Khi người lầm lỗi làm thơ và viết nhạc - Kỳ 6: Bài hát thức tỉnh những con người tội lỗi

Bị kết tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức án 19 năm 6 tháng tù, cuối năm 2017, Bùi Hồng Quảng về trại giam Tân Lập cải tạo lao động ở đội khâu bóng.

Ngoài thời gian lao động ra, những lúc rảnh rỗi hay ngày nghỉ, Quảng lại lên thư viện, tìm lại thú vui qua những trang thơ, cuốn truyện. Và những quyển nhật ký, hồi ký, những tập thơ của phạm nhân các thế hệ đã giúp Quảng quay lại với đam mê thuở nào .

Đi tìm lại chính mình

Về trại giam Tân Lập thi hành mức án 19 năm 6 tháng tù về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hơn 3 năm nay nhưng cái tên Bùi Hồng Quảng khá nổi bật. Họ biết đến Quảng không phải vì anh ta là thành phần bất hảo, nhiều tiền án, tiền sự, vào tù vẫn côn đồ hung hăng quậy phá. Cũng không phải Quảng có thành tích đột xuất, đặc biệt gì trong các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao mà “nổi tiếng” bởi bài hát “thương mẹ” trong một đêm văn nghệ ở trại giam Tân Lập. Bài hát đó do Quảng phổ nhạc còn lời thơ là của Đỗ Văn Khiêm, đang thi hành bản án chung thân về các tội giết người, cố ý gây thương tích.

“Bài hát đánh trúng tâm tư thầm kín của những con người lầm lỗi, trong lòng luôn hướng về gia đình với bao tâm tư day dứt, ăn năn hối cải. Lời thơ, tiếng nhạc như nói thay nỗi lòng họ, vì thế mà nhanh chóng được các phạm nhân đón nhận và học thuộc”, đội trưởng đội giáo dục - Trung tá Vương Văn Huynh cho biết .

Quảng nhớ lại ngày đầu bước chân lên trại cải tạo, anh ta bảo ngày mới vào đây, trong lòng không tránh khỏi mặc cảm, nhất là mỗi khi có ai đó hỏi về nghề nghiệp trước đây của mình. Để trốn tránh, Quảng chỉ biết chúi đầu vào công việc và dành thời gian rảnh để xem tivi, nghe đài hoặc dọn dẹp, vệ sinh nơi mình sinh sống. Thế nhưng, dù có làm gì cũng không lấp kín được hai ngày nghỉ cuối tuần nên Quảng lại lên thư viện và những cuốn sách, trang thơ lại có sức hút kỳ lạ đối với người đàn ông trót lầm lỡ này. “Ngày xưa tôi đam mê đọc những cuốn truyện ngắn, hay của các nhà văn Tô Hoài, Lưu Quang Vũ hay thơ của Nguyễn Du, Xuân Diệu. Nhưng bây giờ sức hút đối với tôi lại là những quyển nhật ký, hồi ký và thơ tự sáng tác của các chú, các anh, các bạn đang cải tạo cùng trại giam với tôi”, Quảng kể.

Rồi nam phạm nhân này kể ra một loạt dẫn chứng như: Cuốn hồi ký “cuộc đời tôi” của phạm nhân Lê Tuấn Bút, người Bắc Giang, nhật lý “những ngày đã qua” của phạm nhân Nguyễn Văn Thủy người Hà Nội, “thơ tình” của Trần Văn Nam người Vĩnh Phúc… Trong số này, Quảng tâm đắc nhất chính là tập thơ “góc khuất” của phạm nhân Đỗ Văn Khiêm, người Nam Định, kể trên.

Nói về cảm nhận của mình về thơ của Đỗ Văn Khiêm, Bùi Hồng Quảng đã viết trong bài dư thi của mình như thế này: “Tập thơ gồm 12 bài được viết theo thể lục bát và thể thơ mới. Lối viết gần gũi, mộc mạc, sâu sắc chất chứa tình cảm sâu nặng về người mẹ kính yêu của mình. Ngoài ra đó còn là lời ăn năn, hối lỗi muộn màng từ sâu thẳm trong lòng đứa con trai cũng vì ham mê tức thời mà vô tình làm cho mẹ buồn. “Sáng ra mẹ gánh hàng rong/Đôi chân mẹ bước trong lòng ngổn ngang/Chân đi chẳng được vững vàng/Vậy mà đâu biết mẹ đang rất buồn” ( trích bài Cho con xin lỗi). Những bài thơ của Khiêm viết về mẹ đã chạm đến trái tim tôi vì khi đọc thơ của Khiêm, tôi luôn thấy có hình bóng của mẹ mình ở trong đó”.

Bài hát Thương mẹ do Bùi Hồng Quảng phổ nhạc.

Bài hát Thương mẹ do Bùi Hồng Quảng phổ nhạc.

