Khi người lầm lỗi làm thơ và viết nhạc - Kỳ 4: 'Thơ ca là hơi thở, là cuộc sống của tôi'

Đó là lời tâm sự rất thật của Khiêm khi nói về công việc hiện tại của mình bây giờ trong những giờ rảnh rỗi sau khi đi lao động về. Khiêm bảo anh ta thích làm thơ và bất cứ cái gì đập vào mắt cũng là nguồn cảm hứng để làm thơ. Có những tứ thơ xuất hiện trong đầu khi Khiêm đang ngủ và hai năm trở lại đây, Khiêm có ý tưởng viết những cái dài hơi hơn như xã luận, bình luận và truyện ngắn.

Tiến bộ nhờ được khơi nguồn cảm hứng

Nhắc đến phạm nhân Khiêm, Trung tá Vương Thế Huynh, Đội trưởng đội giáo dục trại giam Tân Lập bảo rằng nếu chỉ nhìn bây giờ mà ngược lại thời gian mấy năm trước, chẳng ai nghĩ con người thích làm thơ, viết bình luận bây giờ lại chính là phạm nhân ngày xưa mà chỉ cần nhắc đến tên thôi, cán bộ nào ở trại giam Hồng Ca cũng thấy ngán ngẩm. “Trước đây, Khiêm là phạm nhân cá biệt ở trại giam Hồng Ca, do thường xuyên đánh bạn tù và chửi cán bộ nên phải chuyển nơi cải tạo. Khi về đây, qua những lần gọi lên giáo dục, thấy anh ta hay triết lý nên tôi đã chủ động cho anh ta mượn mấy cuốn sách để đọc. Mặc dù trình độ văn hóa chưa tốt nghiệp cấp hai nhưng Khiêm tỏ ra rất chăm đọc sách và những cuốn sách đã rút ngắn khoảng cách giữa cán bộ quản giáo với phạm nhân này. Khiêm đã mạnh dạn đề đạt ý tưởng của mình về việc làm thơ. Tôi khuyến khích mà không ngờ anh ta làm được. Kể từ đó làm được bài thơ nào, anh ta cũng khoe với tôi, còn say sưa đọc những câu mà anh ta tâm đắc nhất. Những khi ấy tôi lại bảo Khiêm bây giờ nhiều chữ rồi. Anh ta lại cười. Nhìn gương mặt rạng rỡ của anh ta lúc ấy chẳng ai nghĩ vẫn con người này, mấy năm trước là một phạm nhân cá biệt”, anh Huynh kể.

Còn Khiêm thì bộc bạch với chúng tôi về sự thay đổi của mình là do được cán bộ trại tin tưởng, cho lao động ở đội văn hóa và chính những công việc như làm báo tường, viết bản tin và tham gia các cuộc thi viết do trại giam tổ chức đã khơi nguồn cảm hứng cho anh ta. Khiêm cho biết ngoài làm thơ, viết các bài dự thi, anh ta còn viết truyện nữa.

Là phạm nhân ngang bướng, chuyển trại giam vì thường xuyên đánh bạn tù nên khi về trại giam Tân Lập, Khiêm trong mắt mọi người là một kẻ phải dè chừng. Ngay bản thân Khiêm cũng nghĩ mình là người bỏ đi, không thể sửa chữa được. Thế nhưng chính cán bộ giáo dục là người đã đánh thức chút lương thiện trong con người Khiêm. Trong một lần nghe anh ta tâm sự rằng rất thích chuyện trinh thám, người cán bộ này (trung tá Vương Thế Huynh, đội trưởng đội giáo dục trại giam Tân Lập-PV) đã cho Khiêm mượn hai cuốn “cổ học tinh hoa” khiến anh ta vô cùng ngạc nhiên. “Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy cán bộ đưa cho tôi 2 cuốn sách đó. Tôi nhận với thái độ miễn cưỡng nên nghĩ mình sẽ đọc nó để giết thời gian nhưng càng đọc càng thấy hay và tôi phải cảm ơn anh vì cuốn sách đó đã làm tôi thay đổi”, Khiêm kể.

Bài viết của phạm nhân Đỗ Văn Khiêm trên báo tường của phân trại. Ảnh: N.Vũ

Bài viết của phạm nhân Đỗ Văn Khiêm trên báo tường của phân trại. Ảnh: N.Vũ

“Thơ như hơi thở, cuộc sống của tôi”

Nhớ lại tác phẩm đầu tay của mình, Đỗ Văn Khiêm cho biết đó là một bài thơ 4 câu, ra đời sau khi anh ta chuyển về trại giam Tân Lập được 6 tháng. Thời điểm đó Khiêm đã đi lao động rồi nhưng được cán bộ Huynh khuyến khích tham gia vào một cuộc thi làm báo tường do trại giam Tân Lập tổ chức cho tất cả các phạm nhân đang cải tạo ở các phân trại. Theo sự gợi ý của cán bộ Huynh, những ngày nghỉ, Khiêm lại lên thư viện mượn sách về để đọc tranh thủ vào khoảng thời gian rảnh sau khi đi lao động về. Khiêm bảo ngày đó mục đích đọc sách để có thêm kiến thức, có thêm vốn từ ngữ để viết bài báo tường chứ chưa hề có ý định để làm thơ.

