Khi những Tổng thống Mỹ rơi vào bê bối

Bên cạnh cuộc chiến luận tội đang 'nóng' lên từng ngày của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, nước Mỹ cũng chứng kiến không ít các vụ bê bối của những Tổng thống tiền nhiệm.

Ba Tổng thống từng bị luận tội của nước Mỹ

Ba Tổng thống từng bị luận tội của nước Mỹ

Nền tư pháp Mỹ đặc biệt không chỉ bởi bản Hiến pháp nổi tiếng 1776 mà còn những điều khoản "lạ lùng" có thể hạch tội bất cứ ai, Tổng thống cũng không ngoại lệ.

Tại Mỹ, tiến trình luận tội Tổng thống được nêu trong Điều 2, mục 4 của Hiến pháp Mỹ. Theo đó, Tổng thống và các quan chức chính phủ khác có thể bị phế truất khi bị luận tội về hành vi phản quốc, hối lộ và "các tội danh khác".

Bước đầu tiên để luận tội sẽ được thực hiện bởi Hạ viện. Đây là nơi tranh luận và bỏ phiếu về việc có nên tống đạt cáo trạng đối với tổng thống không. Nếu đa số thành viên Hạ viện Mỹ tán thành và chấp thuận đưa ra những cáo buộc nhằm vào tổng thống, quá trình luận tội sẽ tiếp tục ở Thượng viện, nơi tổ chức một phiên tòa để xác định tội lỗi của tổng thống.

Trong phiên tòa, chánh án Tòa án Tối cao Mỹ làm chủ tọa. Nếu muốn kết tội và phế truất tổng thống, quyết định phải nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ tại Thượng viện gồm 100 nghị sĩ. Tuy nhiên, trong lịch sử nước Mỹ, điều này chưa bao giờ được diễn ra.

Trước Tổng thống Trump, chỉ 3 người tiền nhiệm của ông phải trải qua tiến trình luận tội là Andrew Johnson, Bill Clinton và Richard Nixon.

Việc luận tội Tổng thống Johnson năm 1868 là đỉnh điểm của một cuộc xung đột ác liệt giữa vị Tổng thống đến từ đảng Dân chủ và Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát liên quan tới công cuộc tái thiết nước Mỹ sau nội chiến.

Việc ông Johnson nỗ lực sa thải Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton, người có lập trường cứng rắn hơn ông Johnson đối với phe bại trận miền Nam đã dẫn tới bản luận tội có 9 trong số 11 điều khoản. Trong đó, nội dung đều liên quan đến những lùm xùm của ông đối với người đứng đầu Bộ Chiến tranh Mỹ thời điểm đó.

Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu luận tội Tổng thống Johnson vào ngày 3/3/1868. Chỉ 3 ngày sau, Thượng viện đã triệu tập một phiên tòa luận tội chính thức, với chủ tọa là Chánh án Tối cao Pháp viện Salmon Chase. Sau đó 2 tháng, Thượng viện Mỹ cuối cùng không thể kết án bất kỳ tội danh nào đối với Tổng thống Johnson vì không đạt đủ 2/3 số phiếu cần thiết. Sau 10 ngày tạm nghỉ, thêm 2 vòng bỏ phiếu cũng gặp thất bại và phiên tòa khép lại.

Đây cũng là thời kỳ nước Mỹ rơi vào cuộc đối đầu sâu sắc giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Bản thân Tổng thống Johnson cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội cũng như vào những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống, ông không kiểm soát được cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa hai đảng.

Vị Tổng thống tiếp theo dính dáng đến bê bối luận tội là Cựu Tổng thống Richard Nixon. Hạ viện Mỹ đã khởi xướng quá trình luận tội đối với Tổng thống Nixon vào tháng 2/1974 khi các cáo buộc chủ yếu liên quan đến vụ bê bối Watergate, vụ đột nhập vào trụ sở Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ để ăn cắp tài liệu của đảng này vào năm 1972.

Dù bê bối này đủ để đẩy Cựu Tổng thống Nixon vào nguy cơ phế truất, tuy nhiên, vào ngày 8/8/1974, ông Nixon tuyên bố từ chức, đồng thời là Tổng thống Mỹ duy nhất trong lịch sử phải rời nhiệm sở khi đang đương nhiệm.

Còn đối với trường hợp của Cựu Tổng thống Bill Clinton, bắt nguồn từ các giao dịch bất động sản, nhưng ông lại được "nhớ" đến bởi vụ bê bối ngoại tình với thực tập sinh tại Nhà Trắng Monica Lewinsky.

Ngay sau đó, ông Clinton đã bị luận tội vào tháng 12/1998 với lý do khai man trước bồi thẩm đoàn và cản trở công lý. Một phiên tòa xét xử của Thượng viện đối với ông cũng kéo dài trong 4 tuần nhưng cũng nhanh chóng kết thúc bởi không đủ số phiếu để kết tội.

và Tổng thống Trump đã trở thành vị Tổng thống thứ tư bị luận tội

Bên cạnh những vụ bê bối khiến các Tổng thống Mỹ nói trên phải chịu hình thức luận tội, có nhiều đời Tổng thống khác của nước Mỹ cũng dính phải những bê bối đới tư và chính trị nghiêm trọng khác như scandal có con riêng của Tổng thống Grover Cleveland vào năm 1884 khi đang tranh cử; bê bối quân sự làm mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba bị tổn hại nặng nề dưới thời Tổng thống J.F.Kennedy...

Nhưng sau đó, các scandal này đều được giải quyết trước khi chuyển thành một cuộc đấu tranh đảng phái tại nước Mỹ.

Theo giới quan sát nhận định, tiến trình luận tội thực chất lại mang bản chất chính trị, không phải tội phạm. Sự ủng hộ và phản đối phụ thuộc vào đảng phái chính trị. Do vậy, việc luận tội không phải là hình phạt, phần lớn các cuộc luận tội sẽ kết thúc tại Thượng viện, nơi đảng do Tổng thống đương nhiệm chiếm đa số ghế.

Chính vì vậy, nhiều khả năng việc luận tội chỉ nhằm hạ bệ uy tín Tổng thống đương nhiệm và dành ưu thế cho cuộc bầu cử tiếp theo. Điều này đã được thể hiện rõ trong ba cuộc luận tội trước đó khi đảng của ông Johnson, Nixon và Clinton đều đánh mất lợi thế trước đối thủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Hiện tại, cuộc luận tội Tổng thống Trump được tiến hành gần sát thời điểm cuộc bỏ phiếu diễn ra. Nếu cuộc bỏ phiếu diễn biến theo chiều hướng có lợi cho các thành viên đảng Dân chủ, có khả năng Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với một phiên tòa mới nếu ông không dành chiến thắng. Còn ngược lại? Điều này sẽ tùy thuộc vào bằng chứng của đảng Dân chủ có đủ khả năng bãi nhiệm ông hay không.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/khi-nhung-tong-thong-my-roi-vao-be-boi-165607.html