Khi nhà văn của 'cái chết' Cornell Woolrich viết về tình yêu

'Điểm hẹn đen' được coi như là một bước ngoặt lớn trong phong cách viết của Cornell Woolrich – một trong những nhà văn trinh thám vĩ đại nhất mọi thời đại. Vẫn là bóng tối, tình yêu và cái chết nhưng nó đã được tác giả nâng lên một tầng mới: trong cái chết có sự sống và trong sự sống luôn rình rập cái chết.

Cornell George Hopley-Woolrich sinh năm 1903 tại thành phố New York, là một trong những nhà văn trinh thám đen vĩ đại nhất mọi thời đại. Tình yêu, cái chết và bóng tối là chủ đề xuyên suốt trong những tác phẩm của ông. Với Cornell Woolrich, bóng tối chính là bối cảnh, cái chết là điểm đến và tình yêu là khởi đầu.

Cuốn trinh thám khởi nguồn từ bi kịch mối tình đầu

Điểm hẹn đen là cuốn tiểu thuyết kể về một mối tình bi kịch giữa Johnny Mar với Dorothy. Họ là đôi bạn chơi và nhau từ nhỏ và chuẩn bị kết hôn. Cứ đúng 8 giờ tối, cặp đôi lại hẹn nhau ở trước cửa hiệu thuốc tại quảng trường, dù nắng hay mưa. Thế nhưng vào buổi tối trước lễ cưới ngày 31/5, Dorothy đã không thể đến được điểm hẹn. Một chiếc máy bay tầm thấp bay ngang qua bầu trời quảng trường, một chiếc vỏ chai bia vô tình ném xuống. Người con gái xinh đẹp ấy đã vĩnh viễn không thể bước vào lễ đường với người đàn ông mà cô yêu. Từ đó, khởi nguồn cho một chuỗi các bi kịch không thể nào đoán trước. Cứ mỗi năm, đúng đến ngày 31/5, một người phụ nữ lại phải bỏ mạng khi họ đang trong độ tuổi đẹp nhất. Đó là sự tình cờ của số phận hay có một "con quỷ" nào đó sẵn sàng xuống tay với các cô gái?

Tiểu thuyết "Điểm hẹn đen"

Tiểu thuyết "Điểm hẹn đen"

Nhà văn Cornell Woolrich đã đưa nguyên mẫu mối tình đầu kết thúc trong bi kịch của ông vào trong Điểm hẹn đen. Nguyên mẫu của nhân vật Dorothy là Vera. Woolrich yêu nàng qua sự giới thiệu của một người bạn. Mối tình tưởng chừng như sẽ diễn ra êm đẹp nếu như không xảy ra tình huống đáng buồn. Vì sự hiểm nhầm, ông không còn gặp lại nàng nữa. Suốt một thời gian dài sau đó, ông cứ chờ nàng ở nơi mà hai người lần đầu tiên gặp gỡ.

Và thế trong Điểm hẹn đen, độc giả sẽ được biết rất nhiều mối tình nên thơ, đẹp đẽ và không kém phần cháy bỏng như Johnny Mar với Dorothy, nhưng đáng buồn thay chúng đều kết thúc đúng vào khoảnh khắc hạnh phúc nhất. Những gì còn lại chỉ là mảnh giấy lạnh lùng. Không có máu me, không có căng thẳng đuổi bắt gay cấn, tất cả cứ tuần tự diễn ra như nó phải thế, nó cứ thế diễn ra như dòng đời, như bao chuyện tình đẹp trên thế gian này tan rồi hợp, hợp rồi tan.

5 mảnh đời, 5 cuộc tình, 5 nạn nhân xinh đẹp, dại khờ, hết mình trong tình yêu nhưng rồi phải nhận cái kết cục xót xa dưới tấm lụa đen ngòm của thần chết. Chỉ cần một chiếc máy bay vô tình bay qua đúng điểm hẹn, chai bia vô tình rớt xuống, một cây đinh đóng sai chỗ, cảm giác trống vắng trái tim nhầm chỗ để trên đầu hay mối tình đầu rực cháy của cô bé tuổi mới lớn.... Chỉ là "nhầm lẫn" một chút thì bi kịch bắt đầu xảy ra.

Bước đột phá của Cornell Woolrich

Điểm hẹn đen là cuốn thứ 5 trong series trinh thám đen của Cornell Woolrich được xuất bản tại Việt Nam (NXB Văn học), sau Cô dâu đen, Ám ảnh đen, Kết hôn với người chếtĐêm ngàn mắt. Cuốn sách thực sự là bước đột phá so trong phong cách viết và xây dựng nhân vật của Cornell Woolrich. Cả câu chuyện được phủ một bức màn diễm tình đến mỹ lệ nhưng lại u ám hơn, đau xót hơn so với những tác phẩm trước đó của ông.