Theo lời kể của Khiêm thì việc viết văn, làm thơ đến với anh ta rất tình cờ. Đó là một buổi chiều lên thư viện, Khiêm thấy một cuốn truyện rất hay và anh ta cứ mải miết đọc cho đến hết. Trở về buồng giam rồi mà nội dung câu chuyện cứ khiến đầu óc Khiêm cứ vương vấn mãi. “Tức cảnh sinh tình”, Khiêm bật lên 4 câu thơ và kể từ đó, chuyện sáng tác thơ với Khiêm cứ nhẹ nhàng như hơi thở. “Có đêm đang ngủ, em bật dậy vì những ý thơ cứ từ đâu xuất hiện trong đầu. Một lần, hai lần rồi nhiều hơn nữa, em không nhớ hết nhưng đến nay thì em cũng sáng tác được khoảng 100 bài thơ rồi”, Khiêm kể.

Hỏi anh ta động cơ nào cho cảm hứng làm thơ, Khiêm cười hồn nhiên: “Là do môi trường cải tạo. Cán bộ không phân biệt mà còn cho tôi tự chọn nơi cải tạo. Khi tôi bảo thích làm thơ, cán bộ Huynh còn cho tôi giấy bút, bảo tôi nghĩ gì cứ viết ra, cán bộ sẽ sửa cho, đừng ngại. Thế là tôi viết”, Khiêm kể. Anh ta cũng thừa nhận là qua những lần trò chuyện với cán bộ Huynh, Khiêm nhận thức được cái sai của mình và biết xấu hổ mỗi khi bị nhắc đến tên trong các buổi họp đội, bình xét thi đua.

Những triết lý cuộc sống, lời phân tích trong cuốn sách đã giúp Khiêm vỡ vạc rất nhiều điều và khi được động viên tham gia cuộc thi cảm nhận sách, Khiêm đã không ngần ngại bày tỏ những suy nghĩ, cảm nhận của mình về hai cuốn sách vừa đọc. Khiêm bảo từ khi đọc sách, làm thơ, Khiêm thấy yêu cuộc sống này hơn. Và những cảm nhận về cuộc sống của những con người tội lỗi, những tâm sự về lầm lỗi của mình cứ thế được Khiêm bày tỏ qua những vần thơ, được đăng tải lên những trang báo tường của trại.

Trong cuộc thi viết tìm hiểu về tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Người do Cục quản lý trại giam phát động, Khiêm đã viết một bài dài 15 trang và được ban tổ chức trại giam Tân Lập đánh giá là bài viết xuất sắc. Còn Trung tá Huynh thì khi đọc bài viết của Khiêm mới nói đùa anh ta rằng “nhiều chữ hơn cán bộ”. Khiêm bảo đó là lời động viên của cán bộ khích lệ anh ta rất nhiều khi nảy sinh ý định viết truyện. “Tôi đã viết được 2 cuốn truyện ngắn và uyện nào cũng được các bạn tù đón nhận. Họ cổ vũ tôi bằng những câu khen ngợi khiến tôi rất hạnh phúc”, Đỗ Văn Khiêm hồ hởi khoe.

Anh ta cho biết mấy năm nay luôn được xếp loại khá và chính điều đó càng khiến anh ta tự tin về bản thân. Khiêm bảo sự tin tưởng của cán bộ đã giúp anh ta lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống và cảm thấy phải sống có trách nhiệm với bản thân mình hơn. “Nghĩ lại thời gian 5 năm trước đây mà tiếc. Chỉ vì giận hờn vô cớ mà em liên tiếp bị kỷ luật. Nhưng đó cũng là bài học để em nhìn lại bản thân mà nỗ lực phấn đấu”, Khiêm bày tỏ khi chia tay chúng tôi.

Anh ta khoe có một bài thơ được phổ nhạc và được các bạn tù hào hứng đón nhận. Đó là niềm cổ vũ vô bờ bến đối với một kẻ quậy phá ngày nào giờ đã biết quay đầu hướng thiện. Song với chúng tôi, đó là một điều vô cùng bất ngờ và thú vị bởi người phổ nhạc bài thơ đó cũng là một phạm nhân đang cải tạo cùng trại giam với Đỗ Văn Khiêm...

(Còn nữa)

Hà My – Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khi-nguoi-lam-loi-lam-tho-va-viet-nhac-ky-4-tho-ca-la-hoi-tho-la-cuoc-song-cua-toi-190104.html