Và bài hát thay lời xin lỗi

Nói đến việc ra đời bài hát “thương mẹ”, Quảng cho biết: “Ngày đầu tiên biết đến tập thơ của Khiêm là những ngày cuối tháng 12- 2017, khi tôi chuyển về đội 7 cải tạo được một thời gian. Khiêm cùng đội cải tạo với tôi. Biết tôi là người yêu thơ và lúc còn ở ngoài có kiến thức về âm nhạc nên Khiêm đưa cho tôi xem tập thơ và nói: “Ông cứ xem đi rồi ông sẽ tìm thấy mình ở trong đó, nếu có bài nào ông thấy hay và tâm đắc thì phổ nhạc cho tôi nhé”. Tôi đồng ý ngay bởi câu nói đó của anh ta khiến tôi tò mò hơn bao giờ hết về tập thơ “Góc khuất” của anh ta”.

Quảng kể rằng, lúc đầu anh ta đón nhận tập thơ của Khiêm với tâm trạng tò mò nhiều hơn là thích thú. Nhưng càng đọc, Quảng càng thấy thấm thía và thương mẹ vô cùng, nhất là khi biết Khiêm còn chưa học hết lớp 9 và không có chút kiến thức gì về “niêm”, “luật” của thơ.

“Tôi thực sự ngỡ ngàng khi biết Khiêm không chỉ văn hóa lớp 9 mà còn chưa từng một ngày được học, được bổ túc kiến thức về thơ ca. Tất cả là do Khiêm tự học, tự tìm hiểu ở trong trại giam. Đến khi nghe Khiêm kể về cuộc đời của anh ta cũng như căn bệnh đang có trong người, càng làm tôi quí mến và cảm phục con người của Khiêm hơn”, Bùi Hồng Quảng tâm sự.

Những vần thơ tươi trẻ của người bạn cùng đội cải tạo như khiến Quảng thức tỉnh. Quảng bảo, anh ta đã xúc động thực sự khi cảm nhận được những khắc khoải, tiếc nuối cuộc đời và cả những nhớ mong, hối hận của một người con trai dành cho mẹ kính yêu. “Những bài thơ về mẹ của Đỗ Văn Khiêm không chỉ là lời sám hối mà còn là lời nhắn nhủ, lời cảnh tỉnh với tất cả những ai còn đang mải mê lao vào những thú vui vô bổ để rồi sa chân vào vòng lao lý lúc nào không hay, làm cho cha mẹ, người thân của mình phải đau khổ. Đáng nhẽ ra ở tuổi này cả tôi và Khiêm cũng như bao người khác nữa phải ở bên cạnh mẹ cha, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Vậy mà chúng tôi lại chôn chân ở đây để mẹ già phải lặn lội đường xa tới thăm, quả là một điều nghịch lý và xót xa vô cùng”, Quảng tâm sự.

Theo lời Quảng thì chính sự đồng cảm trong suy nghĩ đã là động lực để anh ta sớm thực hiện lời hứa của mình với Khiêm rằng “sẽ phổ nhạc bài thơ nào mà thấy tâm đắc nhất”.

Và thế là bằng chút kiến thức âm nhạc được tích lũy trong thời gian theo học ở trường cùng với sự đam mê và yêu thơ, Quảng đã viết lên ca khúc “thương mẹ”. “Cuộc đời tôi cũng có những bước thăng trầm, vấp ngã như Khiêm. Nhưng khi biết về cuộc đời Khiêm, tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều. Bố mẹ đã cho tôi rất nhiều, hy sinh cho tôi không một lời than vãn trong khi tôi chẳng đem lại gì cho bố mẹ ngoài những tai tiếng và đau khổ”, Quảng bộc bạch.

Sau khi bài hát ra đời, không chỉ được các phạm nhân cùng đội đón nhận mà nó còn đến với các phạm nhân khác. Sự tương đồng về hoàn cảnh và cả những tâm tư suy nghĩ của người con lầm lỗi trong bài hát thương mẹ đã trở thành niềm an ủi, động lực cho tất cả các phạm nhân đang cải tạo ở trại giam Tân Lập. Quảng bảo hôm trình diễn văn nghệ, Quảng vừa đánh đàn vừa hát cùng với đội văn nghệ và anh ta nhìn thấy rất nhiều phạm nhân dưới hội trường đưa tay lau nước mắt. Họ cũng xúc động giống như Quảng, khi lần đầu hoàn thiện bài hát. “Cuộc đời tôi có những thăng trầm và vấp ngã. Tôi từng có rất nhiều thứ nhưng lại tự mình hủy hoại tất cả. Giờ đây tôi chỉ mong hai chữ bình yên đến với bố mẹ, vợ con mình để tôi yên tâm cải tạo”, Quảng chia sẻ tâm tư.

Được biết, Quảng còn sáng tác một bài hát nói về Bác Hồ kính yêu. Bài hát được viết trong số báo tường nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác nên đặc biệt được mọi người chú ý. Nói về điều này, Quảng cho biết sau những gì đã xảy ra và những cảm nhận về con người xung quanh, anh ta đã xác định được con đường mình phải trải qua nên sẽ phấn đấu cải tạo tốt và sẽ tiếp tục sáng tác nhiều bài hát nữa và coi đó là động lực để tiếp tục vững bước trên con đường tìm lại chính mình.

(Còn nữa)

Hà My - Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khi-nguoi-lam-loi-lam-tho-va-viet-nhac-ky-6-bai-hat-thuc-tinh-nhung-con-nguoi-toi-loi-190848.html