Khi những 'người sắt' tiến ra sân chơi SEA Games

Sự phát triển mạnh mẽ của các giải 3 môn phối hợp tại Việt Nam trong những năm gần đây đã khiến ngành Thể thao quyết định cử đội tuyển 3 môn phối hợp tham dự SEA Games 30.

Đó cũng là lần đầu tiên những vận động viên (VĐV) 3 môn phối hợp Việt Nam góp mặt ở SEA Games. Không đặt mục tiêu giành HCV nhưng họ cũng muốn đặt dấu ấn nhất định ở sân chơi này.

Thời điểm chín muồi

Thực tế, 3 môn phối hợp đã có tên trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD và SEA Games từ rất lâu. Nhưng ở Việt Nam, phong trào tập luyện môn này còn hạn chế. Vì vậy, chưa có VĐV Việt Nam góp mặt ở ngay sân chơi có cấp độ thấp nhất trong làng thể thao thế giới là SEA Games.

Nếu cách đây vài năm, có muốn thì Tổng cục TDTT cũng không thể cử VĐV tham dự 3 môn phối hợp tại SEA Games. Khi ấy, phong trào tập chạy mới được nhen lên ở các thành phố lớn. Đến khi phong trào chạy đã thực sự phát triển đồng thời với việc các giải 3 môn phối hợp được tổ chức nhiều hơn thì mới có nhiều người Việt Nam tìm đến môn này.

Đáng chú ý, số người tham dự các giải 3 môn phối hợp tại Việt Nam phát triển chóng mặt do điều kiện kinh tế của nhiều gia đình đã tăng lên đi kèm nhu cầu khám phá, chinh phục bản thân.

Ví dụ rõ nhất là ở giải Ironman 70.3 Đà Nẵng. Nếu ở giải đấu đầu tiên vào năm 2015 chỉ có hơn 100 người tham dự giải thì đến năm 2019, đã có 2.200 người tham dự trong đó đa số là người Việt Nam. Đương nhiên, để có thể thi đấu được ở 3 môn phối hợp, tất cả VĐV đều phải có sức khỏe, sự dẻo dai hơn người. Thế nên, những người chơi môn này đều được xem là “người sắt.

Chính sự phát triển thần tốc về số người chơi 3 môn phối hợp tại Việt Nam đã khiến Tổng cục TDTT chú ý. Bên cạnh đó, những người tổ chức các giải 3 môn phối hợp cũng nhen nhóm ý định xin phép ngành thể thao thành lập đội tuyển tham dự SEA Games 30 bằng nguồn kinh phí xã hội hóa 100%.

Chính vì thế, Tổng cục TDTT đã khảo sát với kết quả là hoàn toàn có thể thành lập đội tuyển tham dự SEA Games 30 khi nhiều VĐV đáp ứng về yêu cầu tối thiểu về chỉ số thành tích tại các nội dung thi. Từ giữa năm nay, danh sách đội dự tuyển 3 môn phối hợp đã được thành lập.

Trong quá trình theo dõi các VĐV tập luyện, Ban huấn luyện đã chọn được các VĐV thi đấu nội dung 3 môn phối hợp (1,5km bơi, 40km đạp xe và 10km chạy), nội dung 2 môn phối hợp (10km chạy, 40km đạp xe và 5km chạy).

Hiện tại danh sách đội tuyển tham dự SEA Games 30 đã được công bố với 8 VĐV trong đó có những cái tên quen thuộc ở đường bơi tại các kỳ SEA Games như Lâm Quang Nhật, Nguyễn Thị Kim Tuyến.

