Khi nhà báo 'ăn Tết'

Nhiều người 'mặc định' rằng: Nhà báo cực khổ, làm việc không có Tết. Thật ra, chúng tôicũng có Tết, chỉ là Tết rất đặc thù và diễn ra nhiều ngày lắm. Không khí Tết len lỏi theo chúngtôi quanh năm, đang ăn Tết năm nay đã nghĩ đến Tết năm sau. Đang hè thu, nhưng đã bắtđầu thu thập tư liệu để vẽ cảnh mùa xuân.

Khi nhà báo “ăn Tết”

Khi nhà báo “ăn Tết”

Câu chuyện đề tài

Tôi luôn dành một trang cuối cùng trong sổ tay, để ghi chú lại sự kiện hay, đặc biệt, những ý tưởng thoáng qua cho bài viết dịp Tết đến Xuân về. Thật ra, không phải tôi lo xa, mà vì tôi dễ bị cuốn theo hàng ngàn dòng sự kiện trong năm, đôi lúc khó hệ thống lại được những gì đặc sắc.

Đối với báo in, không khí Tết đến với chúng tôi bắt đầu từ... tháng 9 hàng năm, khi mọi sinh hoạt của người dân vẫn còn đều đều, vẫn còn vương vấn ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Lúc này, tôi móc “cẩm nang” của mình ra, bắt đầu lọc lại: Đề tài gì để phù hợp với con giáp của năm mới? Đề tài gì mới lạ, độc đáo, “tươi mát”, có thể làm món ăn tinh thần độc đáo cho công chúng? Rồi phải mường tượng lại không khí Tết như thế nào, gồm những hoạt động truyền thống nào, góc ảnh năm ngoái chụp có sử dụng được không... Tìm được đề tài hay, mới lạ để đăng ký với Ban Biên tập thì xem như phóng viên đã hoàn thành một nửa công việc thực hiện ấn phẩm Xuân!

Tháng 10, Ban Biên tập hoàn thành kế hoạch xuất bản báo Xuân, phát cho từng người trong tòa soạn. Kể từ đó, gánh nặng chính thức đè lên vai phóng viên. Có người ngay lập tức bắt tay vào khâu thu thập tư liệu, tìm cảm hứng và hoàn thành tác phẩm trước hạn. Ấy là những phóng viên biết sắp xếp quỹ thời gian và công việc, tranh thủ tối đa thời gian thực hiện bài “hàng nằm” (tức loại đề tài nguội, có sẵn, không chờ số liệu). Nhưng đa phần, chúng tôi thuộc nhóm “chủ quan”, tà tà mà viết.

Nhiều đồng nghiệp của tôi chép miệng: “Chưa Tết, chưa có hứng viết”. Dù Ban Biên tập thường xuyên nhắc, nhưng tình trạng “tàng trữ bài viết đến phút cuối mới nộp” diễn ra thường xuyên. Thời gian 2 tuần trước khi nộp bài, phóng viên cuống cuồng, vừa “chạy” bài báo thường kỳ, vừa “chạy” báo Xuân, quảng cáo, phát hành...

Đến hạn nộp, phải thức khuya dậy sớm viết bài, nhìn ai cũng bơ phờ, vất vả đến tội. Nghĩ đến cảnh trước đó nhàn hạ vui chơi, tự trách bản thân sao chẳng chịu tranh thủ gì cả, hứa với lòng là năm sau sẽ khắc phục. Hứa vậy thôi, chứ sang năm, tình trạng trên vẫn lặp lại, chẳng khác gì! Chỉ thương cho Ban Biên tập và bộ phận Thư ký tòa soạn, lúc rảnh thì chẳng có bài nào để đọc, lúc cao điểm thì cả trăm bài chất đống!

Nhà báo luôn tác nghiệp 24/7 trong thời đại hiện nay

Tác nghiệp 24/7

Đầu tháng 12 hàng năm, nộp bài báo Xuân xong, phóng viên bắt đầu thảnh thơi, trở lại nhịp độ nhàn hạ ngày thường. Nhưng chỉ vài hôm thôi, chứ lúc này, ngoài trời gió bấc đã thổi; người người nhà nhà đang tất bật chuẩn bị cho tổng kết cuối năm, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. Vậy là chúng tôi lại quay cuồng họp tổng kết, phản ánh nhịp độ cuộc sống tất bật cuối năm.

