Khi người trẻ 'thắp lửa' nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống đang trong cảnh tồn tại lay lắt là hiện trạng hẳn bất kỳ ai cũng thấy được. Thế nhưng, cũng có không ít làng nghề đang từng ngày sống dậy nhờ sự nhiệt huyết của những người trẻ. Họ là những người dám nghĩ, dám làm, luôn mang trong mình hoài bão đem 'thương hiệu' làng nghề hồi sinh, thậm chí vượt sang xứ người.

Giữ nghề bằng niềm đam mê

Anh Lê Văn Hưng, sinh năm 1978, tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội là một trong những nghệ nhân trẻ có tiếng hiện nay. Hưng được biết đến như một trong số ít những người hiếm hoi còn tâm huyết với cái nghiệp giữ hồn cốt tranh thêu Quất Động. Nhắc đến nghề như một cái duyên sẵn có, anh Hưng chia sẻ: “Cha truyền nghề cho tôi từ năm lên 8. Khi đó vì cuộc sống mưu sinh, mong muốn cầm cây kim, sợi chỉ để kiếm thêm miếng cơm, bát gạo mà quyết tâm theo cha gắng học thêu để rồi dần thành thói quen hay đam mê từ lúc nào không biết”.

Nhắc lại những ngày gian khó quyết tâm gắn bó với cái nghiệp mình đã chọn lựa anh bảo, ban đầu điều kiện bản thân thiếu thốn đến mức chẳng có tiền để mua khung tranh về thêu. Gỗ, tre cũng hiếm, trước nhà có cây gỗ xoan nhỏ gần bằng cổ chân anh cũng phải tận dụng, chặt vào làm khung. Tiếc cây, cũng tiếc công chăm lo cho cây bấy lâu giờ lại chặt đi khiến lòng Hưng cứ rấm rứt buồn mãi.

Hoạt động của các làng nghề đã góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Và chính tuổi trẻ đang góp phần đem lại sức sống mới cho những làng nghề truyền thống. Ảnh: Đinh Luyện

Nhưng rồi, với cây xoan ban đầu anh Hưng đã cần mẫn học thêu, từ chi tiết dễ đến khó, quyết tâm gắn bó với khung thêu ngay từ những ngày đầu, hiện tại anh Hưng vẫn giữ và xem chiếc khung như chiếc bùa may mắn của mình. Anh cần mẫn, nâng niu, mỗi khi rảnh rỗi anh lại lấy ra ngắm nghía, lau chùi. Sau một năm học thêu miệt mài, những bức tranh của anh cũng dần rõ nét, thành thạo. Biết nghề, anh bắt đầu nhận thêu tranh thuê để lấy tiền trang trải cuộc sống. Năm 1999, anh Hưng lên Hà Nội nhận làm thêu thuê, trong quá trình này anh học được nhiều kinh nghiệm, trau dồi thêm kỹ năng, học hỏi kĩ thuật mới.

Hưng bảo, thời gian đó, tranh làm ra anh phải đi đổ buôn cho một số tỉnh lân cận Hà Nội nhưng vẫn không bán được giá. Thường thì tranh bán đắt hàng vào ngày lễ, tết, từ khoảng tháng 8 năm nay đến tháng 4 năm sau. Riêng khoảng thời gian 3 tháng còn lại là mùa hè nên rất ít khách mua hàng. Chẳng những vậy, có nhiều lô hàng do khách mua kỳ kèo, đòi hạ giá thấp quá nên phải ngậm ngùi rút đơn hàng về.

Khó khăn dần cũng qua đi, bằng những nỗ lực và sự bền bỉ, khéo léo với nghề, năm 2013, có không ít doanh nghiệp tư nhân mời anh Hưng cùng hợp tác để khâu tranh trên máy. Thế nhưng Hưng không nhận. Lẽ đơn giản khiến anh chối từ bởi nó sẽ làm mai một đi truyền thống của cha ông. Hay nói cách khác, thêu tranh có những nét, điểm thêu hết sức tinh xảo mà khi thêu trên máy không thể đạt được so với thêu truyền thống. Dĩ nhiên, cái nghiệp ấy ông cha đã để lại, thì anh phải gìn giữ. Nếu không nâng nó lên tầm cao mới thì anh cũng không cho phép bản thân làm mai một đi nét đẹp và vốn quý ấy.

Anh Hưng cho biết, việc tạo ra những bức tranh thêu tay đẹp đã khó nhưng việc bán ra thị trường cũng vô cùng khó khăn. Mặc dù tranh thêu tay Quất Động vẫn là sản phẩm thủ công, làm ra mất nhiều thời gian, tâm huyết nhưng giá thành cạnh tranh hơn nhiều so với các sản phẩm thêu khác, chỉ vài trăm nghìn đồng cho tới một triệu đồng người mua đã được một bức tranh thêu ưng ý. Anh cũng cho rằng, điều quan trọng trong thời điểm này là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Anh Hưng từng đi khắp các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng..., đến từng cửa hàng tranh để tìm nơi tiêu thụ. Dần dần tranh thêu của anh mới được nhiều cửa hàng các tỉnh chú ý tới...

Cũng giống như anh Hưng, nghệ nhân trẻ Lê Bá Tươi, làm nghề dát quỳ vàng ở làng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) từng phải chật vật khi cố công lưu giữ nghề. Chẳng là, anh Tươi học dát quỳ vàng từ thuở còn lên 5, thế nhưng cái nghề tổ truyền còn có tục mỗi người thợ chỉ được phép truyền dạy một trong số 40 công đoạn của nghề. Mỗi khâu đoạn mỗi khác, 40 người thợ nếu không cùng nhau hợp tác thì sẽ không có sản phẩm ưng ý. Tiếc nghề, anh Tươi không theo tục lệ tổ truyền. Anh theo học và ghi chép lại tỷ mẩn hàng chục khâu đoạn của nghề. Nhờ sự “phá cách” này của anh, nhiều người trẻ trong làng đã nắm bắt được cái tinh túy của nghề và quyết tâm đeo đuổi, làm hồi sinh nghề.

