Khi phố cũ vẫn 'mặn mà, ý nhị' trong lòng phố mới

Kiến tạo một khu phố mới nhưng vẫn chứa đựng được 'cả vóc dáng và tâm hồn' của phố cổ Hà Nội xưa luôn là điều mà nhiều người Việt hiện đại khao khát.

Trong bút ký Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam từng viết: “Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải. Người Việt Nam ta, ta tự hào khi có Hà Nội”. Nhà văn cho rằng Hà Nội với 36 phố phường có vai trò đặc biệt như trái tim, biểu tượng của cả nước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, Thăng Long - Kẻ Chợ xưa đã trải qua hàng nghìn năm phát triển với biểu tượng chính là 36 phố phường. Ông nhấn mạnh: “Từ một chốn giao thương sầm uất, Kẻ Chợ xưa đã phát triển qua nhiều thế kỷ, tạo ra chiều sâu lịch sử với nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội ngày nay”.

Bắt nguồn từ chốn giao thương rồi hình thành nên các khu đô thị lớn, có chiều sâu văn hóa cũng là quy luật chung của nhiều thành phố khác ở Việt Nam và trên thế giới. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng bài học từ sự hình thành của Hà Nội 36 phố phường cũng chính là “chìa khóa” để các nhà phát triển bất động sản xây dựng trung tâm đô thị, không gian đáng sống cho người dân hiện nay.

Từng sống ở Hà Nội từ năm 1897 đến 1902, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã miêu tả khu phố cổ Hà Nội bằng từ “mặn mà, ý nhị” trong hồi ký Xứ Đông Dương.

Ông dành tình cảm cho sự duyên dáng của những ngôi nhà cổ màu trắng trên các dãy phố của người Việt ven bờ phía bắc hồ Hoàn Kiếm. Những dãy phố đó đem lại một dáng vẻ phương Đông, ấn tượng mặn mà, ý nhị. “Khu phố Annam rất kỳ lạ, những đường phố hẹp, những ngôi nhà thấp, những cửa hiệu tràn cả ra đường, người đông nhung nhúc. Chỗ này mới đích thực là Hà Nội”, Paul Doumer viết trong hồi ký.

Annam mà Paul Doumer miêu tả chính là khu phố cổ Hà Nội ngày nay, được giới hạn bởi các phố Hàng Đậu - Phùng Hưng - Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Đất, Hàng Thùng - Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, với tổng cộng 76 tuyến phố.

Đặc trưng nổi bật của khu phố cổ là các phố nghề với sự ồn ào, náo nhiệt của cảnh mua bán, giao thương; nhà ở chủ yếu theo dạng ống, mặt tiền là cửa hàng buôn bán, phía trong là nơi ở.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, sự sầm uất, nhộn nhịp của khu phố cổ đã có lịch sử hàng nghìn năm, trải qua nhiều thế kỷ. Thăng Long - Hà Nội trước có tên gọi là Kẻ Chợ. Kẻ nghĩa là làng, chợ là nơi giao thương. Tên gọi ban đầu của Hà Nội chỉ một nơi giao thương.

Nhà sử học cũng nhấn mạnh Hà Nội có vị trí đắc địa - trung tâm của đồng bằng sông Hồng, nên thuận lợi buôn bán, trao đổi hàng hóa. Kẻ Chợ xưa cũng ven sông Hồng, phía nam, phía tây có sông Kim Ngưu và Tô Lịch… giúp dễ dàng di chuyển giao thương khi các loại hình giao thông khác chưa phát triển. “Nhất cận thị, nhị cận giang là một trong những yếu tố giúp Thăng Long xưa phát triển.

Đó cũng là quy luật nghìn đời nay của nhiều đô thị tại Việt Nam và trên thế giới. Như Chợ Lớn gắn bó với sông Sài Gòn, phố cổ Hội An gắn bó với sông Thu Bồn, London gắn bó với sông Thames, Paris với sông Seine…”, ông chia sẻ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng phân tích, chính từ xuất phát điểm là nơi giao thương, Hà Nội bắt đầu hình thành phố phường và phát triển sầm uất hơn. Theo đó, thợ thủ công nhiều vùng khác nhau đổ về lập thành các phường nghề, mà nay là 36 phố phường với tên phố là chính mặt hàng được bày bán. Người mua, kẻ bán đông đảo dần tạo ra các cộng đồng dân cư, vừa sinh sống vừa làm việc, trao buổi buôn bán.

Khi đã gắn kết với chữ “chợ”, Thăng Long - Hà Nội tiếp tục hình thành những nét văn hóa đặc trưng của mình. Điều đó thể hiện ở nhiều khía cạnh như món ăn, thú chơi, hay đơn giản chỉ là cách sống của con người nơi đây.

Trải qua nhiều thế kỷ, những nét văn hóa đó dần trở thành “linh hồn” của Hà Nội. Giống như cách nhà văn Thạch Lam ví von Hà Nội có “cả vóc dáng và tâm hồn” để nói về nét đẹp những con phố, cũng như chiều sâu lịch sử văn hóa của chốn Kẻ Chợ xưa.

