Khi SV-League trở thành lò luyện HLV cho bóng đá Việt Nam

Dân số Việt Nam hiện nay khoảng 97.631.000 người nhưng bóng đá Việt Nam đến bây giờ vẫn chưa có 1 HLV nội đủ tầm dẫn dắt tuyển Việt Nam.

Cách đây 4 năm, VFF đắn đo trong việc lựa chọn HLV nội cho tuyển Việt Nam. Hai phương án được cân nhắc là HLV Nguyễn Hữu Thắng và Lê Huỳnh Đức. Sau đó, nhà cầm quân xứ Nghệ được chọn.

Trước HLV Hữu Thắng, HLV Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng là những người gần nhất nắm U23 Việt Nam và tuyển Việt Nam. Ngược dòng quá khứ có thêm những nhà cầm quân như ông Mai Đức Chung, Trần Bình Sự...

Mẫu số chung là tất cả những HLV nội đều thất bại, chưa có ai cùng các ĐTQG nam đi đến thành công. Riêng ông Mai Đức Chung có nhiều chức vô địch với tuyển nữ Việt Nam ở sân chơi khu vực.

Nhìn sang Malaysia, Thái Lan... đều có những nhà cầm quân nội tạo dựng được thành công lớn. Điển hình như Kiatisak cùng tuyển Thái Lan thống trị AFF Cup, SEA Games, vào bán kết ASIAD 17, vòng loại cuối cùng World Cup 2018.

Tại sao bóng đá Việt Nam chưa thể sản sinh ra một nhà cầm nội đủ tầm dẫn dắt các ĐTQG đi đến thành công? Đây là câu hỏi có lẽ ít người vẫn đặt ra dành cho VFF.

Chính câu chuyện HLV trưởng tuyển Việt Nam luôn là chủ đề gây tranh cãi. Vòng tròn ồn ào này có thể là chủ đề lớn trong tương lai khi ông Park Hang Seo nghỉ vì lớn tuổi.

Thực tế, bóng đá Việt Nam chỉ có mục tiêu lớn là đào tạo cầu thủ, còn chưa bao giờ có những "lò" luyện HLV đúng nghĩa, chỉ có những lớp học lấy bằng HLV. Một trong những hậu quả lớn là không ít nhà cầm quân có tư tưởng không đúng nghĩa như một người thầy, họ chỉ đạo các học trò đá vì thành tích, đá xấu xí... gây xôn xao dư luận.

Vừa qua, SV-League 2020 kết thúc sau 2 tháng tranh tài. Tôi trộm nghĩ nếu có nhiều sân chơi như SV-League thì không chỉ là cơ hội để các tài năng bóng đá học đường phát triển, đó còn là cơ hội cho những cựu cầu thủ được cầm sa bàn, trực tiếp dẫn dắt các đội bóng thi đấu. Và SV-League nâng lên 16 đội, 32 đội thì cũng đồng nghĩa có thêm nhiều cựu danh thủ có cơ hội thi thố tài cầm quân.

Cựu trọng tài FIFA Châu Đức Thành cho thấy được năng lực cầm quân khi dẫn dắt Đại học Cần Thơ vô địch SV-League 2020.

Cựu trọng tài FIFA Châu Đức Thành cho thấy được năng lực cầm quân khi dẫn dắt Đại học Cần Thơ vô địch SV-League 2020.

Cũng tại SV-League 2020,cựu trọng tài FIFA Châu Đức Thành, hay những cựu danh thủ Cảng Sài Gòn gồm Cao Tùng A vĨ, Nguyễn Văn Tuấn... cầm quân thực sự mang đến ý nghĩa lớn. Họ được trổ tài cầm quân, từ đấu pháp đến sự truyền đạt chuyên môn cho các học trò, hay các bài học về tinh thần fair-play, đạo đức sân cỏ.

"Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi". Bóng đá Việt Nam đang thiếu quá nhiều sân chơi để cho các cựu cầu thủ có thể phát triển tài năng cầm quân. Thế nên, rất cần những sân chơi như SV-League để cho họ được phát triển sự nghiệp.

Hơn hết, SV-League là một sân chơi rất đặc biệt. Tất cả HLV đều có đồng quan điểm về chuyện dạy dỗ học trò theo đúng tiêu chí "tiên học lễ, hậu học bóng đá". Tức đạo đức sân cỏ được đặt lên hàng đầu, sau đó mới bàn đến chuyện tài năng.

Ví dụ HLV Nguyễn Văn Tuấn đã ghi dấu ấn rất lớn trong trọng chung kết SV-League, khi các cầu thủ Đại học Nông Lâm không phản ứng trọng tài ở tình huống bàn thắng bị từ chối.

Rõ ràng, SV-League 2020 mang đến quá nhiều giá trị quan trọng cho bóng đá Việt Nam. Từ hành trình nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thể thao đến chuyện chắp cánh gấc mơ cho các tài năng học đường, và còn là nơi có thể giúp bóng đá Việt Nam "luyện" HLV để sản sinh ra những nhà cầm quân tài - đức vẹn toàn.

Và nhìn rộng hơn ở thì tương lai, chúng ta có quyền hy vọng đến một ngày sẽ có nhà cầm nội đủ tài - đức dẫn dắt các ĐTQG đi đến thành công, thay vì phải tìm kiếm HLV ngoại.

Văn Nhân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-thao/khi-sv-league-tro-thanh-lo-luyen-hlv-cho-bong-da-viet-nam-20201230141028128.html