Khi nhà báo đi làm phu kéo xe

Tam Lang (Vũ Đình Chí) cùng với Vũ Trọng Phụng và Vũ Bằng là 'ba chàng họ Vũ' lừng danh trong làng báo Việt Nam trước 1945. Với thiên phóng sự Tôi kéo xe, ông đã đưa thể loại phóng sự ngang tầm một tiểu thuyết xã hội và chứng minh rằng một nhà báo cũng có thể góp phần làm thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt hơn.

Tranh minh họa một phu kéo xe

Tranh minh họa một phu kéo xe

Đời kéo văn

Sinh thời, là một cây bút phóng sự, phiếm luận sắc sảo, tài hoa, Tam Lang được mời cộng tác với nhiều báo và bản thân ông cũng từng làm chủ bút một số tờ. Nhiều độc giả tìm mua báo có tên ông như một thương hiệu.

Một nhà văn có tiếng ở miền Nam trước 1975 kể chuyện rằng thủa bé khi còn ở tỉnh Thái Bình, cha ông hay mua những báo có tên Tam Lang để đọc. “Bố tôi mua nhật báo Giang Sơn, vì ông thích đọc mục phiếm luận “Hà nội, Hà ngoại” của Tam Lang. Ông thường sảng khoái nhắc nhở phóng sự Tôi kéo xe, ký sự Đêm sông Hương, phiếm luận Lọng cụt cán của nhà báo lừng danh này. Bố tôi ca ngợi nghệ thuật chơi chữ của Tam Lang. Mỉa mai người họ Lại đất Kiến Xương chuyên nghề buôn bán lợn cũng học đòi bon chen nghị trường, Tam Lang suy tôn “quan lớn Lại”, tức Quan lái lợn. Rồi Tam Lang chơi chữ nhường, ám chỉ Vương Quang Nhường… nhường vợ. Vương Quang Nhường đầy quyền hành, điên lên, thuê côn đồ lùng kiếm Tam Lang hành hung. Vì Tam Lang dám “mó dái ngựa” các quan lớn mà độc giả ái mộ ông, coi ông là nhà báo can đảm. Tam Lang đứng về phe bị trị chống đối thống trị. Ngày Tam Lang bỏ nhật báo Giang Sơn viễn du Sài Gòn, bố tôi bỏ Giang Sơn mua Tia Sáng (do có Tam Lang cộng tác)”.

Nhưng cuộc đời làm báo, viết báo của ông (cũng như của nhiều người khác) không chỉ có vinh quang, danh tiếng. Cơm áo gạo tiền không đùa với “khách thơ” đã hẳn, nó cũng chẳng thích đùa với nhà báo, nhất là những nhà báo chỉ biết dùng ngòi bút phục vụ nhân sinh hơn là làm “cần câu cơm”.

Sau 1954, vào Nam, Tam Lang tiếp tục nghề báo tại Sài Gòn. Nhà văn kia đã vinh hạnh được gặp ông, hơn thế nữa, làm chung với ông một tờ báo, nhưng cái nhìn về ông đã ít nhiều đổi khác, chung quy cũng chỉ vì chuyện kiếm sống: “Từ ngày ra làm báo Chiến Đấu, tôi vẫn ngồi cạnh đỉnh núi Tam Lang tại tòa soạn, cuối tháng đến Tổng nha Thanh niên thể dục và thể thao lĩnh lương khoán 5.000 đồng. Tôi đã có ít nhiều suy nghĩ về tác giả Tôi kéo xe. Thực sự tôi không hiểu tại sao một cây bút triền miên đương đầu với giai cấp thống trị, một nhà báo với dĩ vãng lẫy lừng như Tam Lang lại cam đành lĩnh lương biên tập viên lương khoán 8.000 đồng bạc. Tam Lang, thần tượng của bố tôi, thần tượng của tôi, con phượng hoàng của làng báo, không thể đậu trên cọc cầu ao. Và tôi đau đớn. Đau đớn vì tôi phải xét lại các bậc trưởng lão, như Tam Lang”.

Xem thế, dễ hiểu vì sao Tam Lang từng tâm sự: Nghề viết văn viết báo ở xã hội Việt Nam là nghề bạc bẽo và bấp bênh nhất. Đâm đầu vào nghề mà không có được người vợ đảm đang tháo vát, tần tảo nuôi nổi gia đình trong thời gian mình thất nghiệp vì bất mãn, vì báo bị đình bản có giới hạn hoặc thu hồi giấy phép thì treo niêu gác bếp là chuyện rất thường”.

