Khi nhà báo sáng tạo từ

Trong đời sống báo chí và truyền thông, nhu cầu diễn đạt các khái niệm mới, hiện tượng mới vẫn thường xuyên diễn ra. Những nhà báo năng động luôn tìm tòi các từ, cụm từ mới bằng nhiều hình thức sáng tạo. Quan sát các trường hợp hình thành hoặc chuyển nghĩa từ vựng mới cũng có khá nhiều điều lý thú.

Huấn luyện viên Calisto sau trận chung kết AFF Cup 2008. Thời điểm này, Việt Nam giành chức vô địch Đông Nam Á. Ông chính là người được giới báo chí thể thao Việt Nam đặt cái tên thân thuộc: “Thầy Tô”. Nguồn ảnh: Website Liên đoàn Bóng đá VN (vff. org.vn)

Huấn luyện viên Calisto sau trận chung kết AFF Cup 2008. Thời điểm này, Việt Nam giành chức vô địch Đông Nam Á. Ông chính là người được giới báo chí thể thao Việt Nam đặt cái tên thân thuộc: “Thầy Tô”. Nguồn ảnh: Website Liên đoàn Bóng đá VN (vff. org.vn)

* Việt hóa tên Tây

Mười lăm năm trước, trên báo chí Việt Nam xuất hiện những cái tên thuần Việt đặt cho những người… Tây như “thầy Tô”, “trò Tốt”. Không biết phóng viên nào là nguời đầu tiên nghĩ ra danh xưng khác cho ông Henrique Calisto (huấn luyện viên đội Gạch Đồng Tâm Long An và đội tuyển quốc gia Việt Nam) là “thầy Tô”, thủ môn Fabio Santos là “trò Tốt”.

Đã nhiều lần tôi tự thắc mắc: Sao không là “thầy Ca” mà là “thầy Tô” nhỉ? Hóa ra nghe âm thanh và nhìn chữ viết “thầy Tô” nó đã hơn, âm tiết “Tô” cũng xuất hiện ở cuối tên gốc Calisto - rất giống tên tiếng Việt. HLV Henrique Calisto đã sống và làm việc ở Việt Nam nhiều năm, hiểu sâu sắc bóng đá Việt Nam, văn hóa Việt Nam nên gọi ông là thầy Tô nó mới “rặt” Việt. Tần suất xuất hiện những cái tên nguời là Tô, là Tốt nhiều hơn là Ca, là San trong tiếng Việt.

Cái hay của sự sáng tạo này là khi những cách định danh như thế đưa vào sử dụng, cộng đồng đều hiểu ngay, đều chấp nhận ngay. Và bằng chứng về thành công của sự sáng tạo đó là, một thời gian sau, rất nhiều báo, đài đã bắt chước cách gọi thầy Tô và trò Tốt trong một số bài viết, bài bình luận bóng đá Việt cho đến hôm nay. Cách sáng tạo ấy được làng báo và cộng đồng chấp nhận.

* Từ ghép, hoán dụ, chuyển nghĩa

Chuyện sáng tạo từ ngữ như thế thường diễn ra trong đời sống báo chí theo những quy luật nhất định. Đầu tiên là do thói quen viết tắt những từ dài và có tần suất xuất hiện cao. Ví dụ: Forex (thay cho foreign exchange - ngoại hối); telecast (television broadcast - phát sóng truyền hình)… Người ta gọi những loại từ kết hợp như thế là “chiếc va ly”: portmanteau (một cách nói ẩn dụ).

Có khi portmanteau là sự kết hợp của một câu, một cụm nhiều từ. Ví dụ: Obamacare là từ mới, diễn đạt cụm từ “President B. Obama Healthcare program” - một chính sách về bảo hiểm y tế của cựu Tổng thống Mỹ Obama (mà ở thời điểm này Tổng thống Donal Trump đòi hủy bỏ). Hoặc cụm từ mà tiếng Việt hay gọi là “cư dân mạng” trong tiếng Anh cũng được ghép từ 2 thành tố “internet” và “citizen” để thành “Netizen” và sau này còn có từ “netiquette” (net + etiquette): quy tắc ứng xử trên mạng. Bản thân từ internet cũng là tổ hợp mới xuất phát từ 2 thành tố “international” và “network”.

Một cách sáng tạo thú vị là việc chuyển nghĩa những tên riêng (người, địa danh, sự kiện), hoặc danh từ chung nào đó thành các nét nghĩa khác.

