Khi nhà mất điện

Ba hay bảo, phải chi một tháng mất điện chừng một lần chắc phẻ lắm. Không phải vì ba hưởng ứng phong trào 'Giờ trái đất', cũng không phải để ba tiết kiệm tiền điện. Mà ba chỉ thèm cái cảm giác khi con người ta chưa vùi đầu vào các thiết bị điện tử. Lúc đó con người ta bình yên đến lạ.

Minh họa của: MINH SƠN

Minh họa của: MINH SƠN

Nhà có 5 người mà có tận 3 cái tivi. Mỗi người ở phòng mở một kênh mình thích mà chẳng còn cái cảnh ngồi chờ canh tivi như ngày xưa. Chẳng có một câu chuyện chung nào giữa gia đình, cũng chẳng còn những lúc quây quần bên nhau bàn về một chi tiết nào đó phi lý trên truyền hình. Mỗi người một thế giới, vì đó mà xa nhau.

Cúp điện là lúc cả nhà chui ra khỏi “cái ổ” của mình. Gian nhà sau với cái võng mắc tòn ten, với cái ao cá lơ lửng bèo, với bộ vạc tre ọp ẹp… Tất cả phục vụ cho công cuộc chạy trốn cái nóng của cả nhà. Chiếc quạt mo ngày thường luôn bị bỏ phế giờ thành “cứu tinh” không thể nào thiếu được. Ba nói, gió từ chiếc quạt mo mát hơn nhiều, nó không có sức nóng của động cơ điện, cũng không làm hại mũi như máy lạnh. Cả nhà ngồi lại với nhau, những câu chuyện ngày xưa từ vô thức cứ vọng về như níu lòng nhau. Ba nằm gác kèo ông trên bộ vạc, rồi đổ câu vọng cổ nghe buồn “nhức nách” như ngày nào. Mấy đứa trẻ con trong xóm thì tụ tập ra sân, dựng nhà chòi, quấn khăn chơi trò cô dâu chú rể. Người lớn trong nhà nhìn ra mà sóng mắt cay cay như thêm một lần sống lại thời trẻ dại. Đám trẻ chơi một hồi, cãi cọ đánh nhau. Người lớn nhìn nhau cười, phải được như vầy luôn thì tốt quá he.

Cúp điện nên cái bếp củi được dựng lại từ những cũ càng che khuất. Má ngồi bên bếp lửa với làn khói bay lên vờn trên mái lá. Ba phụ má gom mớ củi sau vườn, tiếng cơm sôi sùng sục nghe mà ấm lòng. Ba nói, ăn cơm củi ngon hơn nhiều lại có thêm tô nước cơm ngọt lừ. Còn có thêm món cơm cháy chan với tóp mỡ ngon đúng điệu. Món ăn mà ngày thường ba chẳng tìm thấy được. Ba hay đùa, ba mà biết ông nào làm ra cái nồi cơm điện ba sẽ chửi cho ổng một chập. Vậy mà hồi má đòi nấu cơm củi ba lại cằn nhằn, nấu chi cho cực. Nhà ai cũng bận bịu thời gian đâu ngồi canh lửa, kiếm củi mà chưa kể khói bếp đóng bồ hóng trên trần nhà, cửa kính. Nên ba đành trông những ngày mất điện hiếm hoi như hành trình tìm về với kí ức.

Sau một hồi má lọ mọ với đóng đồ cũ nát, má cũng moi ra được cái đèn dầu mà chẳng còn cách nào xài được. Tim đèn đã mất, ống khói cũng bể nát, chỉ còn mỗi cái thân đèn với lớp bụi dày đặc. Má cầm cái đèn dầu (mà đúng hơn là nửa cái) trên tay như hoài niệm cả một thời gắn bó với nó, với thứ ánh sáng leo lét mà đầm ấm. Ngày đó cứ mỗi buổi chiều, má lại châm dầu vào đèn, để dành thắp lên cho chị em chúng tôi học bài. Những cái đầu ngồi chụm lại vào nhau cùng mơ về thứ ánh sáng rực rỡ bên sông. Má vặn to đèn. Từng nét chữ ngay hàng thẳng lối, đứa lớn dạy bài cho đứa nhỏ, ngày cũng từ đó mà trôi đi…

Dưới ánh sáng của ngọn đèn cầy, ba ngồi với những tàn dư của kí ức. Trăng ở quê muôn đời vẫn sáng, chỉ có lòng người mỗi lúc một hẹp đi. Ba ngồi chống cằm tiếc nuối, giờ mà có cái chiếu trải ra sân, rồi thím út nó đem qua mớ khoai luộc cho tụi nhỏ, chú út mang qua vài xị đế, anh Mười xách thêm vài con khô cá lóc. Xong, đốt lửa ngồi nhâm nhi với chuyện đồng áng vuông bờ chắc vui lắm. Tôi nhìn ba cười cười, mấy chú không qua thì ba qua nhà rủ có sao đâu. Giọng má buồn buồn, giờ này người ta cửa nẻo đóng kín bưng qua đó họ tưởng ăn trộm, rượt cha con mày chạy mất dép.

Bởi, kí ức đôi khi cũng làm con người ta mệt mỏi. Ngày mai, khi cả xóm có điện, ba sẽ không còn được ăn nồi cơm củi, không còn được thấy mấy đứa trẻ chơi đùa giữa trưa, không còn mấy cái võng mắc tòn ten phía sau nhà. Mọi người sẽ trở về “cái ổ” của mình. Ba má lại ngồi trước hàng ba ngóng đợi từng bước chân quen qua ngõ chỉ để hỏi han nhau vài ba câu chuyện đời. Hồi đó, ba má còn có mấy ông bạn già làm đồng minh với nhau. Rằng có điện thì chỉ làm niềm háo hức của bọn trẻ, còn những người già cần hơi người hơn. Cho nên trưa trưa họ vẫn cùng nhau uống trà, chiều chiều lại làm vài ba ván cờ để đỡ thấy mình đỡ cách xa hơn. Nhưng đi hoài cũng mỏi chân. Khi một bữa ông già đổ bệnh, đứa con chở đi chích thuốc mà miệng cứ cằn nhằn, con nói rồi, trưa nắng ba ở phòng mở máy lạnh cho phẻ, đi ra ngoài đường nắng nôi vậy không bệnh cũng uổng. Đám con cũng cắt đứt mọi liên hệ của mấy ông bà già với nhau bằng việc dúi vào tay họ mấy đứa trẻ khóc nhè. Họ bận ngồi đếm thời gian để giựt chiếc điện thoại, máy tính bảng ra khỏi tay bọn trẻ đúng với thời gian quy định của ba mẹ chúng. Mà cuộc đứt lìa ấy coi bộ lần nào cũng khó. Khi đám trẻ cứ nài nỉ xin thêm vài ba phút nữa. Ông bà thành “vai ác” trong mắt bọn trẻ.

Một bữa buồn buồn, thím Hai lôi thằng cháu nội lên võng hát à ơi. Hát chưa được nửa bài thằng nhỏ lồm cồm ngồi dậy, nhạc này mới hay nè nội. Bữa đó nhạc lớn quá nên thím Hai chắc cũng không kịp nhớ để buồn…

Không biết ba má phải mất bao lâu với việc mình đã lẻ loi. Con ngõ trước nhà chẳng còn những bước chân quen. Chỉ có những ngôi nhà nằm im lìm sau cánh cổng nhốt nỗi buồn bằng những tiếng động cơ.

Truyện ngắn của: NGUYỄN CHÍ NGOAN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/201908/khi-nha-mat-dien-870297/