Khi người trẻ lưu giữ nét văn hóa xưa

Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thật đáng trân trọng khi vẫn còn nhiều bạn trẻ ngày đêm miệt mài lưu giữ nét văn hóa Việt xưa theo những cách rất riêng. Sự sáng tạo, nhiệt huyết của người trẻ đã giúp nhiều loại hình văn hóa độc đáo của dân tộc được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Thay vì dành trọn kỳ nghỉ để quây quần bên gia đình, người thân tại quê nhà Ðà Nẵng, năm nay Ðỗ Nhật Thịnh (sinh viên năm thứ 4, Trường ÐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh) chọn ở lại thành phố dịp Tết với mong muốn làm tròn vai trò của một… "ông đồ". Bén duyên với thư pháp hơn 10 năm nay, Thịnh tự mày mò, thổi hồn cho từng nét vẽ rồi lồng vào đó những lời hay ý đẹp dành tặng bạn bè, người thân.

Không ngồi đợi mọi người đến xin chữ dịp đầu năm như ông đồ ngày xưa, Thịnh mang giấy, mực và óc sáng tạo đi xuyên Việt trong những hành trình thiện nguyện, từ thiện với mong muốn lan tỏa tình yêu thư pháp từ đồng bằng đến vùng miền núi xa xôi. Khi công nghệ phát triển, Thịnh kết hợp chuyên môn với sở thích thư pháp để tạo ra những sản phẩm độc đáo, thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Viết thư pháp trên nhiều chất liệu khác nhau nhưng chưa thỏa đam mê, Thịnh còn sáng tạo ra các màn biểu diễn cọ vẽ trên sân khấu lớn để nhiều người cùng thưởng thức. Màn hình LED, âm nhạc được chọn lọc kỹ càng cùng sự đầu tư chu đáo của "ông đồ công nghệ" khiến mỗi cử động trở nên thú vị, bất ngờ.

"Có một thời gian thư pháp bị lãng quên, tôi buồn lắm. Tôi muốn có cách nào đó truyền tải loại hình văn hóa đồng điệu với sự phát triển của thời đại. Tôi kết hợp nhiều điều mới mẻ khi viết thư pháp để không chỉ người lớn tuổi mà bạn trẻ cũng thích thú. Tôi tin khi thấy thú vị bạn trẻ sẽ có động lực gìn giữ và dần có tình cảm với thư pháp hay văn hóa xưa", Ðỗ Nhật Thịnh cho biết.

Cũng yêu thích nghệ thuật, đam mê tìm hiểu về văn hóa xưa, hai năm trở lại đây, cô gái sinh năm 1989 Ðồng Lê Quỳnh Hương tự bỏ tiền túi tạo ra một không gian mang tên Nhà của thời thơ ấu ngay tại TP Hồ Chí Minh. Ở ngôi nhà rực rỡ sắc mầu này, Hương cùng các cộng sự đưa mọi người trở lại với nếp sống của người dân miền nam thập niên 60, 70 của thế kỷ trước bằng những góc trang trí đượm màu ký ức. Ở nơi mà Hương hay gọi cái tên trìu mến là "Nhà", cô bố trí một xe cà-phê siêu trước cổng, một quầy tạp hóa gồm kẹo bánh quê để khách tự phục vụ và hào phóng tặng ai đó ghé ngang một ly nước nếu hôm đó "Bạn đã làm điều gì có ích".

Tại sân khấu "Những bông hoa nhỏ" trên tầng 1 của ngôi nhà có sẵn rất nhiều chiếu bông. Vào mỗi cuối tuần, Hương thường tổ chức chương trình "Kể chuyện xưa nghe chơi" với mong muốn khơi gợi tình yêu văn hóa xưa trong giới trẻ ngày nay. Ðồng Lê Quỳnh Hương vui vẻ nói: "Ða phần các hoạt động tại Nhà là phi lợi nhuận vì tôi muốn nhiều bạn trẻ biết đến không gian này, hiểu để yêu hơn văn hóa Việt Nam ngày trước. Nhìn ánh mắt tò mò, hứng khởi của các bạn khi tới đây, tôi tin mình đi đúng đường".

Bên cạnh các hoạt động văn hóa định kỳ, vào các dịp quan trọng trong năm như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Ðồng Lê Quỳnh Hương đều tổ chức những ngày hội theo nếp xưa. Hương sử dụng các kênh truyền thông xã hội và kết nối các đội nhóm để mời gọi người trẻ về tham gia. Mỗi chương trình được chăm chút kỹ lưỡng nhằm tạo dựng mảng ký ức thật đẹp cho người thưởng thức.

Khi thì Hương mời người giới thiệu về đờn ca tài tử, lúc nói chuyện bưu thiếp, bưu hoa, khi lại nói chuyện đạo làm con, lời hay ý đẹp từ sách… "Sắp tới sẽ có thêm nhiều hoạt động phi lợi nhuận khác được triển khai hướng đến người trẻ, nhất là các bạn sinh viên thích tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Tôi cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động giao lưu với sinh viên quốc tế thông qua nhiều chương trình ngắn hạn nhằm giúp các bạn hiểu thêm về giá trị, cái hay của văn hóa Việt Nam", Ðồng Lê Quỳnh Hương chia sẻ.

Cũng nuôi nấng ước mơ chung tay bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống, vài năm trở lại đây, Lương Hoài Trọng Tính cùng các thành viên Ðại Nam hội quán đã thực hiện nhiều bài viết, tổ chức hàng loạt chương trình quảng bá về áo dài, đám cưới miền nam hay nhạc cụ dân tộc...

Mới đây, nhóm đã tái dựng lại không gian Tết miền nam ngày xưa khiến nhiều bạn trẻ thích thú. Mỗi chương trình của nhóm thường kéo dài hơn hai giờ đồng hồ với đa dạng các hoạt động từ trình diễn trang phục xưa, kể tích cũ đến biểu diễn âm nhạc truyền thống. Lương Hoài Trọng Tính, người sáng lập Ðại Nam hội quán cho biết, dù còn nhiều khó khăn về mặt kinh phí nhưng nhóm vẫn còn nhiều kế hoạch cần triển khai trong năm 2020 để đưa văn hóa xưa đến gần hơn với giới trẻ thành phố ngày nay. Bên cạnh việc biểu diễn, nhóm sẽ đầu tư nhiều hơn về bài viết, các đoạn phim giới thiệu trên fanpage để mọi người có thể tìm hiểu về văn hóa miền nam xưa.

Không xô bồ, đình đám, ngày qua ngày nhiều người trẻ vẫn lặng lẽ gieo mầm để dưỡng nuôi tình yêu văn hóa xưa trong cộng đồng. Họ tin rằng khi thật sự hiểu, mọi người sẽ sống trọn vẹn với những giá trị tốt đẹp mà nếp sống thời "ông bà ta" mang lại. Như lời "ông đồ xuyên Việt" Ðỗ Nhật Thịnh chia sẻ, anh muốn người trẻ không chỉ giỏi chuyên môn mà phải sử dụng thế mạnh của mình trong việc lưu giữ, lan tỏa nét đẹp của văn hóa dân tộc đến cộng đồng cũng như bạn bè quốc tế.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/43170102-khi-nguoi-tre-luu-giu-net-van-hoa-xua.html