Khi nữ y bác sĩ trở thành lính mũ nồi xanh

Mỗi ngày phơi mình dưới nắng suốt 8 tiếng để hoàn thành giáo án tập huấn - đó chỉ là một thử thách các nữ y bác sĩ tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc phải trải qua.

11h trưa một ngày tháng 9 nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời hơn 35 độ C, các bác sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 vẫn miệt mài sơ cấp cứu, sẵn sàng phẫu thuật khẩn cấp.

Họ là những bác sĩ đầu tiên của Việt Nam chuẩn bị tham gia Lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan (châu Phi). Mồ hôi nhễ nhại đổ trên trán các y bác sĩ, song những chuyên gia huấn luyện đến từ Anh, Mỹ cho rằng thời tiết này chưa khắc nghiệt với thực tế mà họ sẽ phải đối mặt ở Nam Sudan khi nhiệt độ lên đến 40-45 độ C. Nhiệm vụ đặc biệt này không chỉ dành cho “cánh mày râu” mà còn có 9 nữ y, bác sĩ tham gia.

Trong số 35 y bác sĩ sẽ trở thành "lính mũ nồi xanh" có 9 người là nữ. Ảnh: Phú Mỹ.

Để sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, những y bác sĩ phải trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt từ các chuyên gia nước ngoài, không có sự phân biệt nam - nữ. Bởi vậy, cũng như các đồng nghiệp nam, 9 nữ quân nhân cũng phải rèn luyện thể lực, đẩy xe, khiêng bệnh nhân suốt hai năm. Mỗi ngày, các chị phải phơi mình dưới cái nắng chói chang suốt 8 tiếng để hoàn thành giáo án tập luyện.

Ngoài yếu tố chuyên môn, các y bác sĩ còn phải vượt qua những bài kiểm tra tiếng Anh gắt gao. Mục tiêu của họ là có thể sử dụng ngôn ngữ này thành thạo để trực tiếp trao đổi với bệnh nhân, chuyên gia nước ngoài.

Đợt tập huấn có vai trò quan trọng trong công tác chuẩn bị đánh giá khả năng của lực lượng trước khi các bác sĩ lên đường. Họ quan niệm hôm nay thao trường đổ mồ hôi, ngày mai chiến trường ít đổ máu.

Các nữ quân nhân cũng phải trải qua khóa huấn luyện nghiêm túc trước khi lên đường nhận nhiệm vụ. Ảnh: Phú Mỹ.

Thượng úy Phan Thị Thu Trang (từng làm việc tại Bệnh viện Quân đoàn 4) vẫn không thể quên cảm xúc cách đây 2 năm khi nhận được lệnh lên đường tập trung chuẩn bị tham gia vào lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc. “Tôi bất ngờ, bối rối vì chưa chuẩn bị tinh thần ra nước ngoài chữa bệnh cho nhân dân nước bạn. Tuy nhiên, đây là vinh dự của một người lính quân y, nơi đâu cần người thầy thuốc chúng tôi sẽ đến”, bác sĩ Trang nhớ lại.

Còn thiếu tá Bùi Thị Xoa (từng làm việc tại Bệnh viện 7B, Biên Hòa, Đồng Nai), chị cả trong nhóm, cho rằng người lính không bao giờ từ chối nhiệm vụ khi cấp trên giao phó. Đặc biệt nhiệm vụ của chị và đồng đội lần này là mang cả màu cờ tinh thần thầy thuốc Việt Nam sang châu Phi. Đó là vinh dự lớn cho bản thân.

Làm lính quân y, mạnh mẽ không kém những đồng nghiệp nam trên thao trường, nhưng ngoài đời, họ cũng như bao người phụ nữ khác, cũng là mẹ, là vợ của gia đình. Bởi vậy, khi nhận nhiệm vụ xa gia đình, các chị không tránh khỏi băn khoăn lo lắng việc ở nhà.

Thiếu tá Xoa trước lúc lên đường rất lo cho đứa con trai đang độ tuổi dậy thì, sẽ có lúc cần được mẹ động viên, tâm sự.

Thượng úy Trang, một người mẹ đơn thân, phải gửi con gái cho bố mẹ chăm sóc suốt hai năm nay để học nghiệp vụ chuẩn bị cho chuyến công tác. Đứa con gái nhỏ đang vào lớp 1, chắc chắn sẽ có những bỡ ngỡ cần đến mẹ.

Còn Trung úy Phạm Thị Mỹ An (32 tuổi) phải gác lại chuyện tình cảm của bản thân khi nhận nhiệm vụ. “Mình tâm sự với người yêu mong được thông cảm cho nhiệm vụ này song anh ấy không thể chờ đợi ngày mình trở về để làm đám cưới. Buồn đấy nhưng với người lính nhiệm vụ là trên hết, khi Tổ quốc cần phải biết sống xa nhau”, An chia sẻ.

Sau khóa huấn luyện, tháng 4/2018 các bác sĩ sẽ lên đường làm nhiệm vụ một năm tại Nam Sudan (Châu Phi). Các y bác sĩ này có nhiệm vụ đảm bảo y tế cho các lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, phục vụ dân thường trong trường hợp khẩn cấp. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử một đoàn cán bộ quân y tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc. Đội ngũ này là những y bác sĩ đầu tiên của Việt Nam trở thành "lính mũ nồi xanh".

Phú Mỹ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khi-nu-y-bac-si-tro-thanh-linh-mu-noi-xanh-post781677.html