Khi sơn nữ thi nhan sắc

Trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 năm nay, số lượng thí sinh là người dân tộc thiểu số trở nên đông đảo hơn.

Thí sinh Thạch Thị Đa Ri - dân tộc Khmer trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam

Thí sinh Thạch Thị Đa Ri - dân tộc Khmer trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam

H’hen Niê đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 đã mang tới một làn gió mới cho làng nhan sắc Việt Nam. Đó là lần đầu tiên một nhan sắc của núi rừng lên ngôi cao nhất trong một cuộc thi hoa hậu. Nét đẹp của H’hen Niê khi ấy gây nhiều tranh cãi vì thực sự mới mẻ và không theo chuẩn của một cô hoa hậu thông thường mà nhiều người vẫn nghĩ. Thế nhưng, những thành công, thành tích mà người đẹp Ê-đê mang về không phải ai cũng làm được. Nhưng có lẽ, thành công nhất mà H’hen Niê mang tới chính là sự cổ vũ, truyền niềm cảm hứng khích lệ cho những cô gái dân tộc thiểu số dám can đảm thực hiện ước mơ của mình.

Chính H’hen Niê từng tâm sự, người dân tộc thiểu số có đời sống cộng đồng tại buôn làng. Nhiều người dân tộc thường sợ bước ra khỏi môi trường quen thuộc nên họ có phần thiệt thòi hơn. Họ ít có điều kiện tiếp cận với thế giới bên ngoài hơn nên tư tưởng, kiến thức hầu hết còn hạn chế. Thậm chí có quan niệm, suy nghĩ rất đơn giản và theo truyền thống xưa nay là phụ nữ không cần học cao. Điều đó khiến những cô gái người dân tộc thiểu số khó bước ra thế giới bên ngoài. Bởi vậy, cô mong mỏi tiếng nói của mình sẽ giúp những phụ nữ của dân tộc Ê-đê nói riêng và các dân tộc khác nói chung có thể bước ra khỏi môi trường quen thuộc, biết nhiều thứ hơn, họ sẽ năng động và vươn xa hơn ngoài cộng đồng của mình.

Và sự khích lệ ấy có lẽ cũng là lý do trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 năm nay, số lượng thí sinh là người dân tộc thiểu số trở nên đông đảo hơn, tiêu biểu như: H’Luai H’Wing (dân tộc Ê-đê, ở Đắk Lắk), Bella H’Đơk (dân tộc Ê-đê, ở Đắk Nông), H’Lôs Buôn Yã (dân tộc Ê-đê, ở Đắk Lắk), Thạch Thị Đa Ri (dân tộc Khmer, ở Trà Vinh), Un Thị Loi (dân tộc Giẻ Triêng, Quảng Nam)...

Nhiều thí sinh cũng thẳng thắn thừa nhận, họ được H’hen Niê truyền cảm hứng và muốn mang niềm tự hào về cho buôn làng. Và quả thực, sự tăng lên về số lượng những “sơn nữ” trong cuộc thi nhan sắc mang một luồng gió mới mẻ cho những cuộc thi hoa hậu đang dần trở nên “bội thực”. Đồng thời, nhiều thí sinh dân tộc thiểu số đi thi hoa hậu cũng cho thấy sự nỗ lực và khát khao thay đổi cuộc sống, muốn vươn ra khỏi giới hạn của những cô gái vốn luôn sống trong một không gian còn nhiều khó khăn.

Hiểu Đồng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khi-son-nu-thi-nhan-sac-d436495.html