Bìa tác phẩm Tôi kéo xe và chân dung tác giả Tam Lang

Tôi kéo xe

Theo một thống kê bấy giờ, Hà Nội những năm 1930 có khoảng đến 3.000 chiếc xe kéo tay. Cuộc sống của phu xe vất vả nhưng thu nhập thấp. Từ phu chuyên nghiệp thuê cả ngày đến kẻ làm thêm chỉ thuê vài tiếng, đều phải trả tiền trước. Trả xe chậm bị phạt, va quệt phải đền, nên nhiều phu xe chạy quanh năm không trả hết nợ, bởi chủ xe đưa ra mức đền quá cao. Năm 1931, một phu xe đang chở khách, đuối sức gục chết ngay giữa đường. Sự việc đó đến tai Tam Lang, động vào trái tim ông. Nhớ tới nữ nhà báo Pháp Maryse Choisi đã tự khoác thân phận một cô gái điếm để có thực tế viết báo, Tam Lang bèn quyết định đi làm phu xe để tìm hiểu thêm cuộc sống giới này. Nhiều khi ông chạy cả đêm để có cảm giác thật của kiếp phu xe. Ông từng tận mắt chứng kiến cảnh có người phu chết, người thân không biết chôn ở đâu vì không có tiền mua đất, đành vùi xuống dải cát men sông Hồng để rồi nước dâng lên cuốn xác đi…

Thế rồi phóng sự điều tra Tôi kéo xe được đăng tải trên Hà thành ngọ báo năm 1932 gây chấn động xã hội, đánh động những người có lương tâm lúc bấy giờ. Ngay sau đó, đồng cảm với Tam Lang, trong nỗi bi phẫn nhà phê bình Vũ Ngọc Phan viết: “Dù những nhân vật được mô tả trong thiên phóng sự đã là những xác chết thối tha, người ta thấy cũng cần phải khai quật cả lên...”. Bản thân Tam Lang thì cho biết: “Khi viết thiên phóng sự này, tôi nói rõ hai ước vọng của mình: “Chế độ “cai xe” không còn nữa; chiếc xe hai bánh “người kéo người” sẽ được chiếc xe ba bánh “người đạp người” (ý nói chiếc cyclo sau này) thay thế, để người phu xe không còn bị “cai xe” bốc lột, đồng thời lấy lại được phẩm cách con người, khi họ không còn tự ti mặc cảm thấy xã hội coi khinh, coi rẻ họ như thân trâu”.

Không chỉ với Tôi kéo xe, từ năm 1942, Vũ Ngọc Phan đã nhận định về Tam Lang: “Dù ở tác phẩm nào của Tam Lang, người ta cũng thấy cây bút của ông là cây bút tả chân và châm biếm; ông nhạo đời để răn đời, chứ không bao giờ có giọng độc ác. Bởi vậy, nếu xét kỹ, người ta sẽ thấy trong những tập phóng sự và những tập châm biếm, trào phúng của ông những tư tưởng thật là bác ái, bao giờ cũng có cái khuynh hướng bênh vực hạng người nghèo khổ, kém hèn, mà bênh vực vì lẽ phải, vì nhân đạo, chứ không xen lẫn một ý nghĩ chính trị nào”.

Trong một tiểu luận về toàn cảnh báo chí trước 1945, một nhà báo viết: “Khoảng 10 năm sau, kể từ khi phóng sự Tôi kéo xe ra đời, ở Hà Nội không còn bóng dáng một chiếc xe nào nữa. Xe tay “chết” đúng vào thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II và tình trạng khan hiếm xăng dầu diễn ra ở Việt Nam trong đó có Hà Nội khiến ô tô con, ô tô khách phải đắp chiếu, cho thấy báo chí và văn học đã góp phần đào mồ chôn sản phẩm từng được gọi là văn minh phương Đông. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945, một sắc lệnh xóa bỏ xe tay được ban hành chấm dứt hoàn toàn phương tiện “bóc lột sức lao động con người” sau nửa thế kỷ tồn tại ở Việt Nam.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/khi-nha-bao-di-lam-phu-keo-xe-4016351-b.html