Cách đây nhiều năm, một số chủ đầu tư bất động sản lớn đã phải bỏ ra số tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để đền bù cho người dân. Đó cũng là một trong số ít giao dịch giúp thị trường có cái nhìn về giá trị đất của “36 phố phường” Hà Nội.

Một số doanh nghiệp môi giới đất thổ cư đánh giá phố cổ có vị trí trung tâm, nguồn hạn chế, lại có lịch sử lâu đời nên giá trị đắt đỏ. Trong khi đó, không phải ai cũng có thể mua được, bởi nguồn giao dịch rất hữu hạn.

Cũng vì sự đắt đỏ ấy, khi nhu cầu hình thành các khu đô thị theo mô hình “buôn có bạn, bán có phường” ngày càng nhiều, không ít chủ đầu tư đã xây dựng các khu đô thị mới để đáp ứng khách hàng. Thế nhưng, những khu đô thị này tuy được hình thành nhưng làm không tới. Bằng chứng là rất nhiều khu shophouse, khu phố mua sắm lác đác người đến ở. Tệ hơn là bị bỏ hoang.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, nếu dựa vào nguyên lý phát triển hàng nghìn đời nay của phố cổ Hà Nội cũng như quy luật phát triển của các đô thị lớn trên thế giới, hoàn toàn có thể tạo ra được một “phố cổ Hà Nội thứ hai” ngay trong những khu phố mới hiện đại giữa thế kỷ 21.

Theo ông, nhà phát triển dự án có thể học hỏi cách thức phát triển, tạo ra một khu vực giao thương thuận lợi cho người dân bản địa và các vùng khác. Khu vực đó sau khi giao thương sầm uất sẽ hình thành các khu vực sinh sống của cộng đồng. Từ cộng đồng đó phát triển những giá trị văn hóa đặc trưng riêng.

“Có thể lấy tinh thần của khu phố cổ để tạo ra giá trị mới cho khu vực này, nhưng cách làm cần phải hài hòa, không khiên cưỡng, tạo ra một cộng đồng gắn kết bắt nguồn từ giao thương. Như cách mà khu đô thị The Manor Central Park đang làm là một ví dụ”, ông nói.

Theo nhà sử học, một dự án đô thị được hình thành với tinh thần, cảm hứng từ sự bắt nguồn của Hà Nội 36 phố phường như The Manor Central Park chính là minh chứng cho sự gắn kết cộng đồng qua phong cách sống khác biệt.

Chủ đầu tư Bitexco Group cho biết ý tưởng hình thành The Manor Central Park bắt nguồn từ nguyên lý từ ngàn xưa, theo đúng cách mà Hà Nội đã hình thành. Theo đó, nơi đây sẽ hình thành những khu shophouse lấy cảm hứng từ Hà Nội 36 phố phường, giúp cư dân giao thương, người mua kẻ bán gặp nhau với tinh thần “buôn có bạn, bán có phường”, tạo thành một điểm đến thương mại và văn hóa náo nhiệt, không rào cản cho cộng đồng thịnh vượng.

Không chỉ vậy, đặc thù của dự án là người dân có thể vừa sinh sống, vừa làm việc và kinh doanh, hình thành lối sống cộng đồng riêng. Cộng đồng đó sẽ hình thành văn hóa riêng, có những đặc trưng mà không nơi nào khác có được. Đó cũng là chìa khóa tạo ra các “phố cổ” khác của Hà Nội, theo quy luật ngàn đời.

Ông Trịnh Tùng sống tại số 47 Hàng Đào, con phố sầm uất bậc nhất phố cổ Hà Nội, nay đã ngoài 60 tuổi. Nhớ về tuổi thơ của mình, ông không thể nào quên được thời kỳ thiếu thốn, khi mà những căn nhà kết hợp buôn bán ở khu Hàng Đào được thiết kế chưa khoa học, người dân phải đi vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng cạnh bờ hồ. Nguyên nhân là các căn nhà dọc phố ban đầu được thiết kế chủ yếu phục vụ mục đích kinh doanh, không tính đến chuyện ở. Bởi thế, có thể khu vệ sinh đã không được tính đến.

Hơn 60 năm gắn bó cùng phố cổ với nhiều kỷ niệm buồn vui, qua nhiều lần tu sửa nhà cửa, ông Tùng vẫn sống trong căn nhà nhỏ hẹp bên con phố sầm uất. Ông cho biết nhiều người hàng xóm đã bán nhà chuyển đi nơi khác vì mong muốn một không gian sống rộng rãi hơn.

Ngoài vẻ phồn hoa, sầm uất của khu phố cổ, không khó để nhận ra các vấn đề của những dãy nhà có lịch sử phát triển nhiều thế kỷ. Đó là những hạn chế về không gian, diện tích, sinh hoạt chung, giao thông, cảnh quan, công viên cây xanh… Những hạn chế này khó có thể khắc phục bởi chính sự cổ kính và lịch sử phát triển của thủ đô.

Tuy nhiên, những “phố cổ” khác của Hà Nội thời hiện đại như The Manor Central Park đã được phát triển và khắc phục bằng tính toán hợp lý hơn, từ đó hình thành nên một điểm đến mới vừa là nơi giao thương tấp nập, vừa là trung tâm văn hóa, giải trí và gắn kết cộng đồng.

