Khi những đồng tiền mật mã bị 'đông lạnh'

Trong nguồn cung khiêm tốn của Bitcoin hiện nay, không ít đồng Bitcoin dường như đứng yên như đã chết khi người chủ sở hữu qua đời hoặc hài hước là quên mất mật khẩu và không có cách nào để lấy lại được.

Ám ảnh bị đánh cắp

Vụ việc sàn giao dịch tiền mật mã QuadrigaCX ở Canada là một trong những trường hợp đầy hy hữu, khi nhà sáng lập của công ty này, ông Gerald Cotten, bỗng nhiên qua đời đột ngột vào tháng 12/2018. Theo lời khai của góa phụ Jennifer Robertson, Cotten là người duy nhất có quyền truy cập 190 triệu USD tiền mật mã mà toàn bộ khách hàng gửi gắm và số tiền này đang nằm trong ... ví lạnh.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, theo các tài liệu nộp lên tòa án gần đây, sàn giao dịch tiền mật mã QuadrigaCX vào tuần trước đã vô tình gửi lượng Bitcoin trị giá 370.000 USD cho Gerald Cotton, dù ông này đã qua đời cách đây 2 tháng. Các tài liệu nói rằng Bitcoin đã được gửi đến ví lạnh của Cotten, điều này khiến lượng Bitcoin trên khó có khả năng lấy lại được, vì ông là người duy nhất có mật khẩu cho ví kỹ thuật số đó.

Báo cáo được đệ trình bởi Ernst and Young (EY), công ty được chỉ định theo dõi vụ QuadrigaCX, tiết lộ vụ chuyển nhượng xảy ra vào ngày 6/2, một ngày sau khi tòa án cho Quadriga tham gia tố tụng để ngăn chặn bất kỳ vụ kiện nào chống lại công ty. Cụ thể, Quadriga đã vô tình chuyển 103 Bitcoin, trị giá 468.675 đô la Canada, tương đương khoảng 370.000 đô la Mỹ. Hiện EY đang làm việc với Ban quản lý để lấy lại lượng tiền mật mã này từ các ví lạnh khác nhau nếu có thể, theo các tài liệu tòa án đệ trình lên Tòa án tối cao Nova Scotia vào ngày 12/2.

Tiền mật mã thường rất dễ bị hack, và phương pháp mà nhiều người lựa chọn để ngăn chặn bị hack là lưu trữ phần lớn kho tiền này vào ví lạnh - nơi chủ sở hữu tiền mật mã lưu trữ ngoại tệ kỹ thuật số của họ ngoại tuyến, thay vì để trong ví nóng.

Một bản khai từ Jennifer Robertson, vợ của Gerald Cotten, tiết lộ Cotten là người duy nhất có quyền truy cập vào mật khẩu liên quan đến tài sản của công ty. Theo các tài liệu của tòa án, không biết ai đã thực hiện việc chuyển số Bitcoin trên.

103 Bitcoin, trị giá khoảng 370.000 USD theo giá trị thị trường, chiếm hơn hai phần ba tổng số Bitcoin đang có trong ví nóng của sàn giao dịch và tương đương hơn một nửa số tiền được coi là có thể lấy được. Các loại tiền mật mã khác đang có trong ví nóng của sàn QuadrigaCX bao gồm Bitcoin Cash, Ether, Litecoin, Bitcoin Cash SV và Bitcoin Gold.

Cụ thể, số lượng tiền mật mã mà Cotten "mang xuống mồ" rất nhiều, gồm 26.488 Bitcoin , 11.378 Bitcoin Cash , 11.149 Bitcoin Cash SV , 35.230 Bitcoin Gold, 199.888 Litecoin và 429.966 Ethereum.

 Ví lạnh (cold wallet) là lựa chọn lưu trữ ngoại tuyến mà nhiều người lựa chọn để đề phòng bị đánh cắp

Ví lạnh (cold wallet) là lựa chọn lưu trữ ngoại tuyến mà nhiều người lựa chọn để đề phòng bị đánh cắp

Những đồng tiền chết

Trong một cuộc phỏng vấn với The Globe and Mail, Nick Chong, người đứng đầu sàn giao dịch North America, cho biết việc chuyển tiền này tương đương với việc “ném tiền vào một lỗ đen”. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng khách hàng của QuadrigaCX sẽ mong đợi rằng sau khi công ty nộp đơn xin bảo vệ chủ nợ, phần tiền còn lại sẽ được bảo vệ với sự giúp đỡ của tòa án và các giám sát viên được chỉ định”.

Câu chuyện về QuadrigaCX đã thu hút sự chú ý của ngành công nghiệp tiền mật mã, với một số giả thuyết đặt ra về những gì đã xảy ra kể từ khi chủ sở hữu này qua đời vào tháng 12. Vào ngày 7 tháng 2, Tạp chí Phố Wall đã báo cáo rằng hai công ty nghiên cứu độc lập cho biết tiền mật mã trên thực tế có thể không bị mắc kẹt, thay vào đó nó được chuyển sang các sàn giao dịch khác. Các công ty nghiên cứu đã đi đến kết luận này sau khi theo dõi dữ liệu giao dịch liên quan đến các tài khoản trao đổi.

Nhưng hiện tại, khách hàng của sàn giao dịch vẫn đang lo lắng rất nhiều, khi tổng thiệt hại lên tới 190 triệu USD. Thủ tục tố tụng tại tòa tiếp tục diễn ra vào thứ 5 vừa qua, nơi các chủ nợ sẽ được chỉ định luật sư đại diện cho họ trong vụ kiện.

Tuy nhiên, câu chuyện của sàn QuadrigaCX cho thấy thế giới tiền mật mã luôn đầy rẫy những rủi ro, không chỉ đến từ việc bị hacker đánh cắp, sàn giao dịch bị xâm nhập, các dự án mang tính lừa đảo mà còn đến từ chính bản thân mỗi người khi một ngày đẹp trời nào đó bỗng nhiên quên mất mật khẩu và không có cách nào lấy lại được.

Chính vì vậy, dù chưa có con số thống kê, nhưng khả năng một tỷ lệ các đồng tiền mật mã nói chung và Bitcoin nói riêng đang ở tình trạng dường như đã chết, khi người chủ sở hữu qua đời mà không để lại thông tin gì, hoặc quên mất tài khoản truy cập, mà vụ việc của sàn giao dịch QuadrigaCX là mới nhất được phát hiện và chắc chắn chưa phải cuối cùng.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/khi-nhung-dong-tien-mat-ma-bi-dong-lanh-157953.html