâm Hạnh -Ảnh: Thế Sơn - Phan Quang

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/khi-tac-pham-nghe-thuat-giup-doi-thay-cach-nghi-ve-phat-trien-ben-vung-28225.html