Khi nhà thơ Tản Đà biên soạn sử dạy trẻ

Tản Đà, người con của núi Tản, sông Đà được chúng ta biết đến là một nhà thơ trên văn đàn đầu thế kỷ XX, một 'cánh chim' báo hiệu cho phong trào Thơ mới, hơn là một nhà biên soạn sử để dạy trẻ. Thế nhưng, bất kỳ ai đọc 'Quốc sử huấn mông', sách do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành gần đây, sẽ thấy một góc khác của nhà thơ này.

“Quốc sử huấn mông” - sách sử dạy trẻ, được Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu soạn, Nghiêm Thượng Văn và Đặng Đức Tô tham đính, đã được Nghiêm Hàm Ấn Quán xuất bản năm 1924. Gần đây, sách được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, đưa tới độc giả hiện nay.

Nhà thơ Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939), sinh ra trong một gia đình khoa bảng, quê ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Những năm đầu thế kỷ XX, ông nổi bật trên văn đàn như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo vừa dồi dào năng lực sáng tác. Với những tác phẩm thơ lãng mạn, đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của phong trào Thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại. Vì thế, độc giả khá tò mò khi cầm trên tay cuốn sách sử do ông soạn.

Ngay ở đầu sách, Tản Đà viết: “Phàm là nước, nước nào cũng có sử; phàm là dân trong một nước, người nào cũng nên có đọc sử của nước. Tôi học ít, tài kém, dám đâu nói đến việc làm sử; chỉ vì một phiến cảm tình với các trẻ con giai gái trong nước, từ lên sáu lên tám đã thông hiểu quốc ngữ thời nên biết quốc sử ra làm sao. Vậy nên phỏng theo các lối sử Đông Tây, đem sự tích trong mấy nghìn năm, chép yếu lược làm một bổn sách”.

“Quốc sử huấn mông” dày 220 trang, ghi 315 sự kiện chính từ thời Hùng Vương dựng nước đến Bình Định Vương Lê Lợi đại thắng quân Minh. Mỗi sự kiện được ông tóm lược ngắn gọn chỉ vài chữ, Tản Đà gọi là cương. Dưới văn cương, tác giả viết rõ hơn về sự kiện, gọi là mục. Dưới mỗi cương mục, ông viết phụ lục, phụ khảo, tiểu ký, sử án, sử biện và sử luận. Có một điều chắc chắn, khi biên soạn cuốn sách này, Tản Đà phải dựa vào các bộ chính sử như “Đại Việt sử ký toàn thư” của Quốc sử quán Triều Lê và “Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán Triều Nguyễn. Mỗi bộ sử này dày hàng nghìn trang, lại viết bằng chữ Hán (khi đó chưa dịch ra quốc ngữ), nên ít người được tiếp cận, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì thế, “Quốc sử huấn mông” với cách trình bày giản dị, ngắn gọn bằng chữ quốc ngữ, đã đến được với đông đảo người dân hơn.

Đặc biệt, trong cuốn sách có in bản dịch “Bình Ngô đại cáo”, một áng thiên cổ hùng văn do Nguyễn Trãi soạn. Để tiện việc nghiên cứu, ông giới thiệu nguyên văn phần chữ Hán, phần phiên âm tiếng Việt và phần dịch nghĩa. Hiện nay có nhiều bản dịch “Bình Ngô đại cáo”, nhưng khi đọc bản dịch của Tản Đà, độc giả thấy gần gũi, dễ hiểu: “Mở nhân nổi nghĩa, cốt lấy yên dân/ Dẹp loạn cứu dân, chẳng qua trừ bạo/ Như nước Đại Việt ta thử nghĩ/ Thật là văn hiến không kém ai”.

Đọc “Quốc sử huấn mông”, chúng ta biết thêm một khả năng nữa của Tản Đà. Ông không chỉ là nhà thơ tài năng mà còn là nhà biên soạn lịch sử nước ta với nhiều nét độc đáo và sáng tạo. Sách bố cục, lớp lang rõ ràng. Ngôn ngữ trong sách được viết cách đây gần một thế kỷ mà độc giả hiện nay vẫn thấy gần gũi, hiểu được tường tận các sự kiện và chi tiết mà soạn giả muốn gửi gắm.

Trần Văn Mỹ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/963439/khi-nha-tho-tan-da-bien-soan-su-day-tre