Phóng viên thể thao thường dùng: đội bóng Phố Núi (thay cho đội bóng Hoàng Anh Gia Lai); hoặc đội bóng Đất Cảng, đội bóng Thành Nam… Các đội bóng nước ngoài thì nào là “cỗ xe tăng Đức”, “cơn lốc màu Da Cam” (Hà Lan), The Blues (Chelsea)…

Hai Lúa là một ví dụ. Hiện nay trong đời sống ngôn ngữ Việt, từ “hai lúa” được dùng khá đa nghĩa, trong đó có một nghĩa tính từ (rất hai lúa chẳng hạn).

Tên riêng cựu Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin những năm truớc cũng được báo chí khai thác sáng tạo rất độc đáo. Chẳng hạn từ putinport vốn đuợc ghép từ cái tên “Putin” của vị tổng thống này với từ “sport”. Putinport được dùng để chỉ những chính khách yêu thể thao.

Cũng có một loại ruợu ở Nga được định danh bằng cách ghép tên vị tổng thống nổi tiếng này với từ vodka. Đó là ruợu Putinka mà hiện ở Việt Nam vẫn có bán. Bastistuta, chàng cầu thủ tài hoa, cây săn bàn nhạy cảm người Argentina còn được báo chí đặt cho cái tên rất độc đáo: Batigoal (kết hợp giữa tên Bastistuta và Goal - ghi bàn).

* Và cả chơi chữ

Sự kiện thể thao nổi bật tuần qua là việc CLB Liverpool đã chính thức lên ngôi vô địch Ngoại hạng Anh sớm 7 vòng đấu sau 30 năm dài chờ đợi danh hiệu này.

Những chàng trai tài năng của CLB bóng đá Liverpool - nhân tố tạo cảm hứng cho báo chí sáng tạo từ “Unbeliverpool”. Nguồn ảnh: website CLB Liverpool

Trước đó hơn 1 năm, rạng sáng chủ nhật 2-6-2019, đội bóng đá của thành phố cảng nước Anh Liverpool đã bước vào trận chung kết Champions League thứ hai liên tiếp và giành chức vô địch. Những thành quả của đội bóng này trên nhiều mặt trận những năm gần đây được xem là bất ngờ, là kỳ diệu. Ví dụ, từ chỗ là đội yếu thế, Liverpool viết lên câu chuyện phi thường ở Anfield sáng 8-5-2019 bằng cách đánh bại gã khổng lồ Barcelona 4-0 ở bán kết lượt về, qua đó vào chung kết Champions League bằng chiến thắng với tổng tỷ số 4-3 sau hai lượt trận khi vắng nhiều trụ cột như Mohamed Salah và Roberto Firmino. Quay lại chủ đề của bài viết, thành quả của đội bóng đá Liverpool đã thành ý tưởng cho các phóng viên sáng tạo ra một từ mới: UnbeLIVERPOOL.

Unbeliverpool là cách chơi chữ ghép “unbelievable” và “Liverpool”. Phát âm unbeliverpool nghe cũng na ná và sảng khoái như unbelievable (thật không thể tin được!). Từ unbeliverpool giờ đây đã thành hashtag trên Twitter, Instagram, tên một fanpage trên Facebook.

Từ wag trong báo chí tiếng Anh xuất hiện mười mấy năm nay và bây giờ nó cũng được người Việt dùng trên truyền thông. Ban đầu, wag là cách viết tắt “wife and girl”, như một cách nói lóng để chỉ những người vợ hay bạn gái của các cầu thủ nổi tiếng tới dự một dạ tiệc. Về sau, nó dùng để chỉ chung những người phụ nữ đi cùng một người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác chứ không chỉ trong lĩnh vực thể thao.

Hiện nay, khi đời sống truyền thông phát triển, giới trẻ đặc biệt là tuổi teen cũng thường có những cách sáng tạo từ, thành ngữ mới. Tuy nhiên, cộng đồng chính là trọng tài nghiêm khắc: những sự sáng tạo có ý nghĩa và thú vị, hợp lý mới được chấp nhận. Những tìm tòi có ý nghĩa đùa cợt, chạy theo thời sự, theo “trend” (xu hướng) chỉ là nhất thời. Chúng ta chờ đợi các nhà báo, nhà truyền thông tiếp tục có những sáng tạo mới cho hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt ngày càng giàu và đẹp.

Phan Văn Tú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202007/khi-nha-bao-sang-tao-tu-3011198/