Khi sức khỏe người bệnh bị trục lợi

30-9-2019, ngày cuối của phiên xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty CP VN Pharma. Các bị cáo liên tục kêu oan hoặc… sức khỏe kém, trí nhớ bị giảm sút nên không nhớ rõ nhằm không trả lời một số câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX).

Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo thì cho rằng cáo trạng của Viện kiểm sát là quá nặng và viện dẫn nhiều lý do để đề nghị cho các bị cáo được hưởng những tình tiết giảm nhẹ.

Riêng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế thì gây sốc bằng việc gửi văn bản khẩn đến tòa khẳng định lô thuốc là thật, có xuất xứ rõ ràng… Luận tội nặng nhẹ thế nào là quyết định của HĐXX căn cứ vào thực tế vụ án, riêng về mặt đạo đức xã hội, có thể khẳng định đây là hành vi trục lợi trên sức khỏe của người bệnh...

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng.

Công văn lạ của Bộ Y tế

Trong phần bào chữa cho các bị cáo diễn ra vào ngày 26 và 27-9-2019, luật sư Nguyễn Đình Hưng - bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng cho rằng cáo trạng luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đối với Hùng đã không đánh giá toàn diện tính chất của vụ án, bỏ qua nhiều tài liệu quan trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Hùng.

Luật sư Hưng cũng viện dẫn công văn của Bộ Y tế để lập luận rằng thuốc H-Capita là thuốc thật được sản xuất tại Công ty Affy Parenterrals - Ấn Độ. Qua đó bị cáo Hùng chỉ sai về trình tự thủ tục nhập khẩu trái với quy định của pháp luật Việt Nam và khi phát hiện lô thuốc có vấn đề thì đã có chủ trương ngưng tiêu thụ ra thị trường, đồng thời thành khẩn khai báo nên đề nghị HĐXX cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.

Trong phần bào chữa cho Võ Mạnh Cường, luật sư Phạm Quốc Hưng cho rằng thuốc giả và thuốc kém chất lượng là hai khái niệm khác nhau và các chuyên gia đều kết luận như vậy. Kết quả kiểm định là thuốc kém chất lượng, nhưng cáo trạng của Viện Kiểm sát lại cho là thuốc giả.

Để đảm bảo tính khách quan cần phải kết luận vào thời điểm nhập hàng chứ không phải hơn 1 năm sau, đó là chưa kể đến uy tín của nhà sản xuất thuốc. Không có tiêu chuẩn để so sánh làm sao biết thuốc thật hay giả.

Trong vụ này, nhân vật tên Raymundo đã cung cấp thuốc thật nhưng làm giả giấ y tờ quá tinh vi nên Raymundo mới là người có tội thực sự, các bị cáo khác chỉ là đồng phạm…

Võ Mạnh Cường.

Ngày 27-9-2019 (tức ngày thứ 4 trong phiên xét xử sơ thẩm lần hai vụ mua bán thuốc chữa bệnh ung thư giả xảy ra tại Công ty CP VN Pharma), Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã gửi công văn khẳng định thuốc H-Capita 500mg Calet được sản xuất tại nhà máy Affy Parenterals - Ấn Độ đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt của Tổ chức Y tế thế giới (tiêu chuẩn GMP) chứ không phải của Công ty Helix Canada sản xuất.

Đây là tình tiết rất bất thường bởi từ khi vụ việc bị phanh phui cho đến lúc Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an vào cuộc cho đến quá trình điều tra rồi TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm lần thứ nhất không lên tiếng.

Có phải ngày 18-9, khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về việc thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, đồng thời thay đổi tội danh của Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng các đồng phạm từ buôn lậu, làm giả tài liệu, con dấu sang buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh thì Cục này mới cuống cuồng gửi công văn đến tòa nhằm mục đích giữ nguyên bản án của các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm lần thứ nhất để đạt mục đích là gỡ tội cho một số cá nhân đã làm sai trong thời điểm thẩm định, cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita?

Từ những chứng cứ thực tế mà cơ quan Công an cùng các đơn vị chức năng thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, HĐXX sẽ căn cứ theo luật pháp để đưa ra bản án đúng người, đúng tội.

Những thành viên trong tổ thẩm định cùng những người có quyền trong việc ký cấp phép và văn bản chấp thuận cho nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg (hiện vẫn đang là cán bộ giữ vị trí cao) chắc chắn sẽ bị liên đới trách nhiệm nên Bộ Y tế đã gửi văn bản đến tòa khẳng định đây là thuốc thật.

Nội dung công văn khẳng định đã có bằng chứng rằng thuốc H-Capita 500mg Calet được sản xuất từ nhà máy Affy Parenterals - Ấn Độ đạt tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) của Tổ chức Y tế thế giới chứ không phải do Công ty Helix Canadasản xuất. Lô thuốc này là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả và đủ điều kiện sử dụng để chữa bệnh sau khi xuất xưởng.

