Khi quốc lộ sắp quá tải

Các tuyến quốc lộ vùng Đông Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng hiện đang vào thời kỳ quá tải. Vấn đề xuất phát từ quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ trong khi đầu tư cho hạ tầng giao thông không theo kịp.

Kẹt xe trên quốc lộ 51 đoạn qua địa bàn huyện Long Thành

Kẹt xe trên quốc lộ 51 đoạn qua địa bàn huyện Long Thành

Các tuyến quốc lộ này hằng ngày đang “gồng mình” trước sự gia tăng của các phương tiện giao thông và đang chờ được chia tải từ những tuyến cao tốc.

* “Oằn mình” cho vận tải

Đồng Nai có tới 5 tuyến quốc lộ đi qua, cụ thể là: quốc lộ 1, quốc lộ 1K, quốc lộ 20, quốc lộ 51 và quốc lộ 56. Tổng chiều dài của các tuyến quốc lộ qua tỉnh hơn 260km. Các quốc lộ trên đều nằm ở vị trí cửa ngõ TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, vì thế lượng phương tiện tham gia giao thông khá lớn.

Toàn tỉnh có 24 tuyến đường tỉnh kết nối với các tuyến quốc lộ. Tổng chiều dài các tuyến đường tỉnh hơn 450km. Đây là các tuyến đường trọng yếu, ngoài việc phát triển kinh tế còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là đảm bảo an ninh quốc phòng.

3 tuyến quốc lộ được xem là con đường huyết mạch đến nay đều quá tải, cụ thể: quốc lộ 1 Bắc - Nam, quốc lộ 20 kết nối khu vực Tây nguyên với vùng Đông Nam bộ và quốc lộ 51 nối vùng kinh tế sôi động nhất nước (Đông Nam bộ) với hệ thống cảng biển. 3 tuyến quốc lộ này thường xuyên bị ùn tắc giao thông và không có đường để giảm tải.

Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành cho biết, với 2 tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 20 đoạn qua địa bàn tỉnh, từ nhiều năm qua sở đã kiến nghị với Bộ Giao thông - vận tải cho mở rộng để đảm bảo giao thông.

Trong số 5 quốc lộ qua địa bàn tỉnh, ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn cả là quốc lộ 51 vì lưu lượng xe trên tuyến quốc lộ này đến nay đã ở mức gấp 4 lần so với thiết kế. Tuyến quốc lộ 51 được thiết kế với lưu lượng xe bình quân là 10 ngàn lượt/ngày đêm, thế nhưng đến nay lưu lượng xe bình quân đã lên đến hơn 40 ngàn lượt/ ngày đêm. Theo số liệu thống kê của Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC, đơn vị đang thu phí tuyến quốc lộ 51) vào những ngày cao điểm trong tháng 4 vừa qua, lượng xe qua trạm thu phí đạt hơn 48 ngàn lượt/ngày đêm.

* Trông chờ đường cao tốc

Theo đánh giá của Viện Chiến lược và phát triển giao thông - vận tải (thuộc Bộ Giao thông - vận tải), để giảm tải cho 3 tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 20 và quốc lộ 51 cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư 3 dự án đường cao tốc là tuyến đường cao tốc Bắc - Nam. Cụ thể là đoạn Phan Thiết - Dầu Giây vì sẽ giảm lưu lượng xe cộ lưu thông cho quốc lộ 1. Tuyến đường cao tốc này trong kế hoạch sẽ được khởi công vào năm 2020.

Bên cạnh đó, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được kỳ vọng sẽ chia tải cho quốc lộ 20 khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đều có kiến nghị Bộ Giao thông - vận tải sớm cho đầu tư tuyến cao tốc này. Cũng theo phân tích của Viện Chiến lược và phát triển giao thông - vận tải, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương không chỉ đơn thuần giúp giảm lượng xe trên quốc lộ 20 mà còn là tuyến đường chiến lược để phát triển vùng Nam Tây nguyên.

“Nóng” hơn cả là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhiều lần kiến nghị Bộ Giao thông - vận tải sớm cho đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này. Kiến nghị này cũng trùng với quan điểm của Viện chiến lược và phát triển giao thông - vận tải. Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông - vận tải chia sẻ: “Để giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 51 hiện nay, tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần đầu tư trước đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ”.

“Nóng ruột” trước tình trạng quốc lộ 51 quá tải, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, gần đây tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cùng với Đồng Nai đưa ra phương án chủ động đầu tư tuyến đường cao tốc này. Cụ thể, dự án đang được tính toán xây dựng trước đoạn từ đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đến cảng Cái Mép để giải quyết ùn tắc những “điểm nóng” giao thông trên quốc lộ 51, đoạn còn lại sẽ đầu tư ngay sau khi đoạn thứ nhất đi vào khai thác.

Vân Nam

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201907/khi-quoc-lo-sap-qua-tai-2956438/