'Khi ta mơ quá lâu', phải làm gì khi mình lạc lối?

Tiểu thuyết đầu tiên của văn chương Singapore là cuộc tự vấn của người đàn ông trước những ngã rẽ cuộc đời. Gần 50 năm sau, nhiều người trẻ vẫn thấy bóng dáng mình trong tác phẩm.

Khi ta mơ quá lâu của Goh Poh Seng (NXB Lao Động, Nhã Nam phát hành) được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong văn chương Singapore (xuất bản năm 1972).

Lấy bối cảnh những năm 1965 - giai đoạn Singapore chuyển mình sau độc lập - lớp người trẻ tuổi như Kwang Meng, Hock Lai, Nadarajah... đứng trước nhiều lựa chọn và ngã rẽ.

Họ khao khát làm điều ý nghĩa, thay đổi cuộc sống, nhưng cuối cùng lại rơi vào bế tắc khi những mơ mộng tan vỡ như bọt bóng xà phòng.

 Bìa sách Khi ta mơ quá lâu của nhà văn Goh Poh Seng. Ảnh: Nhã Nam.

Bìa sách Khi ta mơ quá lâu của nhà văn Goh Poh Seng. Ảnh: Nhã Nam.

Cật vấn về ý nghĩa sống

Câu chuyện của Khi ta mơ quá lâu mở đầu bằng buổi giả bệnh trốn làm của anh thanh niên Kwang Meng. Chàng trai trẻ chán ngán công việc thư ký nhà máy tẻ nhạt - công việc anh nối gót theo cha - và mộng mơ về dòng nước mát, vùng biển thỏa sức vẫy vùng.

Như một cách dự báo, những trang đầu tiên của tiểu thuyết này đã mang đến một cảm giác bức bách khó diễn tả khi ý muốn và thực tại không đồng nhất.

Chẳng có tiền và cũng không đủ sức giành học bổng, Kwang Meng đành chọn cách mà đến chính anh cũng chán ngán khi nghĩ về. “Những kẻ ôm ấp mơ mộng thầm kín nhìn thấy giấc mơ tan vỡ khi đi xin việc… Thấy mình nối gót cha, nhận lấy định mệnh là phải sống như cha mình”.

Để rồi, khi kết quả thi được công bố “chỉ trong khoảng ngắn ngủi vài tuần trở thành người lớn”, anh đã phải “rước lấy vẻ cam chịu không tuyệt vọng, không cao trào”.

Vào đời với đam mê và sự mộng mơ, thực tại cuốn Meng đi bằng những dại khờ tuổi trẻ. Mơ ước làm ngư dân, thủy thủ, nông dân hay công nhân xưởng đóng tàu ở Jurong cũng tan như bọt sóng biển ngoài khơi.

Meng thấp thỏm câu hỏi bỏ ngỏ chẳng có lời giải nào: “Giá như anh biết con đường đó là gì. Một quy trình đều không cần suy nghĩ, thì tồn tại chỉ là một sự cạn kiệt khô cằn. Đi đâu? Làm gì? Chẳng có gì lớn lao”.

Nỗi bức bách càng lúc càng nhân lên khi Meng gặp cậu Cheong. Chàng thanh niên ngưỡng mộ mẫu hình vừa gần gũi vừa xa lạ.

Ao ước được vùng vẫy giữa những vùng trời tự do, đôi lúc Meng mơ mộng về cuộc đời khác có thể dành cho mình. Nhưng đáp lại những lời khuyên từ người lớn là sự bi quan về thực tại của chàng thanh niên trẻ và tìm cách thỏa hiệp: “Dù cố gắng, những nỗ lực hay sự may mắn nào đó sẽ không dành cho mình”.

Meng không ngốc, cũng chẳng thiếu khả năng. Anh thậm chí có sự tinh tế, óc quan sát. Không phải không có những lúc anh sục sôi trong đầu ý tưởng lên tàu, nhổ neo, đi khám phá và chinh phục thế giới khác, được làm việc điên rồ, phiêu lưu cho thỏa thích tuổi trẻ của mình.

Điều duy nhất thanh niên này thiếu là không chịu hành động. Những nỗi sợ hãi, lười biếng và thụ động sâu thẳm đè bẹp ý chí của Meng trước khi anh bước những ngón chân đầu tiên vào đời.

Người trẻ "mắc kẹt" trong giấc mơ của chính mình

Cuộc đời của Meng được miêu tả một cách đơn giản đến đáng sợ. Đành rằng nếu anh tốt hẳn hoặc xấu hẳn, sẽ có cái để tranh cãi, tìm ra điều sai - đúng.

Nhưng những gì Meng làm chỉ là mơ một giấc dài, những “bánh vẽ” trong suy nghĩ. Để đến khi tỉnh mộng, anh vẫn là anh của quá khứ, lạc lối trong giấc mơ do chính mình tạo ra.

Meng muốn có bạn gái nhưng lại hèn nhát không dám lên tiếng bảo vệ cô gái mình thích trước đám bạn bỉ ổi. Không dám mở lòng với đối phương, Meng tự chìm vào đau khổ và bế tắc vì điều mình không làm được.

Meng muốn hiểu rõ về cuộc đời nhưng lại lười đọc sách, lười giao thiệp với những người xung quanh. Anh mơ quá nhiều và ngại lên tiếng, thậm chí chưa từng một lần nói thành lời khao khát của mình.

Ngay cả khi cha chất vất về đồng lương, trách nhiệm trong gia đình, điều duy nhất anh có thể làm là cúi gằm mặt ăn từng hạt cơm, dù trong suy nghĩ chẳng có chút đồng tình.

Người ta lớn lên phải biết chấp nhận hoặc hòa nhập vào đời hoặc mở lòng cho đời nhập vào mình, để trở thành một phần của mọi điều.

Trích Khi ta mơ quá lâu (Goh Poh Seng)

Cảm giác bế tắc, chán chường của thực tại khiến Meng mất phương hướng và tìm cách trốn vào giấc mơ chẳng có lối ra. Cuối cùng, anh chỉ có thể “khóc cho những gì đã qua và những gì sắp tới”. Đó cũng là lúc giấc mộng dài vô tận của Meng kết thúc.

Những người như Meng là thế hệ trẻ, không hẳn nửa vời, mà là chẳng có bất kỳ động lực nào để thả mỏ neo mục đích. Con thuyền cuộc đời Meng lênh đênh không bờ bến và luôn cật vấn về điều mình không làm được.

Nhiều người trong chúng ta sẽ bắt gặp mình trong những trang sách của Goh Poh Seng. Đó là khi ta cứ hoài vọng về bản thân tuyệt vời và hoàn hảo. Đuổi theo mẫu hình đó, ta chẳng buồn nghĩ cách làm thế nào để đạt được mục tiêu.

Chúng ta viện cớ không có điều kiện, không có khả năng và cả may mắn. Chúng ta luôn mơ mộng nhưng lại không dám vượt ra khỏi vùng an toàn, làm điều khác lạ và kiên trì theo đuổi ước mơ. Chúng ta cũng xót xa cho chính mình giữa nhộn nhịp hối hả của đô thị, càng trưởng thành càng cô đơn và thèm khát một tình yêu xa xỉ.

Khi ta mơ quá lâu cũng chính là những trang tuổi trẻ mà ta từng dại khờ, từng tiếc nuối. Để rồi khi gấp sách lại, câu chuyện nhẹ nhàng đó thôi thúc mỗi người phải hành động, phải thay đổi để tự tay nắm lấy vận mệnh của mình.

Nhan Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-ta-mo-qua-lau-phai-lam-gi-khi-minh-lac-loi-post1086480.html