Khi sân khấu xiếc không chỉ có… xiếc

Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng được biết đến với hình ảnh người đàn ông ôm trăn, gắn bó với tuổi thơ của các em...

Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng trong một màn diễn với hình tượng bộ đội - Ảnh: NVCC

Xúc cảm với xiếc Việt

Gần 2 tuần nay, sân khấu tập của Liên đoàn Xiếc Việt Nam (LĐXVN) luôn tất bật kẻ ra người vào. Các nghệ sĩ đang dồn sức tập luyện chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên Đi cùng năm tháng. Đây là chương trình xiếc đầu tiên nói về sự hy sinh mất mát lớn lao của các chiến sĩ biên phòng, những người lính biển, thanh niên xung phong… Trong vai trò đạo diễn - diễn viên, NSƯT Tống Toàn Thắng bận rộn khi vừa phải hướng dẫn diễn viên tập luyện, biểu diễn, lại vừa phải lo việc đi kêu gọi tài trợ và ghi hình.

Theo đạo diễn Toàn Thắng, 11 tiết mục sẽ được trình diễn trên nền nhạc các ca khúc cách mạng và được xây dựng nội dung hoàn toàn mới, chưa từng biểu diễn ở bất cứ đâu. Có những tiết mục được xây dựng hoành tráng để đưa tới nhiều cảm xúc, như tiết mục mở màn mang tên Đồng đội. 25 diễn viên trong trang phục bộ đội sẽ biểu diễn, thể hiện sự sôi nổi, hào hùng qua những màn nhào lộn vượt chướng ngại vật, nhào sào, nhào lưới trên nền giai điệu bài hát Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân. Có cả tiết mục đu dây da đôi Huyền thoại mẹ với hình ảnh người mẹ Việt Nam soi đèn dìu dắt, nâng đỡ, làm điểm tựa để người con tiến về phía trước hoàn thành nhiệm vụ. Ở tiết mục này, nghệ sĩ nữ giữ vai trò chủ đạo thay vì nghệ sĩ nam như thông thường.

Một tiết mục tốn nhiều tâm sức và được coi là điểm nhấn của chương trình là màn đu dây lụa mang tên Biết ơn chị Võ Thị Sáu. Tiết mục được thể hiện bởi nghệ sĩ nữ hàng đầu của LĐXVN hiện tại là Bùi Thu Hương. Cô sẽ xuất hiện trong trang phục áo bà ba trắng, thực hiện các động tác đu dây lụa trên không với dải lụa đỏ tượng trưng cho màu máu, màu cờ Tổ quốc. Ngoài ra, sẽ có 8 diễn viên nữ diễn phụ họa với dải lụa trắng, tay cầm hoa lê-ki-ma. Những sóng gió bủa vây cuộc đời của Võ Thị Sáu sẽ được thể hiện qua những động tác rơi, nhào lộn nhiều vòng trên không đầy nguy hiểm.

Lần này, các nghệ sĩ không chỉ diễn xiếc mà còn thể hiện khả năng diễn xuất. Đây cũng là điều khiến nghệ sĩ Tống Toàn Thắng đau đầu nhất vì theo anh, diễn viên xiếc thường chỉ biết biểu diễn, kỹ năng diễn xuất kém. Anh phải thị phạm nhiều lần, phân tích và trò chuyện để diễn viên hiểu vai diễn của mình, dễ hóa thân vào nhân vật hơn. “Tôi muốn mọi người nhìn xiếc dưới một con mắt khác hơn, rằng xiếc không chỉ dành cho trẻ em mà còn đa dạng khán giả. Xiếc có thể truyền tải được tất cả các vấn đề trong xã hội”, anh tâm sự.

Diễn viên không nhận thù lao

Đi cùng năm tháng huy động tới 4 đoàn biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. NSƯT Tống Toàn Thắng tiết lộ, vì chương trình được lên kế hoạch khá muộn nên khó xin được tài trợ. May mắn thay, các nghệ sĩ tham gia chương trình đều không nhận thù lao biểu diễn, các đạo cụ cũng tận dụng từ nguồn có sẵn, đài truyền hình cũng hỗ trợ việc truyền hình trực tiếp nên kinh phí không bị đội lên quá nhiều. Các nghệ sĩ đều mong muốn được đóng góp công sức của mình cho chương trình mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.

Thể hiện vai nhân vật Võ Thị Sáu trong tiết mục đu dây lụa, diễn viên xiếc Thu Hương tâm sự, lúc đầu, cô rất lo vì cô sợ khả năng biểu diễn của mình không thể toát lên được tinh thần oai hùng, bất khuất của một nhân vật lịch sử như chị Võ Thị Sáu. Mỗi ngày, Thu Hương bỏ 6 tiếng đồng hồ để tập luyện trên phòng tập. Cô còn phải tìm hiểu các thông tin, phân tích hình tượng của vị anh hùng này thông qua những bài viết trên báo chí, sách vở. Thu Hương cũng phải tìm những động tác mới để phù hợp nhất với hình tượng nhân vật mình đang biểu diễn, từ cách đu dây tới cách rơi xuống. Bởi hình tượng chị Võ Thị Sáu từng được dựng nhiều trong múa, phim ảnh, nhưng đây là lần đầu tiên được dựng qua nghệ thuật xiếc.

Cũng theo Thu Hương, nghệ sĩ xiếc thường chỉ diễn và không có nhân vật nên khá thoải mái. Nhưng khi đặt mình vào một nhân vật lịch sử thì phải chú ý. “Được tham gia một chương trình ý nghĩa thì niềm vui và vinh hạnh lấn át suy nghĩ mình được hưởng gì trong chương trình ấy. Nếu chỉ nghĩ về thù lao thì chẳng ai tập được cả, vì tiết mục mới nên chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Tôi nghĩ, có lẽ cả đời mình mới có được cơ hội để đóng một nhân vật như thế này”, Thu Hương chia sẻ.

Diễn viên xiếc Hồng Thúy cũng gặp nhiều rắc rối khi đảm nhận vai người mẹ trong tiết mục đu dây da “Huyền thoại mẹ”. Hồng Thúy thừa nhận, cô còn trẻ và chưa có con nên luôn tìm tòi cách thể thiện, hóa thân thành một người mẹ luôn đau đáu nhớ và che chở, đùm bọc cho con. Ngoài thời gian tập luyện trên liên đoàn, về nhà, cô vẫn phải tập trước gương, tưởng tượng từng cảm xúc của một người làm mẹ. Cô cười: “Tôi chuyên diễn xiếc đu nên kỹ thuật biểu diễn xiếc không có gì khó. Chúng tôi cũng đã quen với những độ cao nên lần này cũng không phải dùng dây an toàn. Chỉ là phần diễn xuất khó quá”.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/khi-san-khau-xiec-khong-chi-co-xiec-d265824.html