Khi quyền tấn công hạt nhân của tổng thống Mỹ bị thách thức

Trước thái độ ngày càng cứng rắn của Tổng thống Trump với Triều Tiên, các nghị sĩ và chuyên gia lo ngại về thẩm quyền tuyệt đối của tổng thống trong việc ra lệnh tấn công hạt nhân.

Không chi tiết nhỏ nào bị bỏ sót trong kế hoạch của người Mỹ chuẩn bị cho một cuộc chiến hạt nhân. Kể cả ngay tại căn cứ chỉ huy cuộc chiến gần Omaha, Nebraska, người ta thiết kế cả một “cửa thoát hiểm an toàn”, để vị tướng 4 sao là chỉ huy chính có thể nhanh chóng thoát ra và lên máy bay trước khi quả bom đầu tiên rơi xuống.

Quy trình ứng phó luôn sẵn sàng để bảo đảm các vũ khí hạt nhân Mỹ sẽ hoạt động ngay sau khi tổng thống phát lệnh đáp trả, hoặc tấn công phủ đầu, một cuộc chiến từ Triều Tiên hay bất kỳ nước nào khác. Những quy trình dự phòng, thậm chí là cả “dự phòng của dự phòng”, cũng được chuẩn bị.

Tuy nhiên, bên cạnh những quy trình cơ bản trên là một số băn khoăn chưa lời giải đáp. Chẳng hạn như điều gì sẽ xảy ra nếu tổng thống phát lệnh tấn công hạt nhân, dù bất kỳ lý do nào, nhưng vị tướng 4 sao chỉ huy tại Bộ Chỉ huy Chiến lược (Stratcom) lại từ chối tuân thủ và cho rằng mệnh lệnh này không hợp pháp?

Một tên lửa Titan 2 đã vô hiệu hóa bên trong bảo tàng tên lửa ở Green Valley, bang Arizona. Ảnh: AFP.

Quyền lực tuyệt đối

Robert Kehler, nguyên tư lệnh Stratcom, đã được hỏi câu như trên trong một phiên điều trần ở quốc hội hồi tuần qua. “Khi đó anh sẽ rơi vào một tình huống thú vị về hiến pháp”, ông trả lời, tỏ ra bối rối.

Brian McKeon, cố vấn cao cấp ở Bộ Quốc phòng Mỹ thời chính quyền Obama, nói phản ứng đầu tiên của tổng thống là sẽ yêu cầu bộ trưởng quốc phòng chỉ đạo vị chỉ huy phải tuân thủ lệnh phóng.

“Nếu vị chỉ huy vẫn khăng khăng bất tuân, thì anh sẽ phải thay thế bộ trưởng quốc phòng hoặc vị tướng ấy”, ông McKeon nói; ngụ ý rằng mệnh lệnh của vị tổng tư lệnh là không thể bị cản trở.

Người đứng đầu hiện tại của Bộ Chỉ huy Chiến lược, Tướng John Hyten, cuối tuần qua đã khẳng định tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax ở Canada rằng ông sẽ không chấp hành lệnh phóng hạt nhân từ Tổng thống Trump, nếu ông cho rằng điều này trái luật.

“Khi đó, tôi nghĩ tổng thống sẽ yêu cầu tôi giải thích về nhận định ‘bất hợp pháp’ của mình”, tướng Hyten dự đoán.

Bruce Blair, cựu chuyên viên tại bộ tư lệnh và là người sáng lập nhóm Global Zero chủ trương loại trừ vũ khí hạt nhân, nói phản ứng lúng túng của tướng Kehler có nghĩa vị chỉ huy của Bộ Chỉ huy Chiến lược có thể bị tổng thống “ngó lơ”.

Trụ sở chính của Stratcome gần Omaha, bang Nebraska. Ảnh: townews.

Bởi tổng thống có thể truyền lệnh tấn công hạt nhân trực tiếp đến Phòng Chiến tranh tại Lầu Năm Góc. Từ đây, nó sẽ đi tới những người nắm giữ chìa khóa phóng.

Cuộc điều trần ở Thượng viện tuần qua là lần đầu tiên nội dung thẩm quyền sử dụng vũ khí hạt nhân của tổng thống được đề cập kể từ năm 1976. Trong quá khứ, nghị sĩ Richard L. Ottinger (New York) muốn thúc đẩy quốc hội Mỹ tuyên bố rằng nước này sẽ không bao giờ khởi đầu cho một cuộc chiến hạt nhân.

Quyền lực của tổng thống thiếu sự kiểm soát

41 năm sau, Mỹ vẫn không loại trừ phương án tấn công hạt nhân trước tiên; và điều này có thể không được thúc đẩy trong thời của chính quyền Trump. Điều này khiến các chuyên gia lo ngại về quyền ra lệnh phóng vũ khí hạt nhân được tập trung duy nhất về tay tổng thống, trong khi ông Trump có tính khí thất thường và khó lường.

“Chúng tôi lo lắng rằng tổng thống có thể phát lệnh tấn công hạt nhân vượt ra ngoài lợi ích an ninh quốc gia Mỹ”, Thượng nghị sĩ Chris Murphy nói tại cuộc điều trần.

Tướng Hyten, người đứng đầu Stratcom hiện tại, khẳng định sẽ không tuân thủ lệnh phóng hạt nhân của tổng thống nếu nó bất hợp pháp. Ảnh: AFP.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker một mặt khẳng định ông không trực tiếp nhắm tới tổng thống, mặt khác công khai chất vấn liệu thái độ cứng rắn của ông Trump với Triều Tiên và một số nước khác có thể dẫn đến thế chiến hay không.

Tuy nhiên, buổi điều trần kết thúc và được cho là không tạo ra tác động đáng kể để dẫn đến sự thay đổi thẩm quyền của tổng thống đã được quy định theo luật.

James Acton, giám đốc chương trình hạt nhân tại Trung tâm Hòa bình Quốc tế Carnegie, đồng tình rằng tổng thống đã được trao một quyền lực không thể kiểm soát trong việc quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Theo quan điểm của tôi, tổng thống bắt buộc phải tham vấn với các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, tư pháp và phải được ít nhất 2 vị ủng hộ mới có thể hành động”, ông Acton nói.

Ông Richard Bettes, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến tranh và Hòa bình thuộc Đại học Columbia, giải thích rõ thêm: “Tổng thống cần bộ trưởng quốc phòng xác nhận quyết định phóng là đúng đắn và giá trị, và bộ trưởng tư pháp xác nhận mệnh lệnh này hợp pháp. Khi đó, nó sẽ bảo đảm không gây cản trở trong việc đáp trả sự tấn công từ đối phương”.

VIDEO: Vali hạt nhân của tổng thống Mỹ Donald Trump có gì đặc biệt?

Vali hạt nhân của tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những vật dụng "quyền lực" nhất thế giới, cho phép Mỹ tấn công hạt nhân khi tổng thống không có mặt tại Nhà Trắng.

Minh Anh (Theo AP)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khi-quyen-tan-cong-hat-nhan-cua-tong-thong-my-bi-thach-thuc-post797403.html