Trên các trang báo thường kỳ, đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn tin, bài về làng nghề phục vụ Tết; trồng hoa, cây cảnh chơi Tết; bình ổn thị trường cuối năm; kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm mùa Tết... Lại là quãng thời gian cánh nhà báo ăn Tết trên báo! Công việc ấy kéo dài suốt, đến khi hoàn thành tờ báo tất niên (khoảng 26, 27 tháng Chạp).

Trước khi chính thức nghỉ Tết, phóng viên lại một lần nữa chạy “vắt giò lên cổ”, đăng ký và thực hiện bài viết cho cả chục số báo trước Tết và sau Tết.

Số báo trước Tết phải cực kỳ tranh thủ, vì đâu đâu cũng Tết, lấy tư liệu khá vất vả. Số báo sau Tết thì phải... nộp trước Tết, để sau Tết không quá bị động. Nếu chưa viết kịp, chí ít phải lấy tư liệu xong (trừ những tác phẩm buộc phải chờ đến lúc diễn ra sự kiện), bởi kinh nghiệm cho thấy, mãi sau rằm tháng giêng, mọi hoạt động mới diễn ra bình thường. Muốn phỏng vấn, hỏi chuyện gì, cứ... chờ nhé. Trong giai đoạn ấy, nhà báo cũng phải lo chuyện tư riêng: Sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, cúng kiến... Tết mà!

Nhưng điều khiến chúng tôi vui thích nhất trong giai đoạn “tưng bừng” này, là hoạt động chúc Tết. Từ 20 tháng Chạp, cơ quan đã chuẩn bị phòng tiếp khách, phân công người trực, chờ đón hàng trăm đơn vị đến chúc Tết tại tòa soạn. Nhiều lãnh đạo tỉnh, đơn vị, sở ngành, địa phương đến thăm hỏi, chúc mừng, động viên chúng tôi qua một năm; trò chuyện thân tình, cởi mở để chào đón năm mới đầy thắng lợi mới, quá trình hợp tác thành công hơn. Mai vàng ngoài sân hé nụ, và chúng tôi nở mãi nụ cười trên môi. Đúng là vui như Tết!

Tuy là nghỉ theo lịch chung, nhưng phóng viên vẫn hoạt động suốt đến giao thừa. Chúng tôi theo chân lãnh đạo tỉnh đi thăm bệnh nhân phải ăn Tết trong bệnh viện, thăm công nhân quét rác phải làm việc quên thời gian, đi kiểm tra bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ... Giao thừa, khi mọi người hòa cùng không khí vui tươi, đổ dồn ra đường chào đón năm mới, chúng tôi cũng lặng lẽ ngắm pháo hoa cùng lực lượng Công an ở các điểm chốt, ghi nhận mọi không khí đang diễn ra xung quanh. Trở về nhà, phóng viên lại nhanh chóng làm việc, gửi tác phẩm về cho người biên tập. Khi đóng máy laptop, ngẩng lên thì đã là mùng một Tết!

Suốt mấy ngày Tết, mỗi phòng ban chia nhóm trực cơ quan. Riết thành quen, đến ngày trực, chúng tôi ăn mặc thật đẹp, tươi tắn, tự xông đất cơ quan và phòng làm việc của mình. Mọi người ngồi quây quần bên nhau, trò chuyện, ăn uống, nhận lì xì của sếp..., vui không thể tả. Xong nhiệm vụ rồi, chúng tôi mới nghĩ đến việc đi đâu chơi, làm gì vào các ngày Tết còn lại. Nếu chẳng thích chen lấn, cực khổ vì đông người, chúng tôi lại nằm ườn ở nhà nghỉ ngơi, sum họp với gia đình. Cả năm đi biết bao nhiêu ngày, giờ tự thưởng cho mình giây phút lười biếng, cũng là điều... hợp lý.

Rồi trong những ngày Tết, nếu có sự kiện đặc biệt xảy ra, Ban Biên tập sẽ cử phóng viên ghi nhận, phản ánh. Nếu không, phóng viên lành nghề sẽ tự “xách ba lô lên và đi” ghi nhận thực tế cuộc sống, không khí Tết của người dân, các vụ tai nạn giao thông... Chớp mắt, ngày nghỉ trôi qua. Chúng tôi quay trở lại quy trình xuất bản báo thường kỳ, ra mắt tờ báo Tân niên. Rồi lại ấp ủ đề tài cho Xuân năm sau. Ăn Tết quanh năm suốt tháng như thế, còn ai bảo làm báo là khổ?

Gia Khánh

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/khi-nha-bao-an-tet-n17448.html