Khi những đứa trẻ cô đơn, lạc lối...

Không nên chỉ nhìn nhận thực trạng các em gái lao vào cấu xé trong tiếng hò reo, cổ vũ là một dạng bạo lực học đường.

Đối diện với nạn bạo lực giữa các bé gái tuổi đến trường, cái lắc đầu của dư luận vẫn rất dễ bị quy kết như một biểu hiện phân biệt giới. Hơn một thế kỷ nay, phong trào đòi quyền bình đẳng cho nữ giới ngoài đạt được những thành tựu mang tính định lượng nó cũng đã tạo nên một nhận thức chắc như đinh đóng cột rằng, phái mạnh làm điều gì thì phái yếu cũng có quyền làm được điều đó. Sự tự do khám phá tiềm năng của bản thân, đôi khi dẫn tới những hành vi sai lạc. Không ai có quyền đổ lỗi, thế nhưng, thực trạng bạo lực trong nữ giới, đặc biệt là ở các em gái nhỏ tuổi, có thể là một gợi ý cho cách tiếp cận vấn đề giới một cách căn cơ và giảm thiểu những hiểu lầm tai hại.

Trong guồng máy không ngơi nghỉ của xã hội hiện đại, nhiều đứa trẻ trở nên cô độc. Ảnh Shutter

Trong guồng máy không ngơi nghỉ của xã hội hiện đại, nhiều đứa trẻ trở nên cô độc. Ảnh Shutter

Khía cạnh cảm xúc của vấn nạn này dễ nhận được sự đồng thuận hơn. Khi chứng kiến những trận hỗn chiến giữa các thiếu nữ mới lớn ngày càng được ghi nhận nhiều, ai ai đều cảm thấy phi lý, đau xót...

Câu hỏi đương nhiên nảy sinh là tại sao điều này lại xảy ra, nhất là lại ở một đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời? Đây là sự bột phát của một thế hệ hay chúng ta phải chấp nhận điều đáng buồn này sẽ trở nên bình thường? Phải chăng ngưỡng chịu đựng cuối cùng của lối sống, cách ứng xử tối thiểu giữa con người với con người đã bị bỏ qua?

Với câu hỏi đầu tiên, đáp án đem tới sự hài lòng cho nhiều người Việt, theo cách, 'tôi cũng thế và các bạn cũng vậy thôi". Cách đây chừng 3-4 năm, đã có một nghiên cứu tương đối dày dặn về nạn bạo lực ở nữ giới tuổi vị thành niên tại Mỹ. Trong giai đoạn 1980-2005, số vụ bạo lực trong nhóm đối tượng này tăng nhanh, xét về tỷ lệ, vượt xa tình trạng này ở phái mạnh.

Tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước châu Âu, truyền thông vẫn buộc phải ghi nhận những vụ bạo lực đến mức dã man giữa các bé gái mà kịch bản cũng na ná như điều đang xảy ra tại Việt Nam: ghi hình đăng lên mạng, bạn bè hò reo cổ vũ, mâu thuẫn do 'nhìn không ưa', 'tranh bạn trai', 'mách lẻo' hoặc đơn giản là 'dạy cho một bài học'... Có vẻ như, chúng ta đang phải đối diện với vấn đề mà rất nhiều quốc gia đã và đang trải qua.

Nghiên cứu của người Mỹ cũng đã cố gắng lý giải những tình huống phát sinh bạo lực trong học sinh nữ. Các em đánh nhau với bạn bè để bảo vệ danh dự và tự vệ trước sự xúc phạm; phản ứng với các hành xử của giáo viên, để tự bảo vệ hoặc cố thoát khỏi cảm giác vô vọng... Tiếc là, những gợi ý nói trên đúng ở bất cứ quốc gia nào, trái ngược với thực tế là tình trạng bạo lực trong nữ giới nói chung và giữa các em nữ tuổi học sinh nói riêng được ghi nhận nhiều hơn ở các quốc gia đã và đang phát triển.

Rõ ràng, tính lặp lại và một mối liên quan nào đó giữa hiện tượng đáng buồn nêu trên và trình độ tạm gọi là phát triển của kinh tế, khoa học công nghệ là một điều cần lưu tâm. Xem ra, điều này hữu lý bởi dù muốn hay không, chúng ta buộc phải thừa nhận, trong xã hội tôn thờ tiện ích, đề cao tính thực dụng, có rất ít thời gian và không gian cho những trăn trở về lối sống, văn hóa ứng xử và đạo đức.

