Khi sách trở thành 'phao cứu sinh' cho các tù nhân tại Pháp

Với những tù nhân tại Pháp, sách là công cụ giúp họ kết nối với nhau, cũng như để họ sống trong cuộc đời của những nhân vật trên trang sách.

Sâu trong nhà tù La Sante rộng lớn ở Paris, sinh viên luật Morgane đang thảo luận về cuốn tiểu thuyết kinh điển The Outsider của Albert Camus với một ông Adama, một tù nhân tại đây.

Dù đôi khi có những chỗ khó đọc, với ông Adama, việc đọc sách như một chiếc "phao cứu sinh".

“Nó cho phép tôi được giải thoát để nghĩ về điều gì đó khác. Những khung cảnh cứ hiện lên trong đầu tôi. Cứ như thể tôi đang đạo diễn một chương trình truyền hình vậy”, ông nói.

Ông Morgane là một tình nguyện viên của tổ chức từ thiện Lire Pour Sortir (tạm dịch: Đọc để giải thoát), coi việc đọc không chỉ là một hình thức trốn thoát khỏi thực tại, theo cách ẩn dụ. Tổ chức này còn khuyến khích việc đọc như một cách để giải quyết tình trạng quá tải các nhà tù ở Pháp, vốn đang quá tải, theo AFP.

“Thiếu vốn từ vựng là yếu tố hàng đầu dẫn đến bất bình đẳng xã hội”, luật sư Alexandre Duval-Stalla, người sáng lập tổ chức Lire Pour Sortir vào năm 2015, nói.

“Càng biết nhiều từ vựng, cơ hội làm việc của bạn càng lớn, càng dễ hòa mình với cuộc sống”, ông nói thêm, cho rằng điều này không chỉ giúp những người bị bắt giam tự tin trả lời trước thẩm phán, mà còn có thể ngăn chặn hành vi phạm tội ngay từ đầu.

The Outsider kể câu chuyện về một thanh niên vào tù và đối mặt với bản án tử hình.

Ông Adama được cho là có một lựa chọn phù hợp, khi tìm đến tác phẩm của Albert Camus. Nhà văn người Pháp gốc Nigeria có mẹ là người mù chữ, khi chỉ biết được 400 từ vựng. Điều này đã tạo nên rào giữa hai mẹ con, dù nhà văn này đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp văn chương.

Giải pháp cho các nhà tù

Theo số liệu từ chính phủ Pháp, gần một phần tư trong số hơn 72.000 tù nhân ở nước này mù chữ.

Các nhà tù ở Pháp bắt buộc phải có thư viện, nhưng không yêu cầu phải có thủ thư - những người sẽ khuyến khích tù nhân đọc sách, giúp đỡ họ và tổ chức các chương trình văn hóa.

 Các nhà tù tại Pháp bắt buộc phải có thư viện. Ảnh: Le Bonbon.

Các nhà tù tại Pháp bắt buộc phải có thư viện. Ảnh: Le Bonbon.

Cùng với đó, một luật mới có hiệu lực từ tháng một đã xóa đi việc tù nhân được tự động giảm án nếu cải tạo tốt. Giờ đây, những người bị giam giữ phải chứng minh được họ có tham gia vào các chương trình văn hóa và công việc. Dù vậy, việc thiếu nguồn lực khiến nhiều người không thể tiếp cận các chương trình cần thiết.

Tổ chức Lire Pour Sortir muốn giúp lấp đầy khoảng trống này và sẽ tăng gấp đôi mạng lưới tình nguyện viên của mình lên 500 người vào năm 2024. Nhưng ngay cả khi đó, họ cũng chỉ đáp ứng được 50 trong tổng số 187 nhà tù tại Pháp.

Luật sư Duval-Stalla nói rằng nếu có đủ nguồn lực, những cuốn sách có thể phần nào đảm nhiệm công việc như các nhà tâm lý học.

“Tội phạm thường hiếm khi đặt bản thân mình vào vị trí người khác. Sách cho họ sống trong những câu chuyện của người khác, và điều đó rất quan trọng. Ngôn từ mang đến cho bạn quan điểm của riêng mình”, ông nói.

Khi những tù nhân trở thành giám khảo

Giải Goncourt - giải thưởng văn học Pháp, được chính phủ nước này lấy ý tưởng để tạo ra một "giải Goncourt của tù nhân". Khi đó, các tù nhân sẽ thảo luận để chọn ra tác phẩm xuất sắc.

Trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức, các tù nhân trở thành những giám khảo, và đã nhất trí trao giải cho tác phẩm Sa Préféreé của nhà văn Sarah Jollien-Fardel hồi tháng 9/2022.

Sách giúp những tù nhân tại pháp kết nối với nhau. Ảnh: New York Times.

Dự án giải thưởng đặc biệt này được chính phủ Pháp khuyến khích, dù phe cánh hữu nói rằng chính phủ đang quá nhân từ với những tù nhân, theo New York Times.

"Nơi nào văn hóa, ngôn ngữ và lời nói phát triển, bạo lực sẽ đi xuống", Bộ trưởng Tư pháp Éric Dupond-Moretti nói. "Thời gian trong tù là sự trừng phạt, nhưng cũng là thời gian để họ thay đổi".

Với các tù nhân tại nhà tù ở Orleans, việc tranh luận về những cuốn sách giúp họ kết nối với nhau, làm vơi đi cảm giác lạnh lẽo phía sau những song sắt.

"Chỉ vì chúng tôi là tù nhân không có nghĩa là chúng tôi không có giá trị, hay các ý kiến không đáng để nghe", bà Mathilde, người bị giam tại Orleans, nói.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-sach-tro-thanh-phao-cuu-sinh-cho-cac-tu-nhan-tai-phap-post1417001.html