Trong số này, Lâm Quang Nhật từng giành ngôi vô địch SEA Games. Ngoài ra, còn có những cái tên nổi tiếng trong làng chạy và giờ đây là 3 môn phối hộ phong trào như Cao Ngọc Hà (từng là VĐV siêu marathon hàng đầu Việt Nam, từng về thứ 2 cự ly 100km tại Giải chạy bộ leo núi Sa Pa 2017; giải Nhất cuộc thi Ironman Đà Nẵng 2018, là VĐV Việt Nam xuất sắc nhất tại cuộc thi Ironman Đà Nẵng 2019) hay Nguyễn Tiến Hùng…

Nhiều người trong số này còn là quản lý các doanh nghiệp. Dù bận rộn kinh doanh nhưng họ vẫn tham gia đầy đủ các giải 3 môn phối hợp trong nước cũng như tập luyện theo đúng giáo án để có thể đáp ứng yêu cầu thi đấu ở SEA Games 30.

VĐV Nguyễn Thị Phương Trinh đang được kỳ vọng giành huy chương tại SEA Games 30.

VĐV Nguyễn Thị Phương Trinh đang được kỳ vọng giành huy chương tại SEA Games 30.

Cơ hội đạt những bước tiến trong tương lai

Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Malaysia, Singapore đang sở hữu những VĐV 3 môn phối hợp hàng đầu khu vực. Riêng Philippines và Singapores đã phát triển môn này từ hơn 20 năm nay. Còn Việt Nam dù mới phát triển song cũng được đánh giá là có tiềm năng phát triển nhờ sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển 3 môn phối hợp.

Đồng thời, sự phát triển của 3 môn phối hợp cũng được xem là một trong những giải pháp thu hút du khách đến các thành phố biển nên sẽ có nhiều giải đấu được tổ chức hơn, tạo điều kiện cho môn này phát triển. Điều này cũng lý giải vì sao các công ty tổ chức sự kiện thể thao đang ngày càng quan tâm đến tổ chức các giải 3 môn phối hợp tại Việt Nam.

Trong khi đó, việc đội tuyển 3 môn phối hợp Việt Nam lần đầu được cử tham dự SEA Games cũng nhận được đánh giá tích cực. “ Đây có thể sẽ là cú hích để phong trào tập 3 môn phối hợp ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn” – ông Dương Đức Thủy, phụ trách môn điền kinh (Tổng cục TDTT) nhận xét.

Thế nên, chưa cần đặt ra vấn đề giành huy chương cũng đủ thấy lần tham dự SEA Games này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với phong trào 3 môn phối hợp tại Việt Nam. Tất nhiên, các VĐV không chỉ tham dự cho vui. Có thể không giành ngôi vô địch nhưng họ cũng mong muốn giành được ít nhất 1 HCĐ. Trong số này, kỳ vọng huy chương đang được đặt vào Nguyễn Thị Phương Trinh, cựu VĐV xe đạp TP Hồ Chí Minh và đang tập luyện, thi đấu bơi thành tích cao ở Hậu Giang.

Trong cuộc trao đổi gần đây, lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng cho rằng, dù thành tích của các VĐV 3 môn phối hợp Việt Nam tại SEA Games 30 như thế nào thì cũng là tiền đề tốt để xây dựng lực lượng và kế hoạch cho môn này tại SEA Games 31 năm 2021 ở Việt Nam. Vì thế, cuộc tham dự của môn thi này ở SEA Games 30 càng có ý nghĩa quan trọng. Nó không chỉ thúc đẩy sự phát triển của một môn thể thao mà có thể còn tác động đến nhiều ngành khác trong đó có Du lịch – đang được xây dựng là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Xúc tiến thành lập Hiệp hội 3 môn phối hợp Việt Nam

Hiện tại, những người có trách nhiệm đang thúc đẩy xúc tiến thành lập Hiệp hội 3 môn phối hợp Việt Nam. Dự kiến Đại hội thành lập Hiệp hội 3 môn phối hợp Việt Nam sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Ngoài ra, bộ khung lãnh đạo của Hiệp hội cũng sẽ có nhiều doanh nhân, những người đam mê 3 môn phối hợp và luôn ủng hộ các giải đấu 3 môn phối hợp tại Việt Nam.

Minh Hà

Minh Khuê

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/guong-mat-the-thao/khi-nhung-nguoi-sat-tien-ra-san-choi-sea-games-569352/