Khi nông dân làm du lịch

Được ví là 'mỏ vàng' của du lịch Việt Nam, những năm qua du lịch nông thôn đã có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả cần phải xây dựng được sản phẩm du lịch đa dạng và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Cùng với đó là có những cơ chế, chính sách rõ ràng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Du khách tham quan làng ven đô Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Thiều Anh

Du khách tham quan làng ven đô Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Thiều Anh

Thống kê từ Tổng cục Du lịch, cả nước có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống. Trong đó, có thể kể đến các địa phương như Lào Cai, Sơn La, Đồng Tháp, Bến Tre, Hòa Bình, Hà Giang… Tại đây, những mô hình “làng du lịch” đang ngày một được quan tâm.

Ông Đỗ Mạnh Tường, người dân xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường mới, nhiều du khách đã quay trở lại với khu sinh thái Hồng Vân. Kể từ khi được thành phố quan tâm, đầu tư phát triển theo hướng du lịch bền vững, kinh tế địa phương đã có thay đổi từng ngày”.

Nói về lợi ích mà du lịch nông thôn mang lại, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân - ông Nguyễn Văn Phượng cho biết: Từ khi áp dụng mô hình du lịch sinh thái, xã đã có nhiều thay đổi tích cực trên các mặt kinh tế và đời sống xã hội. Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong sử dụng đất thuộc điểm du lịch để các hộ đầu tư, xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch.

Hà Nội với vùng ngoại thành rộng lớn, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng 806 làng nghề, du lịch nông thôn được xem là “mỏ vàng” của du lịch Thủ đô. Rất nhiều mô hình du lịch nông thôn đã phát triển ở các huyện, thị xã, như: Ba Vì, Quốc Oai, Gia Lâm, Sơn Tây, Mỹ Đức, Thường Tín… Trong đó, có những mô hình được thành phố công nhận là điểm du lịch như làng Phù Đổng, làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)...

Tuy nhiên, không chỉ riêng Hà Nội mà trên cả nước, hầu như địa phương nào cũng có thể khai thác du lịch nông thôn.

Mặc dù có nguồn tài nguyên lớn song du lịch nông thôn hiện vẫn phát triển nhỏ lẻ, tự phát là chính, tính hệ thống và sự kết nối chưa cao. Bên cạnh đó, sản phẩm, dịch vụ còn khá đơn điệu, thiếu tính độc đáo, sáng tạo, vẫn là các cảnh quan như vườn cây, đồng lúa, ao sen, tham quan trải nghiệm ăn uống, mua trái cây hoặc sản phẩm làng nghề, và thường chỉ gói gọn trong một ngày là chính nên nguồn thu chưa lớn. Đặc biệt số lao động tham gia vào du lịch nông thôn còn hạn chế vì thu nhập chưa cao, mang tính mùa vụ…

Cùng với đó là vấn đề vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng cơ sở lưu trú ở các địa phương. Bởi theo Luật Đất đai thì chỉ có đất thổ cư mới được xây dựng. Các chuyên gia nhận định, vấn đề này cần được giải quyết thì mới phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thông hoàn chỉnh. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ vốn và giảm thuế đối với những người khởi nghiệp du lịch nông thôn. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn an toàn về sản xuất, chế biến và môi trường đối với du lịch nông thôn.

Nhiều người cho rằng, để du lịch nông thôn từ những tiềm năng có sẵn sự trở thành một động lực trong xây dựng nông thôn mới, cần có một chiến lược quốc gia. Mỗi một khu vực nông thôn ở các vùng miền đều có lợi thế, đặc điểm riêng, do đó du lịch nông thôn cần hướng đến những sự khác biệt đó để sáng tạo ra sản phẩm phù hợp thị trường cũng như nhu cầu của du khách.

Bản du lịch Cát Cát (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: Nguyễn Dũng

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, do chưa có chính sách tổng thể về du lịch nông nghiệp cấp quốc gia, nên mới chỉ dừng ở việc lồng ghép, vận dụng vào những chính sách mang tính đặc thù của địa phương.

Còn theo các chuyên gia ngành du lịch, để xây dựng được sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn mang bản sắc văn hóa Việt thì cần phát huy kết quả khả quan của chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình OCOP, chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống. Trong đó đặc biệt chú ý đến đặc thù của từng địa phương.

Sự liên kết giữa ngành du lịch và nông nghiệp được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.

Nói như Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CBT Travel Dương Minh Bình, thực tế cho thấy người dân rất muốn tham gia làm du lịch nông thôn, thậm chí họ sẵn sàng bán trâu bò, vay mượn tiền để làm. Tuy nhiên, để thu hút được người dân nông thôn tham gia làm du lịch cộng đồng thì cần có những chính sách cụ thể, rõ ràng, nhất là chính sách hỗ trợ vốn vay để họ có kinh phí đầu tư. Du lịch cộng đồng chỉ phát triển được khi người nông dân làm chủ, người nông dân hưởng lợi.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Công ty Lửa Việt Tours, để phát triển du lịch nông thôn cần thành lập bộ phận chỉ đạo phối hợp giữa Văn phòng Điều phối nông thôn mới và Tổng cục Du lịch. Đó là, bảo tồn kiến trúc, làng nghề, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt hạn chế đô thị hóa kệch cỡm; thống nhất quy chuẩn du lịch cộng đồng xây dựng nông thôn mới và có cơ chế can thiệp, hỗ trợ người dân cụ thể. Bởi văn hóa là cội nguồn của phát triển du lịch nông thôn, do đó, các địa phương cũng cần phải có giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan trong phát triển du lịch nông thôn. Cùng với đó, cần có chương trình, kế hoạch nâng cao nhận thức và năng lực cho người dân trong việc xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở những địa phương có tiềm năng. Liên kết vùng là xu hướng tất yếu trong phát triển du lịch nông thôn nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh về sản phẩm du lịch của mỗi địa phương, tạo sự gắn kết, hỗ trợ nhau và cung cấp sản phẩm chuỗi giá trị du lịch nông thôn phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu của du khách. Vì vậy, cần có quy hoạch phát triển từng vùng, tránh kiểu đua nhau làm homestay, farmstay cung vượt quá cầu.

Minh Quân-Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khi-nong-dan-lam-du-lich-5696777.html