Khí phách người làm thầy

Trong sách 'Kiến văn tiểu lục', nhà bác học Lê Quý Đôn tán dương hành động dâng sớ chém nịnh thần, cáo quan trả mũ về nhà không nhận bổng lộc bó buộc có thể tôn vinh thầy Chu là bậc thánh cao nhất.

Lăng mộ thầy giáo Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng (Chí Linh – Hải Dương).

Lăng mộ thầy giáo Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng (Chí Linh – Hải Dương).

Nhân kỷ niệm 650 năm ngày mất của thầy giáo – danh nhân Chu Văn An (1370 – 2020), tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đang trưng bày chuyên đề “Chu Văn An - Thượng tường Sơn Đẩu”. Triển lãm thể hiện ý nghĩa về người thầy họ Chu như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu với khí phách đáng bậc anh hùng.

Kẻ sĩ Thăng Long

Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính có ghi chép tỉ mỉ: Vào thời nhà Trần có danh nho tên là Chu Văn An thi đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan, ông trở về quê hương mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung.

Chu Văn An sinh tại Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Liệt - Thanh Trì). Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” Chu Văn An “tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa”.

Tuy nhiên, theo dòng lịch sử thì nơi thầy Chu Văn An sinh ra không phải là người thuộc đất Thăng Long, mà cách kinh thành hơn canh giờ đi cáng. Mãi đến đời vua Trần Minh Tông (1314 - 1329), khi Chu Văn An đến tuổi lập thân lập nghiệp, mới chính danh thành người Thăng Long.

Thời đó, trường học còn rất hiếm. Cả nước chỉ có một trường quốc lập là Quốc Tử Giám ở kinh đô dành cho con vua, con quan, sau mở rộng cho những người tài trong nhân dân theo học. Tư Thiện Đường, Toát Trai Đường ở Thiên Trường (Nam Định) chỉ dành cho con em tôn thất nhà Trần. Trường Yên Tử hay Hương Sơn dành riêng cho nhà chùa.

Bởi trường lớp quá ít, con em nhân dân phần lớn thất học, Chu Văn An đã mở trường Huỳnh Cung tại quê nhà để dạy. Ông truyền đạt kinh điển nho giáo, mục đích cao nhất không ngoài “giáo kính, giáo trung, giáo văn”, nghĩa là dạy sự cung kính, trung hậu và văn nhã. Học trò ở trường Huỳnh Cung cũng chịu ảnh hưởng của thầy Chu rất lớn.

Trong khoa thi năm 1314, hai học trò của ông đỗ Thái học sinh đã gây tiếng vang lớn trong giới sĩ tử đương thời. Thầy giáo Chu Văn An và trường Huỳnh Cung được cả nước biết đến - trở thành dấu mốc lịch sử trong hành trình phát triển của nền giáo dục Việt Nam.

Do nền giáo dục của nhà Trần đang suy thoái trầm trọng, vua Trần Minh Tông muốn thay đổi tình thế. Vua đích thân triệu vời Chu Văn An vào triều để vừa dạy Thái tử Trần Vượng, vừa kiêm chức Tư nghiệp – trông coi việc học trong cả nước. Tuy nhiên, thời gian này trách nhiệm chính của ông là đào tạo vua mới.

Chu Văn An – người thầy được tôn phong là “Vạn thế sư biểu”.

Vạn thế sư biểu

Mãi đến khi Thái tử Trần Vượng lên ngôi năm 1329 lấy hiệu là Trần Hiến Tông, thầy Chu mới thực sự chuyên tâm vào công việc ở trường Quốc Tử Giám. Ông cho mở mang trường, viết “Tứ thư thuyết ước”, tóm tắt bốn bộ sách lớn là Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học và Trung dung, làm giáo trình dạy học. Kể từ đó, Quốc Tử Giám mỗi ngày được củng cố, mở rộng.

Trớ trêu thay, vua Trần Hiến Tông - học trò của thầy Chu ở ngôi được có hai năm thì qua đời. Công lao hơn 10 năm đào tạo khó nhọc và hi vọng củng cố nhà Trần của thầy trò đều tiêu tan.

Vua Trần Dụ Tông lên thay, triều chính rối ren. Vua thì ham mê tửu sắc, nóng nảy, nông cạn; gian thần hoành hành, giặc giã dấy binh cướp bóc. Làm một người thầy, trước tình cảnh ấy đã khiến thầy Chu phẫn nộ. Ông viết “Thất trảm sớ” đòi chém 7 kẻ nịnh thần nhưng vua Dụ Tông phớt lờ. Tấu sớ của một thầy giáo gây chấn động bờ cõi, bởi theo quy chế lúc bấy giờ, chỉ quan Ngự sử mới được quyền can gián vua.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết rõ: “Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ từ quan mà về quê”. Hành động quyết liệt đó khiến vua Trần Dụ Tông không thể làm ngơ. Một mặt không thể xuống tay với bề tôi là tay sai đắc lực và chung tính xấu với mình, nhưng cũng không thể để mất vị quan chính trực như thầy Chu.

Vua bèn nghĩ ra giải pháp dung hòa vuốt ve: Vua đem chính sự và còn sai thần đem quần áo ban cho ông. Chu Văn An không lay chuyển. Ông từ chối không nhận việc được trao thêm quyền cao chức trọng. Những quý phẩm vua ban, ông lạy tạ xong liền đem cho người khác.

Sau này, nhà bác học Lê Quý Đôn đã tán dương hành động dâng sớ chém nịnh thần, cáo quan trả mũ về nhà không nhận bổng lộc bó buộc có thể tôn vinh thầy Chu là bậc thánh cao nhất. Đó chính là khí phách kẻ sĩ, khí phách người làm thầy, đáng với danh hiệu “Vạn thế sư biểu”.

Ông Nguyễn Duy Xây - Thủ từ miếu Gàn ở Thanh Trì, cho biết: Phẩm cách cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc và kẻ nào xấu thì thầy Chu nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét, không cho vào gặp. Nhưng là người thầy, sự nhân hậu và tình thương cũng rất mãnh liệt.

Giai thoại ở các làng Bằng Liệt, Tứ Kì, Tựu Liệt, Đại Từ, Linh Đàm, Hữu Thanh Oai và Lê Xá kể rằng: Vào năm đại hạn trong lớp của thầy Chu có một học trò là con của Thủy thần. Thấy thầy thương dân chúng đói khổ, người học trò đã cả gan trái lệnh trời mà mài mực làm mưa.

Trời trách phạt, sai thiên lôi đánh chết. Xác người học trò biến thành xác thuồng luồng. Thầy Chu vô cùng đau xót, đã cùng các học trò chôn cất người này và lập miếu thờ. Sau, nhân dân gọi người học trò là đức thánh Bảo Ninh – ngôi mộ nay vẫn còn ở miếu Gàn.

Trưng bày về thầy giáo Chu Văn An gồm 2 phần “Túc thanh cao” và “Gương thầy sáng mãi” tại Quốc Tử Giám sẽ kéo dài hết năm 2020. Triển lãm là sự suy tôn, ngưỡng mộ của hậu thế dành cho người thầy hết lòng với nghề, tinh thần phụng sự vì dân, vì nước - để lại những ảnh hưởng sâu đậm với nền giáo dục và văn hóa Việt Nam.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/khi-phach-nguoi-lam-thay-o9QtTsoMg.html