Toàn bộ dự án có 70% sản phẩm thấp tầng là shophouse nằm xuôi theo những giao lộ trải dài hướng ra mặt đường lớn như Hoàng Mai, Nguyễn Xiển…, giao thông tấp nập, tạo cảm giác về những căn nhà phố quen thuộc ở Hàng Đào, Hàng Bạc, Đồng Xuân...

Không giống như shophouse tại các dự án khác có thiết kế chung cửa, gây bất tiện khi đi lại cũng như quản lý không gian, shophouse The Manor Central Park được thiết kế hai lối đi riêng. Điều này vừa giúp việc kinh doanh trở nên độc lập, hiệu quả, văn minh, lại vừa tạo được sự riêng tư trong sinh hoạt cá nhân - nơi trẻ con hàng xóm có thể í ới rủ nhau ra chơi, nơi người lớn bàn chuyện phiếm bên bếp nướng BBQ thơm lừng….

Với mong muốn hình thành khu phố theo đúng quy luật xưa kia, chủ đầu tư Bitexco Group cũng lên kế hoạch phối hợp với một đơn vị quốc tế để tư vấn, hỗ trợ và định hướng ngành hàng cho từng khu shophouse giúp việc kinh doanh của các cư dân tương lai đạt được hiệu quả tối ưu, tạo nên những “phố nghề”, “phố buôn bán”… đa dạng ngay trong lòng phố mới.

Bên cạnh đó, các con đường của The Manor Central Park được mở theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng, tức là tạo ra một không gian kết nối với khu dân cư xung quanh hay toàn thành phố mà không có bất kỳ rào cản nào. Không gian đó được mở theo đúng cách những điểm đến giao thương ngàn đời xưa đã hình thành.

Với quy mô dân số có thu nhập và dân trí cao lên tới 25.000 người cùng số lượng lớn các cư dân lân cận, hạng mục shophouse tại The Manor Central Park hứa hẹn sẽ mang đến tiềm năng kinh doanh đột phá ngay trong nội khu cho các nhà đầu tư, đồng thời tạo thành điểm đến kinh doanh, văn hóa thịnh vượng trong tương lai.

Không chỉ vậy, vượt lên trên một nơi giao thương đơn thuần, The Manor Central Park còn được định hướng trở thành điểm đến văn hóa mới của Hà Nội. Cụ thể, dự án có Công viên Trung tâm rộng tới 6,6 ha, tương đương hồ Hoàn Kiếm, cùng lợi thế nằm liền kề Công viên Chu Văn An với diện tích gần 100 ha. Nơi đây hứa hẹn trở thành điểm đến của nhiều hoạt động cộng đồng như các sự kiện âm nhạc, hội chợ, lễ hội văn hóa hay các chương trình countdown chào năm mới, lễ hội pháo hoa…

Để làm nên phần hồn đó, những yếu tố cộng đồng được chủ đầu tư chăm chút trong từng phân khu. Đó là cách quy hoạch thông minh, tăng tính kết nối của dự án với khu vực xung quanh. Đó là sự chăm chút từng hạ tầng công cộng như vỉa hè thoáng rộng để cư dân thoải mái tản bộ; công viên trung tâm xanh mát để cả gia đình cùng đọc sách; quảng trường châu Âu - nơi chiều chiều trẻ con có thể đạp xe, nghịch nước, trong khi người lớn ngồi thảnh thơi thư giãn dưới tán cây. Cộng đồng cư dân cũng có thể tổ chức các hoạt động tập thể riêng trong phân khu của mình tại khu vực quảng trường này.

Trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” nơi sinh thành nhà tri thức lớn Chu Văn An, nơi thờ vị anh hùng dân tộc Phạm Tu, lại nằm trên đại lộ mang tên nhà khoa học - chính trị gia nổi tiếng Nguyễn Xiển, The Manor Central Park đang từng bước thành hình một đô thị mở hiện đại, phát triển thuận lẽ tự nhiên mang cả “cả vóc dáng và tâm hồn” - như cách mà Thạch Lam miêu tả về 36 phố phường xưa để khẳng định vị thế tiên phong, đẳng cấp của thương hiệu Bitexco Group trên thị trường bất động sản Việt Nam.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói, trải qua nghìn đời nay, bất kể ở Việt Nam hay trên toàn thế giới, xuất phát điểm của mọi cộng đồng thịnh vượng đều trải qua quá trình hình thành, phát triển và gắn kết thuận tự nhiên. Theo nguyên lý ấy, Bitexco Group đã tạo nên một The Manor Central Park “ý nhị” và “mặn mà” nhưng vẫn hiện đại và tiện nghi trong diện mạo một “Kỷ nguyên mới của 36 phố phường”, đem đến cho cộng đồng “một phố cũ trong lòng phố mới” để thêm say đắm, yêu thương.

Trần Nguyễn - Như Ý
Giang Minh Nguyệt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khi-pho-cu-van-man-ma-y-nhi-trong-long-pho-moi-post954749.html