Khi nhập siêu 'đảo chiều'

Còn nhớ, cách đây chưa đầy 5 năm, một trong những vấn đề được đề cập và bàn thảo nhiều nhất tại các kỳ họp Quốc hội hoặc các phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ là làm sao để giảm nhập siêu cho nền kinh tế. Song kể từ năm 2015 đến nay, cán cân xuất nhập khẩu đã bắt đầu 'đảo chiều' khi xuất khẩu dần dần cao hơn nhập khẩu, biến Việt Nam từ một quốc gia nhập siêu triền miên hàng chục năm ròng chuyển dần sang một quốc gia xuất siêu. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, với mức xuất siêu cao kỷ lục - 9,12 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2019, các chuyên gia thương mại dự kiến năm 2019 sẽ là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.

Hàng hóa nhập khẩu tại cảng ở huyện Nhơn Trạch (ảnh minh họa)

Hàng hóa nhập khẩu tại cảng ở huyện Nhơn Trạch (ảnh minh họa)

Nhập siêu - hiểu đơn giản là khi kim ngạch nhập khẩu cao hơn xuất khẩu trong một thời gian nhất định. Nhập siêu là hiện tượng phổ biến ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển theo hướng mở.

Xét trên nhiều phương diện, nhập khẩu ở một chừng mực nào đó sẽ có lợi cho nền kinh tế, đặc biệt đối với các nước trong giai đoạn đang phát triển. Đơn cử như tại Việt Nam, do nền công nghiệp hỗ trợ nhiều năm qua chưa phát triển tương xứng với sản xuất, dẫn đến nhiều ngành xuất khẩu chưa thể chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước thì việc nhập khẩu nguyên liệu giúp giải quyết bài toán nguyên liệu trước mắt và thực hiện tốt chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng về xuất khẩu. Chưa kể, ở khía cạnh tiêu dùng thì hàng nhập khẩu trong một chừng mực nào đó cũng góp phần tạo môi trường cạnh tranh và kích thích sản xuất trong nước hoàn thiện và phát triển hơn.

Tuy nhiên, nhập siêu quá cao sẽ tác động xấu đến nền kinh tế vì có thể gây ra những hệ lụy không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội như: thúc đẩy tư duy sính ngoại trong tiêu dùng, góp phần gây nên nạn thất nghiệp...

Đồng Nai là một trong những địa phương phát triển sớm nhất về sản xuất công nghiệp và trước đây cũng là một trong những địa bàn “trọng điểm” về nhập siêu. Tỉnh cũng nhiều năm đầu tư các giải pháp giảm nhập siêu và từ năm 2012, Đồng Nai trở thành một trong số rất ít các tỉnh, thành “đảo chiều” từ nhập siêu sang xuất siêu sớm nhất. Dự kiến, năm 2019 sẽ là năm thứ 7 liên tiếp Đồng Nai xuất siêu và kim ngạch xuất siêu có thể vượt mức 3 tỷ USD, chiếm khoảng gần 30% kim ngạch xuất siêu cả nước.

Một trong những nguyên nhân chính khiến Đồng Nai duy trì được tỷ lệ xuất siêu ấn tượng là do công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh đã phát triển khá mạnh mẽ trong nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tốt hơn nguyên vật liệu đầu vào từ các nguồn trong nước, giảm nhập khẩu. Mặt khác, tăng dần tỷ lệ giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với tỷ lệ tán thành 88,2%, trong đó mục tiêu không đổi là nhập siêu dưới 3%. Vẫn duy trì tỷ lệ nhập siêu trong bối cảnh cả nước đã chuyển sang xuất siêu là do những dự báo về tình hình kinh tế thế giới sắp tới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khiến nhập khẩu có thể tăng nhanh hơn xuất khẩu và cả nước có thể quay lại nhập siêu, song tỷ lệ này cần được kiềm chế dưới mức 3%. Tuy nhiên, với tỷ lệ này, Đồng Nai có lẽ “thừa sức” kiểm soát, thậm chí có thể tiếp tục xuất siêu mạnh hơn trong thời gian tới.

Vi Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/sotayphongvien/201912/khi-nhap-sieu-dao-chieu-2977881/