Khi người lính trở về

Không chỉ có đường biên giới dài 24 km, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên (Tây Ninh) còn có dòng sông Vàm Cỏ Đông chảy qua cùng Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát quanh năm xanh mát. Với lợi thế có cả rừng và sông, cả xã có gần 1.000 nông dân sản xuất giỏi các cấp. Trong số đó có Đại úy Trịnh Văn Quây (trong ảnh), một cựu chiến binh (CCB) chân chất, hào hiệp, hết lòng với đồng đội cũ và bà con Khmer nghèo ở địa phương.

Ông Quây kể lại câu chuyện cách đây 40 năm: Khi ấy tôi là chuyên gia phụ trách một huyện thuộc tỉnh Xvây Riêng, Cam-pu-chia. Ngày 30-12-1978, đơn vị tôi đánh vào Cửa khẩu Sóc Nì do Khmer đỏ chiếm giữ. Trong vòng bảy ngày đơn vị chúng tôi phối hợp cùng các cánh quân chủ lực khác dồn sức đánh vào giải phóng được Phnôm Pênh, đến tận năm 1989 tôi mới về nước, bởi dù Cam-pu-chia đã được giải phóng, nhưng tàn quân Pôn Pốt vẫn còn. Ban ngày là dân, nhưng đêm xuống, chúng hoạt động bí mật, tiếp tục tàn sát, chống phá. Do đó, nhiệm vụ của chúng tôi là một mặt phải xây dựng được mạng lưới gỡ địch ngầm, mặt khác phải hỗ trợ, giúp đỡ bà con xây dựng lại cuộc sống, phổ biến nhất là dạy bà con Khmer bên ấy biết chăn nuôi, trồng trọt.

Trở về đời thường, nhận thấy quê hương mình có quỹ đất dồi dào, nguồn nước ngọt quanh năm, lại có rất đông bà con Khmer sinh sống, ông Quây quyết tâm vận động 20 hộ nghèo của địa phương đến xem ông thực hiện kỹ thuật trồng dừa xiêm lùn, từ khâu đầu tiên là ươm giống cho đến khi thu hoạch dừa trái. Lúc đầu, ông trồng thử nghiệm trên mảnh đất khoảng 5.000 m2 được cải tạo từ ruộng lúa cũ. Tuy đã cẩn thận đào mương, lên liếp theo đúng kỹ thuật nhưng do nóng vội, ông “xuống giống” dừa ngay sau khi đắp đất khiến dừa gặp phèn xì lên, chết gần hết. Ông chia sẻ: “Với bà con nông dân, nhất là đồng bào Khmer, phải làm cho họ thấy, họ mới tin, rồi mới làm theo. Nếu tôi bỏ ngang, bà con cũng sẽ nản. Vì vậy, tôi ráng làm lại từ đầu…”.

Đến khi dừa đã “bén” đất rồi sinh trưởng khả quan, cho thu hoạch khá, ông Quây mở rộng thêm 1,5 ha đất liền kề, tiếp tục lên liếp, đào mương để trồng dừa với khoảng 600 gốc dừa xiêm lùn và hiện nay tất cả đều đã cho trái. Học theo ông, 10 gia đình đã bỏ trồng cây mía, mì để trồng dừa. Có hộ nghèo như Lâm Thị Thà, Cao Văn Sa, Sơn Lê Đức…, ông Quây tặng luôn dừa giống, phân bón ban đầu.

Theo Hội CCB xã Hòa Hiệp, nhờ công sức của rất nhiều CCB, nhiều đảng viên nòng cốt như ông Quây trong giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, hiến đất làm đường, vận động xây dựng nhà tình thương…, bộ mặt nông thôn mới xã biên giới Hòa Hiệp ngày càng đổi thay, đường sá thông thoáng đi lại thuận tiện. Xã có gần 100% số hộ dùng điện lưới quốc gia; 92,5% số hộ có nước hợp vệ sinh sử dụng, 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn… Nhờ đó, mà an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh nông thôn, an ninh biên giới được giữ vững.

Qua các phong trào thi đua, các CCB còn giới thiệu hàng chục quần chúng ưu tú để kết nạp Đảng, trong đó có nhiều đảng viên xuất thân từ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc Khmer. Ông Quây cũng là một trong các CCB tích cực nhất trong việc xây dựng mô hình “Phát huy vai trò đồng bào dân tộc Khmer tham gia bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp”, gắn với xây dựng nông thôn mới tại ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, hiện nay mô hình này đã nhân rộng toàn xã. Làm theo ông, nhiều bà con Khmer tại địa phương đã tích cực thực hiện việc thu gom rác thải, giữ gìn cảnh quan, trồng hoa trên các tuyến đường liên ấp, quét dọn đường làng, ngõ xóm, tự quản bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Cũng theo gương ông Quây, mỗi hộ gia đình Khmer xây nhà vệ sinh, tự “quy hoạch” gọn gàng khu chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm hợp vệ sinh…

Đang vào vụ thu hoạch dừa, khi mức giá dừa lên đến 10.000 đồng/trái, ông Quây vui vẻ cho biết, mỗi tháng, ông thu về 30 triệu đồng sau khi trừ các chi phí; riêng tháng Tết là 60 triệu đồng. Ông cho tôi xem sổ tay do ông ghi chép đâu là số tiền phải trả cho đại lý phân tro, đâu là tiền để gia đình chi tiêu mua sắm. Và một thứ không thể thiếu, đó là vài chục phần quà cho đồng đội còn khó khăn và bà con nghèo nơi đây. Theo ông Quây, dù ở đâu và lúc nào, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn được phát huy, phải lấy nhân văn, nhân cách làm trọng, góp phần vào việc bảo vệ bình yên trên toàn tuyến biên giới Tây Ninh giáp với đất bạn Cam-pu-chia.

THẮM NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/39223302-khi-nguoi-linh-tro-ve.html