Khí phách Biên Hùng

Kỷ niệm 70 tuổi, nhà văn Nguyễn Thái Hải - Khôi Vũ cho ra mắt tập truyện lịch sử Khí phách Biên Hùng. Đây là tập sách thứ 60 của nhà văn.

Bìa sách Khí phách Biên Hùng

Bìa sách Khí phách Biên Hùng

Khí phách Biên Hùng viết về các nhân vật lịch sử Nguyễn Đức Ứng, Đoàn Văn Cự, 9 thủ lĩnh Trại Lâm Trung của Biên Hòa - Đồng Nai. Điểm chung của các nhân vật này là những anh hùng được dân tôn thờ, khi chết đều được an táng chung một mộ với những nghĩa binh của mình. Đây là 3 ngôi mộ chung lớn nhất ở Biên Hòa thời chống Pháp.

Bộ truyện lấy bối cảnh khi thực dân Pháp chiếm đóng Biên Hòa từ năm 1861, triều đình Huế đã cử nhiều đội quân đến chống trả nhưng đều thất bại. Sau đó triều đình đã cho gọi Nguyễn Đức Ứng (là một lãnh binh) đến giao quyền trấn giữ huyện Long Thành và vùng đất nối giữa Biên Hòa với vùng biển Phước Tuy để không cho giặc chiếm giữ hết Biên Hòa.

Khi vào Biên Hòa, Nguyễn Đức Ứng đã chiêu mộ binh sĩ, xây dựng căn cứ chống giặc. Tuy nhiên, trong trận chiến đấu ngăn chặn quân Pháp, do lực lượng và vũ khí quá chênh lệch, lãnh binh Nguyễn Đức Ứng đã bị thương không qua khỏi, người dân và các nghĩa binh đã chôn ông cùng 27 nghĩa binh khác chung một ngôi mộ trong rừng sâu mà quân địch không tài nào phát hiện được. Đây là ngôi mộ tập thể đầu tiên tại Biên Hòa. Trận đánh của Nguyễn Đức Ứng có thể xem là trận đấu cuối cùng của quân triều đình Huế và thực dân Pháp tại Long Thành.

Phần 2 viết về thầy đồ Đoàn Văn Cự lập hội kín tại vùng rừng Bưng Kiệu, thôn Bình Đa cũng bị thực dân Pháp tấn công và giết chết. Ông và 16 nghĩa binh tử trận cũng được nhân dân trong vùng chôn chung một mộ tại khu vực Suối Linh (đây là ngôi mộ tập thể thứ hai). Sau đó dân lập đền thờ tại phường Tam Hiệp, Biên Hòa.

Phần 3 viết về 9 thủ lĩnh Trại Lâm Trung (vùng Rạch Đông, huyện Vĩnh Cửu) bị Pháp xử bắn tại Dốc Sỏi. Dân trong vùng thương tiếc và lập mộ chung (ngôi mộ tập thể thứ 3 tại Biên Hòa). Đến nay ngôi mộ không còn vết tích, nhưng 9 thủ lĩnh này vẫn được dân trong vùng trang trọng thờ ở ngôi miếu Cô Hồn (tức chùa Bửu Hưng), gần Sân bay Biên Hòa.

Viết chuyện lịch sử, nhưng nhà văn Nguyễn Thái Hải đã không dùng kiểu viết sử khi thực hiện bộ truyện này mà dùng lối kể chuyện để dễ đến với nhiều đối tượng bạn đọc, gồm cả người lớn và lứa tuổi thiếu nhi. Tình tiết truyện cũng được tác giả cân nhắc kỹ lưỡng để sao cho vừa không giảm sự hào hùng của các anh hùng một thời, vừa không bạo lực hợp với thiếu nhi.

Sách dày 192 trang, do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành.

Hạ Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201910/khi-phach-bien-hung-2968819/