Khi sáng tạo không nằm trên giấy

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Đồng Nai năm 2020 đã khép lại với 24 giải pháp xuất sắc được lựa chọn để trao giải. Trong đó, nhiều giải pháp hiện đang được ứng dụng trong thực tế lao động, sản xuất.

Mô hình dạy học các module tự động hóa của nhóm tác giả Lê Trọng Cơ, Lê Duy Khánh, Trịnh Nam Phong (Khoa Điện công nghiệp Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai). Ảnh: Hải Yến

Mô hình dạy học các module tự động hóa của nhóm tác giả Lê Trọng Cơ, Lê Duy Khánh, Trịnh Nam Phong (Khoa Điện công nghiệp Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai). Ảnh: Hải Yến

Đây là minh chứng rõ nét cho sức sáng tạo của người dân Đồng Nai.

* Sáng tạo, thiết thực

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai là “sân chơi” về khoa học kỹ thuật có mặt tại Đồng Nai từ những năm 1990, do Sở KH-CN là cơ quan thường trực. Đến năm 2018, UBND tỉnh giao nhiệm vụ Thường trực Ban tổ chức hội thi cho Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Đồng Nai. Năm 2020, hội thi thu hút 97 giải pháp dự thi, tăng 40 giải pháp so với năm 2019. Trường đại học Lạc Hồng và Trường đại học Công nghệ Đồng Nai là 2 đơn vị có số lượng giải pháp dự thi nhiều nhất (23 và 22 giải pháp).

Sau hơn 10 tháng tổ chức, Ban tổ chức hội thi Sáng tạo kỹ thuật Đồng Nai năm 2020 đã lựa chọn được 24 giải pháp xuất sắc để trao giải, gồm: 3 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba, 11 giải khuyến khích.

Để lựa chọn được những giải pháp xứng đáng với giải thưởng, Ban tổ chức đã mời các chuyên gia thuộc nhiều chuyên ngành phản biện độc lập các đề tài, giải pháp có hàm lượng khoa học và giá trị thực tiễn cao trước khi họp hội đồng chính thức. Sau khi nhận các ý kiến phản biện, Thường trực Ban tổ chức hội thi chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập Hội đồng Chấm thi. Ban giám khảo là những nhà khoa học, chuyên gia trên 6 lĩnh vực của hội thi để đánh giá, chấm điểm và xếp loại.

“Hội thi đã thúc đẩy phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo trong các đơn vị trường học, đồng thời khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cải tiến quy trình nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng tỉnh Đồng Nai theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ban tổ chức hội thi luôn cân nhắc, đánh giá và ưu tiên cho đối tượng tham gia là những người nông dân, công nhân trong quá trình tham gia dự thi nhằm khơi nguồn ý tưởng, thúc đẩy đam mê và tạo nguồn tác giả dự thi” - TS Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Đồng Nai, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức hội thi cho biết.

* Những giải pháp hiệu quả

Trải qua khâu đánh giá khắt khe của Ban giám khảo, những giải pháp đoạt giải đều cho thấy rõ tính sáng tạo của tác giả. Trong số đó, rất nhiều giải pháp đang được sử dụng trong thực tế và đã chứng minh được hiệu quả vượt trội.

Mô hình dạy học các module tự động hóa do nhóm tác giả Lê Trọng Cơ, Lê Duy Khánh, Trịnh Nam Phong (Khoa Điện công nghiệp Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai) thực hiện là một trong 3 giải pháp đoạt giải nhất của hội thi năm nay.

Với mô hình này, giáo viên có thể sử dụng để giảng dạy cho nhiều bài học ở các môn học/module khác nhau, phù hợp với xu thế phát triển thiết bị đào tạo trên thế giới. Theo đó, nếu như trước đây việc dạy học các nội dung liên quan đến dây chuyền sản xuất tự động, giáo viên phải miêu tả để sinh viên tưởng tượng thì với mô hình này, sinh viên có thể quan sát rõ và thậm chí thực hành các thao tác điều khiển...

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai gồm 6 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Cơ khí tự động hóa, xây dựng và giao thông vận tải; Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; Y dược; GD-ĐT.

Năm 2020, hội thi thu hút 97 giải pháp dự thi, trong đó có 24 giải pháp được xét trao giải, gồm: 3 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba, 11 giải khuyến khích. Các giải pháp đoạt giải nhất, nhì, ba đều được gửi đi tham dự hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp toàn quốc lần thứ 16.

Để sử dụng làm mô hình dạy học cho nhiều môn học/module khác nhau, nhóm tác giả đã thiết kế cấu trúc của hệ thống này theo module và có thể linh hoạt thay đổi vị trí lắp đặt, chức năng…

Đặc biệt, bằng cách tự thiết kế, tự thi công, lắp ráp…, nhóm tác giả đã tiết kiệm cho trường hàng trăm triệu đồng mà vẫn có được bộ thiết bị dạy học hiệu quả. Sản phẩm hiện đang được sử dụng tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai.

Chương trình quản lý việc nhận hồ sơ và thẩm định sáng kiến (sử dụng cho các trường THPT, các đơn vị trực thuộc và Sở GD-ĐT) của tác giả Nguyễn Thanh Tuấn (chuyên viên Sở GD-ĐT) là một trong những giải pháp đã tham gia hội thi.

Hằng năm, Sở GD-ĐT nhận rất nhiều hồ sơ đăng ký sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên từ các trường học trong tỉnh. Việc nhập, lưu dữ liệu, thẩm định hồ sơ thực hiện hoàn toàn thủ công. Điều này không chỉ mất rất nhiều công sức mà còn thường xuyên bị thiếu sót, phải điều chỉnh… Là người phụ trách lĩnh vực này, anh Tuấn thấy rõ sự cần thiết của một công cụ có thể “hóa giải” được những khó khăn trên. Vì vậy, anh đã tự mình viết phần mềm quản lý việc nhận hồ sơ và thẩm định sáng kiến kinh nghiệm.

Phần mềm ra đời đã thực hiện được các chức năng: quản lý, thống kê sáng kiến, phân luồng cho giám khảo chấm, báo cáo các số liệu về sáng kiến… Thời gian dành cho công việc liên quan đến thu nhận hồ sơ, chấm công nhận sáng kiến kinh nghiệm cũng giảm rất nhiều. Phần mềm đã được sử dụng nội bộ tại Sở GD-ĐT từ năm 2017, đến năm 2019 thì được triển khai áp dụng ở các trường THPT và các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT.

Ngoài ra, có thể kể tên hàng loạt giải giáp hiệu quả khác như: Hệ thống an ninh thông minh sử dụng kỹ thuật nhận dạng hình ảnh và điều khiển thiết bị trên máy tính nhúng của tác giả Huỳnh Hoàng Tân (Sở KH-CN, giải nhất); Đặt catheter động mạch bằng phương pháp seldinger cải tiến với kim luồn của tác giả Nguyễn Văn Ngư (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, giải ba); Triển khai tổng đài hành chính công tỉnh Đồng Nai của nhóm tác giả Phạm Bình Xuyên, Trần Mạnh Linh (Viễn thông Đồng Nai, giải ba)…

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202101/khi-sang-tao-khong-nam-tren-giay-3040227/