Khi nhà văn đến với cách mạng

Ngay từ khi Đảng ta còn hoạt động bí mật, những nhà văn sau này trở thành những tên tuổi lớn trong nền văn học cách mạng từ thực tiễn sống và viết của mình đã sớm nhận ra con đường đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc chỉ có thể là con đường cứu nước do Đảng lãnh đạo. Và họ chọn cách mạng làm mục tiêu sống, cũng như cho nghiệp bút của mình, dẫu phong cách nghệ thuật mỗi người là khác nhau.

Cách mạng với sức hút diệu kỳ đã thu phục được một đội ngũ đông đảo những trí thức văn nghệ sĩ tài năng hết lòng vì đất nước.

Hòa vào hoạt động của các tổ chức khác trong Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Văn hóa Cứu quốc được thành lập vào tháng 4-1943 tại Hà Nội. Đây là một tổ chức gồm các văn nghệ sĩ yêu nước tự nguyện chiến đấu cho độc lập dân tộc, những hội viên nhà văn đầu tiên là Học Phi, Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao. Đa số hội viên sáng lập này đã có tác phẩm có tiếng vang trên văn đàn.

Đó là thời kỳ mà hoạt động tích cực của mỗi thành viên đã góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Như Phong (cùng Học Phi và một vài đồng chí khác) được Đảng giao nhiệm vụ xúc tiến thành lập Hội Văn hóa Cứu quốc, hoạt động và tham gia khởi nghĩa ở Hà Nội. Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi được cử vào đoàn đại biểu của Hội Văn hóa Cứu quốc đi dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, và Nguyễn Đình Thi được cử vào Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam. Nam Cao tham gia khởi nghĩa ở quê nhà, làm Chủ tịch xã. Nguyên Hồng tham gia biên tập tạp chí Tiên Phong và cũng như Tô Hoài, ông tham gia khởi nghĩa ở Hà Nội...

Đó là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời cầm bút của một lớp nhà văn. Nguyễn Đình Thi hoạt động sôi nổi và ca khúc Diệt phát xít ra đời ngay sau khi cách mạng thành công sau này đã trở thành nhạc hiệu của buổi phát thanh thời sự trên Đài Tiếng nói Việt Nam mà mỗi lần nhạc hiệu nổi lên, mỗi người đều cảm thấy náo nức khi được sống lại không khí bi phẫn, hào hùng, được thấy khí thế, sức mạnh tinh thần của một dân tộc khi ý Đảng và lòng dân gặp gỡ. Nguyễn Huy Tưởng ngay sau ngày cách mạng thành công có tùy bút Ngày mùa viết về cuộc hồi sinh của đất nước và lòng người khi ông trở lại thăm quê. Năm 1946, vở kịch Bắc Sơn “mở màn cho sân khấu cách mạng” ra đời đã tái hiện không khí cuộc khởi nghĩa của quần chúng trong quá trình đấu tranh của dân tộc. Hoài Thanh có Dân khí miền Trung mà ông gọi đó là cuộc “tái sinh màu nhiệm”.

Nguyễn Tuân, nhà văn tiêu biểu cho khuynh hướng lãng mạn thời kỳ cuối với cái “tôi” tài hoa độc đáo, đã hào hứng tham gia cách mạng “mê say với ánh sáng trắng vừa được giải phóng, tôi là một dạ lữ khách không mỏi, quên ngủ của một đêm phong hội mới”, có Ngày đầy tuổi tôi cách mạng. Với Nam Cao, người đã từng chứng kiến cảnh chết đói không chỉ ngoài xã hội mà còn cả với cô con gái của mình, nhận ra “Cách mạng đã đổi hẳn óc mình. Kháng chiến chẳng những làm già dặn thêm khối óc đã đổi mới kia mà còn thay đổi ngay chính thân thể mình” (Nhật ký Ở rừng)...

Khi toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Nam Cao cùng với Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân... tham gia phong trào Nam tiến, sau đó trở ra Bắc, tiếp tục hoạt động một thời gian rồi chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Xuân Diệu, “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới’, từng quan niệm “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” đã tham gia khởi nghĩa ở Hà Nội và trong năm đó có luôn tráng ca Ngọn quốc kỳ và sau đó ít lâu là tập bút ký Hội nghị non sông. Sau khi tham gia kháng chiến, ông chủ trương thơ phải “Chân chân chân, Thật thật thật” chỉ với suy nghĩ rằng đấy là con đường ngắn nhất để thơ đến với quần chúng, như mấy chục năm sau ông đã viết “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Những đêm hành quân - 1966).

Có thể nói, cách mạng với sức hút diệu kỳ đã thu phục được một đội ngũ đông đảo những trí thức văn nghệ sĩ tài năng đồng cam cộng khổ, hết lòng vì đất nước.

Nhà văn sống bằng tác phẩm và tác phẩm là nơi thể hiện rõ nhất sức sáng tạo của mỗi người. Nam Cao từng có một tuyên ngôn khá nổi tiếng “Sống đã rồi hãy viết”, rất tiếc là ông đã hy sinh quá sớm khi những dự định chưa kịp hoàn thành. Bản thảo Sống mòn với tên khởi đầu là Chết mòn viết năm 1944 đã được Nam Cao thể hiện một cách chân thật, tài tình cảnh sống hết sức cùng cực của một tầng lớp trí thức tiểu tư sản nghèo trước cách mạng - tấn bi kịch tâm hồn của những con người sống cuộc sống quẩn quanh, bế tắc, tù đọng mà người đọc thấy rõ nhu cầu phải thay máu đối với xã hội đang đặt ra là cấp thiết. Nhu cầu đó cũng được Nguyên Hồng thể hiện đặc sắc trong một số tác phẩm viết trước cách mạng như Cuộc sống, Hơi thở tàn, Miếng bánh, Vực thẳm, Địa ngục và Lò lửa...

Bảy mươi lăm năm đã trôi qua nhưng nhìn lại cảm xúc, đường đi của một lớp văn nghệ sĩ theo cách mạng và kháng chiến, ta càng hiểu sức mạnh của lòng yêu nước trong mỗi con người một khi được khơi lên, thắp sáng. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà độc lập và cuộc chiến đấu chống thù trong giặc ngoài tiếp ngay sau đó... đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ, nhất là từ khi bước sang thế kỷ mới mà Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang, Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn là những thể nghiệm gần đây nhất.

PGS.TS Tôn Phương Lan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/976965/khi-nha-van-den-voi-cach-mang