Trong bối cảnh ấy, nạn nhân đầu tiên, có lẽ, lại là lũ trẻ, ở đây là các bé gái. Điều xấu ác được thực hiện một cách ngang nhiên, được coi như chiến tích. Những đứa trẻ xung quanh thay vì can ngăn lại hò reo, cổ vũ, cứ như thể cái đúng chỉ thuộc về kẻ mạnh.

Chúng ta buộc phải thừa nhận, ở nhiều nơi, những suy nghĩ coi lợi ích của cá nhân hoặc của nhóm người mà cá nhân đại diện là trên hết, tiêu chuẩn kép nơi mà người có quyền, có sức ảnh hưởng áp đặt luật chơi... đang ưu thắng. Với cùng một hiện tượng, khi đối tượng ở những nhóm người hoặc quốc gia khác nhau, mức độ ưu tiên dành cho họ cũng khác nhau. Quy tắc này có thể bị áp dụng ngay cả trong những trường hợp sinh tử. Sự thương cảm, lòng nhân đạo... đang đi về một nơi nào đó rất xa.

Đã vậy, có ai nghe thấy đằng sau tiếng chửi rủa của kẻ mạnh, đằng sau tiếng khóc đắng cay, bất mãn của kẻ bị bắt nạt là một điều gì khác? Có khi nào chính kẻ bắt nạt đã là nạn nhân của các vụ bạo hành khác? Có ai chắc rằng, kẻ bị bắt nạt khi đủ sức mạnh sẽ không trở thành những kẻ bắt nạt nhẫn tâm hơn, để trả đũa cho điều mình trải qua? Có phải đó là tiếng kêu cứu khi những người trẻ bắt đầu nhìn nhận về chính chúng, về con đường mà chúng sẽ phải đi qua, về sự bất trắc khó lường của những ngày sắp tới?

Mà ai sẽ dừng lại để kể cho chúng nghe một câu chuyện khác? Ai sẽ bảo chúng rằng, thực tại khốc liệt và bất toàn mà chúng đã và có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt không những không đáng tự hào mà những hành vi cào cấu cắn xé nhau để đạt được mục tiêu nào đó càng không thể coi là chuẩn mực? Nếu có người làm vậy, họ sẽ gọi đó là những gã khờ.

Trong khi chờ đợi sự vị kỷ đến tàn nhẫn đánh rơi chiếc mặt nạ hoặc một cơ may nào đó khiến lũ trẻ tự nhận thức ra vấn đề, vẫn phải có ai đó đồng hành, giảm thiểu những sai lầm, vấp ngã cho chúng.

Người viết nghe kể về một bộ phim ngắn của Pháp như thế này. Một đứa trẻ vị thành niên bắt chết cha mẹ của nó. Luật sư thuyết phục giáo viên nhận một phần lỗi, để đứa trẻ nhận bản án đỡ khắc nghiệt hơn. Giáo viên này đồng ý.

Một người thân khác của đứa trẻ đề nghị, giáo viên này đón đứa trẻ về vào mỗi cuối tuần và chăm sóc nó. Giáo viên này cũng đồng ý.

Vậy nhưng, sau vài lần đón đứa trẻ về nhà, giáo viên này quyết định thuê một căn nhà khác, để đứa trẻ hàng tuần được tạm xa trại giáo dưỡng, trở về nơi có thể tạm gọi là nhà. Bà giáo già ấy đã thực hiện trọn vẹn trách nhiệm của một nhà giáo. Nhưng rất rõ ràng, kể cả với nỗ lực tới giới hạn như vậy, đứa trẻ đó sẽ sống tiếp thế nào?

Nói vậy để thấy, đối với những đứa trẻ, bàn tay nâng đỡ, động viên, níu giữ chúng tránh xa hoặc là nạn nhân của điều xấu ác phải là bàn tay của những bậc làm cha, làm mẹ. Nếu chỉ coi việc làm cha làm mẹ là trách nhiệm sinh ra, nuôi đủ no, cho mặc đủ ấm, cho được đến trường... và chất trên đôi vai đứa trẻ những kỳ vọng và trách nhiệm vị kỷ, họ sẽ không bao giờ biết con họ đang phải đối diện với điều gì? Thậm chí, đến khi phải đối diện với sự nổi loạn của đám trẻ, những lời giáo huấn, hòa giải, sự trừng phạt, răn đe của người lớn có lẽ chỉ lọt tai của chính họ.

Chẳng biết có khi nào những người lớn ấy biết nhăn trán suy nghĩ, liệu họ có biết cách yêu con mình?

Khánh Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/van-hoa/nguoi-viet/khi-nhung-dua-tre-co-don-lac-loi-3433633/