Các bị cáo chuẩn bị vào phần thẩm vấn của tòa.

Cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế

Đối chiếu với những diễn biến trong suốt quá trình điều tra lần đầu của cơ quan điều tra và khi tòa cấp cao trả hồ sơ để điều tra lại rồi thay đổi tội danh từ buôn lậu thuốc chữa bệnh thành buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh thì công văn của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã khẳng định đi ngược với tiến trình điều tra.

Cụ thể trước phiên xét xử lần 2 diễn ra, Bộ Y tế cho rằng những bị cáo trong vụ án đã cố tình làm giả hồ sơ, giấy tờ, con dấu, giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) tại Canada, giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Helix Canada hết sức tinh vi nên đã qua mắt được các thành viên trong tổ thẩm định.

Ngoài ra, vào ngày 22-4-2015, Hội đồng giám định đã kết luận giám định số 31/KLGĐ-BYT khẳng định lô thuốc 9.300 hộp H-Capita 500mg Calet mà VN Pharma nhập về có chứa 97% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Mặt khác trong công văn của Bộ Y tế gửi đến tòa cũng chỉ thể hiện Công ty Affy Parenterals - Ấn Độ có sản xuất loại thuốc H-Capita 500mg Calet, nhưng không khẳng định được lô thuốc 9.300 hộp mà VN Pharma nhập về có phải do chính họ sản xuất hay không?

Dựa vào tất cả các tài liệu trên cộng với biên bản kiểm định của Cục Đo lường chất lượng - Bộ Công thương về việc mã vạch in trên vỏ hộp thuốc H-Capita 500mg Calet không được đăng ký bởi một quốc gia nào thì có thể thấy mặc dù nhà máy Affay Parenterals - Ấn Độ có sản xuất thuốc loại này, nhưng lô thuốc 9.300 hộp mà VN Pharma nhập về chưa chắc do nhà máy trên sản xuất và cũng không loại trừ khả năng đó là thuốc giả.

Đưa bị cáo Phạm Văn Thông đi cấp cứu.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Phan Hoàng Phúc - Đoàn Luật sư TP HCM cho biết: “Theo quan điểm của tôi, kinh doanh bất kể loại hình gì đều phải có đạo đức. Nhất là kinh doanh thuốc tân dược lại càng phải đòi hỏi nền tảng đạo đức cao hơn bởi nó liên quan đến sức khỏe của con người. Người bệnh khi được điều trị phải tuân thủ phác đồ do bác sỹ đưa ra, nhưng chẳng may mua phải thuốc tân dược giả về sử dụng, bệnh không những không khỏi mà còn có khi nặng thêm…”.

Đối với nhà quản lý mà ở đây là Phòng thẩm định của Cục Quản lý dược thì các thành viên phải thường xuyên cập nhật nhằm nắm rõ danh mục các loại thuốc để khi các đơn vị kinh doanh thuốc tân dược xin giấy phép nhập khẩu bất cứ một loại thuốc nào đều có thể xác định được thuốc đó có xuất xứ từ nước nào, chất lượng ra sao, điều trị bệnh gì…?

Trong trường hợp tên thuốc chưa kịp cập nhật hoặc có nghi vấn nào đó thì có thể cho dừng hồ sơ lại để thẩm định rõ ràng trước khi phê duyệt hồ sơ. Nếu cán bộ thẩm định mà yếu kém về nghề nghiệp, tệ hơn nữa là tha hóa về đạo đức, vì những món lợi bất chính trước mắt mà tặc lưỡi bỏ qua cho những sai phạm của đơn vị kinh doanh tân dược chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều đơn vị kinh doanh tân dược tha hóa về đạo đức, sẵn sàng dùng tiền hối lộ cán bộ có thẩm quyền để nhập thuốc kém chất lượng hoặc thuốc giả để trục lợi.

Người bệnh chính là đối tượng phải trả tiền cả vốn lẫn lãi cho nhà nhập khẩu - kinh doanh thuốc tân dược để được sử dụng những loại thuốc tốt nhất trong điều trị. Nhưng nếu không làm tốt công tác quản lý và đặc biệt là đạo đức của nhà kinh doanh không được nâng cao thì người bệnh sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả xấu nhất từ thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Đối với vụ VN Pharma là rất đáng lên án, và tôi nghĩ chắc chắn HĐXX sẽ dành cho các bị cáo những bản án thích đáng để răn đe - luật sư Phúc chia sẻ.

Đức Cương

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/khi-suc-khoe-nguoi-benh-bi-truc-loi-564186/