Theo kinh nghiệm của anh Tươi và những nghệ nhân Kiêu Kỵ, để dát hết một cây vàng nguyên chất phải mất đến 1 tuần. Đổi lại, thu nhập mỗi tuần của người dát quỳ vàng đạt 2 triệu đồng/người. Những đợt giá vàng tăng thì giá sản phẩm cũng tăng theo nhằm đảm bảo lợi nhuận cho gia đình và để có vốn quay vòng, tiếp tục hoạt động. Có điều đặc biệt là mặc dù có lúc giá sản phẩm quỳ vàng tăng cao, nhưng hàng làm ra vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện sản phẩm của gia đình anh đã có mặt ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước, phục vụ trong các đình, chùa và cả hộ gia đình.

Niềm tin phát triển thương hiệu

Nhiệt huyết, yêu nghề hẳn là những điều kiện tiên quyết để những nghệ nhân trẻ lưu giữ nghề. Thế nhưng, mô hình phát triển nghề mộc Kim Bồng lại khá đặc biệt và có xu hướng vươn sang xứ người. Từ bến đò trên phố cổ Hội An nhìn qua bên kia sông Hoài, có một làng nghề mộc nổi tiếng mang tên Kim Bồng. Ở làng Kim Bồng có nghệ nhân Huỳnh Sướng, được biết đến như một người hồi sinh cho nghề mộc trên vùng đất này.

Ở cái tuổi ngoài tứ tuần, nghệ nhân Huỳnh Sướng là người duy nhất trong gia đình chọn kế nghiệp từ cha, mà như lời anh tâm sự thì cái duyên này không dứt được dù đã không ít lần anh bỏ xứ ra đi rồi lại quay về. Nghe kể, để có được thương hiệu làng mộc Kim Bồng, những nghệ nhân như Huỳnh Sướng đã “phổ cập” bằng cách gây dựng cơ sở đào tạo, dạy nghề mộc cho thanh niên trẻ của làng. Đến nay, có trên 100 nghệ nhân trẻ đã “ra lò”, hiện đang gánh trên vai trọng trách gìn giữ và phát triển làng nghề.

Chưa hết, để tận dụng điều kiện du lịch Hội An vốn có, Kim Bồng đã kết hợp việc phát triển làng nghề với thăm quan du lịch. Nhờ vậy, làng mộc Kim Bồng nhận được nhiều đơn đặt hàng, sản phẩm làng nghề xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, thu nhập của lao động làng mộc này đã từng bước ổn định. Đáng trân quý là, có thời điểm, hàng chục nghìn lượt khách đã tìm đến Kim Bồng qua các công ty lữ hành…

Câu chuyện phát triển nghề dựa trên việc đào tạo, truyền dạy, quảng bá và phát triển thu nhập dường như cũng đang được những nghệ nhân trẻ như Lê Bá Tươi, Lê Văn Hưng, Huỳnh Sướng… kiên trì vận dụng. Với anh Hưng, để người dân Bắc bộ và Trung bộ biết nhiều hơn đến nghề thêu thùa Quất Động, anh đã đi đến các trại người khuyết tật ở một số tỉnh phụ cận Hà Nội và miền trung để mở lớp dạy thêu, giúp những mảnh đời khiếm khuyết có được cái nghề để tự nuôi sống bản thân.

Anh Lê Bá Tươi thì tạo điều kiện kết hợp giữa học nghề và thu nhập cho học viên. Do được học đủ các khâu đoạn trong nghề miễn phí, lại kiếm được tiền từ những sản phẩm làm ra nên ở Kiêu Kỵ từng có lúc lớp học nghề của anh Tươi đã thu hút không dưới 120 trai tráng, thanh niên trong làng theo học. Không khí làng nghề, lúc nào cũng tất bật, rộn rã lạ thường.

Có một thực tế mà các nghệ nhân trẻ như Lê Bá Tươi, Lê Văn Hưng, Huỳnh Sướng luôn trăn trở đó là việc thiếu lao động tay nghề cao, hay nói cách khác là những thợ giỏi. Điều này không hẳn thiếu căn cứ, bởi đứng trước sự tự thanh lọc của nền kinh tế thị trường, nhiều làng nghề truyền thống đã không còn trụ vững. Các nghệ nhân lớn tuổi dần mất đi mà chưa kịp truyền thụ lại hết tinh hoa nghề cho lớp trẻ. Mặt khác, do thu nhập không cao nên thế hệ trẻ hiện cũng không nhiều người mặn mà, đam mê với nghề. Thế nên, có nhiều thợ giỏi và níu giữ được họ là cơ sở căn bản để bảo tồn những tinh túy trong các làng nghề truyền thống.

Ngoài ra, những nghệ nhân trẻ cũng cho rằng, nếu nhà nước có những chính sách bảo tồn thích hợp với các nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống như: Hỗ trợ một phần trợ cấp hàng tháng, tạo điều kiện việc làm, hỗ trợ vay vốn, quy hoạch hướng phát triển làng nghề… thì tin chắc các làng nghề truyền thống nói chung và những nghệ nhân trẻ sẽ phát huy được hết khả năng, thế mạnh vốn có của mình.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khi-nguoi-tre-thap-lua-nghe-truyen-thong-82850.html