Khi người trẻ phố thị 'kể chuyện' bằng tranh lụa

So với nhiều họa sĩ vẽ tranh lụa hiện đại, Hoàng Minh được coi là một người sáng tác trẻ. Duyên với tranh lụa của cô bắt nguồn từ một triển lãm nhóm nhỏ năm thứ 5 đại học, dù ban đầu, chuyên ngành cô theo học là sơn dầu.

Nghệ thuật vẽ lụa đã trải qua các giai đoạn thăng trầm, thậm chí có lúc bị thoái trào và nguy cơ biến mất. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, tranh lụa bước vào giai đoạn hồi sinh và khẳng định sức sống mãnh liệt. Rất nhiều họa sĩ trẻ đã dày công sáng tác, tìm tòi trong nghệ thuật vẽ lụa, đưa hơi thở cuộc sống đương đại vào tranh lụa thành công. Nguyễn Thị Hoàng Minh là một trong số đó.

Đam mê cùng lụa

Lụa là một chất liệu đặc biệt được làm từ tự nhiên, cụ thể là tơ từ kén của con tằm. Một trong những điểm mạnh khiến tranh lụa được giới chuyên môn đề cao và thu hút người yêu mỹ thuật chính là sự trong trẻo và êm dịu của màu sắc. Sự mong manh trong trẻo đó cũng là lý do khiến cô sinh viên năm 5 khoa Sơn dầu trường Đại học Mỹ thuật TPHCM quyết định “rẽ ngang” để “se duyên” cùng lụa.

Hoàng Minh thực hiện tác phẩm tranh lụa.

Qua 7 năm kinh nghiệm trong cả công tác giảng dạy và sáng tác tranh lụa, cô họa sĩ trẻ càng thấy thêm yêu chất liệu này. Cô tâm sự: “Tôi vô cùng tâm đắc khi chọn lụa là chất liệu trong việc thể hiện mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tôi muốn tái hiện lại một phần cái thế giới riêng có bản sắc, có cá tính của mình về cuộc đời thông qua một phong cách cá nhân riêng biệt và độc đáo”.

Các tác phẩm của Hoàng Minh được vẽ theo lối tạo hình của nghệ thuật phương Đông, tập trung vào hình và màu sắc. Cô chọn ba đối tượng: phụ nữ, trẻ em và thiên nhiên làm nguồn cảm hứng cho sáng tác. Nét ngây thơ của trẻ con và cái mong manh nhưng đầy nội lực của phụ nữ với sự mỏng manh yếu mềm của lụa như có sự đồng cảm và gắn kết. Hình ảnh nhân vật trong tranh của cô luôn mang hơi thở của thời đại, có khi là sự trở về với nội tâm đầy cảm xúc, khi là những giấc mơ về tương lai.

Minh kể: Tôi ít khi xây dựng phác thảo mà tùy sở thích, tâm trạng… thời điểm đó để thao tác phối màu ngẫu hứng, bức tranh vì thế cũng chuyển tải tốt hơn tâm tư tình cảm cũng như tạo được cảm hứng tươi mới. Với tôi một tác phẩm nghệ thuật phải mang đến những rung động phong phú, tự nhiên và lâu bền cho người thưởng thức. Thậm chí có thể thay đổi hoàn toàn cách nhìn của họ đối với thế giới xung quanh.

Ít khi nào cô xây dựng phác thảo mà chủ yếu dựa vào sở thích, tâm trạng để sáng tác.

Với phong cách lãng mạn, phóng khoáng, bố cục hiện đại, các tác phẩm của Hoàng Minh luôn mang đến sự nhẹ nhàng, điềm tĩnh nhưng vẫn thấy được sức mạnh tiềm ẩn của người phụ nữ bên trong. Cô luôn vẽ với niềm đam mê và tình cảm chân thành nhất của chính mình. Tranh của cô vì thế luôn có sức hút đặc biệt với người yêu tranh cả trong và ngoài nước.

Đánh thức tranh lụa

Sau nhiều năm bị tranh sơn dầu, sơn mài áp đảo, tranh lụa đã bắt đầu có những bước chuyển mình đáng chú ý. Khoa Lụa trong các trường Mỹ thuật đã được biết tới nhiều hơn, các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, các sự kiện mỹ thuật tổ chức trong và ngoài nước đã đông đảo hơn các gương mặt tranh lụa mới và phát triển đa dạng hơn cả về kỹ thuật và đề tài thể hiện. Một vài tác phẩm tranh lụa của Việt Nam được trả giá rất cao tại các cuộc đấu giá tranh trên thế giới càng khẳng định vị thế tranh lụa trong nền mỹ thuật Việt Nam.

Tranh lụa Việt dù “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc… nhưng lại có bản sắc rất riêng và rất được yêu thích trên thế giới. Phong cách vẽ lụa nhuộm màu nhiều lần và rửa nước làm cho nền lụa ánh lên vẻ mịn màng, óng ả với hòa sắc êm dịu mà vẫn đằm thắm là lối vẽ chỉ có các họa sĩ Việt Nam mới có, giúp thể hiện đậm đà cái tình của người vẽ và vẻ đẹp Á Đông trữ tình.

Vậy nên, vẫn cần nhiều hơn nữa những hoạt động, những cuộc triển lãm quy mô để tranh lụa Việt có thể phổ biến rộng rãi, tạo sân chơi bổ ích cho các họa sĩ trẻ giao lưu học hỏi. Đó cũng là lý do Art In The Forest (AIF) - chương trình nghệ thuật thị giác vì cộng đồng do Tập Đoàn Flamingo sáng lập và tổ chức thường niên - lựa chọn tranh lụa là một phần cho không gian nghệ thuật bên hồ trong triển lãm năm nay (2018).

Không gian xanh tại Flamingo Đại Lải Resort, nơi các tác phẩm điêu khắc được trưng bày như một mảnh ghép giữa thiên nhiên.

Nguyễn Thị Hoàng Minh là gương mặt duy nhất ở TPHCM vinh dự góp mặt vào danh sách nghệ sĩ tham gia AIF 2018. Với cô, AIF không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy vẻ đẹp của một dòng tranh có vị trí rất đặc biệt trong nghệ thuật hội họa truyền thống Việt Nam nói riêng và các nước phương Đông nói chung mà còn tạo điều kiện thể hiện tài năng và tác động tích cực đến tinh thần của nhiều họa sĩ trẻ.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282285/khi-nguoi-tre-pho-thi-ke-chuyen-bang-tranh-lua.html