Không nhắc nhiều đến yếu tố "đen" nhưng Điểm hẹn đen lại tràn ngập bóng tối. Nếu như trong Đêm ngàn mắt, bầu trời đêm đầy sao tượng trưng cho thế lực siêu nhiên chính là cái tác động vào con người để từ đó khiến cho họ suy sụp về cả thể chất lẫn tinh thần khi biết rằng cái chết đang từ từ đến gần hay như trong Cô dâu đen, yếu tố đen đến từ cách tác giả miêu tả hung thủ: nàng thường mặc váy áo màu đen, đeo mạng che mặt màu đen... Trong Điểm hẹn đen lại khác, màu đen, bóng tối tỏa ra từ nội tâm con người và do đó nó đáng sợ hơn rất nhiều khi nhân vật chính chủ động "hắc hóa" bản thân.

Nhà văn Cornell Woolrich

Hành trình trả thù mới thật tàn nhẫn làm sao! Không nhắm vào những kẻ đã gây ra tội ác, hắn tìm đến những "con mồi" khác yếu đuối, mong manh hơn nhưng lại có lực sát thương lớn hơn. Hắn muốn những kẻ đó phải chịu nỗi đau mà hắn phải chịu, phải trải qua những gì mà hắn đã trải qua. Cách xây dựng tình tiết, cốt truyện của Cornell Woolrich cũng rất sáng tạo, những cái chết bắt đầu bằng sự "vô tình". Bi kịch từ trên trời rơi xuống, nạn nhân còn không hiểu vì sao mình phải chết và cũng không hề hay biết mình đã bị rơi vào "bẫy" như thế nào? Woolrich luôn có biệt tài biến những thứ thật vô hại, thật bình thường, thậm chí cả bầu không khí chúng ta hít thở thành thứ gì đó đáng sợ. Không cần lên gân, không cần quá máu me hay quá gay cấn nhưng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào.

Woolrich vẫn mãi mãi là Woolrich với thứ văn tả cái chết, tả những đau xót của nhân vật bằng giọng văn nhẹ như gió. Nhưng bi kịch không vì thế mà hời hợt, mà nó thấm từ từ vào tâm hồn độc giả. Nếu gạt sang bên những so sánh cầu kỳ thì các câu chuyện đáng sợ Woolrich viết cực kỳ hiện đại theo nghĩa: chúng diễn ra trong một thế giới độc ác nơi những thế lực gớm ghiếc, đáng sợ, phi lý hoàn toàn không thể hiểu nổi gieo rắc tai ương, chết chóc xuống đầu những người vô tội đáng thương, những người đang lởn vởn khắp nơi như bầy gián trong đêm.

Tiểu thuyết "Điểm hẹn đen" mang lại cho độc giả nhiều cảm xúc mạnh

Trong lời cuối cuốn sách Những câu chuyện tuyệt vời về Cornell Woolrich (NXB Trường ĐH Nam Illinois, 1981), Barry Malzberg, đối tác của Woolrich, có trích lời của Woolrich khi ông đang có tâm trạng đen tối nhất: “Sống nghĩa là chết. Cái chết nằm trong sự sống. Đó là khi bạn ôm tình yêu thực sự của mình trong tay để thấy nàng sẽ biến thành bộ xương khô như thế nào; khi bạn biết rằng tình yêu của mình sẽ dẫn đến cái chết, đó là tất cả những gì về cái chết mà tôi biết, là điều tôi không muốn biết và không thể chịu đựng nổi”.

Khi đọc xong Điểm hẹn đen, thật dễ dàng cảm thấy như chúng ta là một trong những nạn nhân mới của Johnny. Chúng ta nửa mong muốn tìm thấy một mảnh giấy do chính Woolrich để lại có ghi: "Giờ mày biết nó thế nào rồi chứ. Cảm giác của mày thế nào?". Woolrich là vậy, trong khi đang hạnh phúc nhất, cũng có thể bất hạnh. Khi bạn nghĩ rằng mình bất hạnh thì ra đó chính là sự giải thoát. Không đoán trước được - đó mới chính là cuộc sống.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/giai-tri/khi-nha-van-cua-cai-chet-cornell-woolrich-viet-ve-tinh-yeu-post57847.html