Khi người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM) hiệu quả, bền vững là khi tự thân người nông dân đã làm chủ nông thôn, vững vàng bằng chính đôi bàn tay, khối óc của mình. Xuyên suốt quá trình 10 năm xây dựng NTM, Quảng Ninh luôn dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy vai trò của cộng đồng, quán triệt sâu sắc nguyên tắc 'Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng'.

Sự tham gia của người dân vào việc xây dựng NTM được coi như nhân tố quan trọng, bởi khi tham gia vào quá trình xây dựng NTM với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân tại các cộng đồng dân cư nông thôn sẽ từng bước được tăng cường đổi mới trong chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân vào sản xuất nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài.

Thực hiện chương trình NTM cùng các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân đã thực sự tạo chuyển biến lớn đến tư duy trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều hộ nông dân trước kia có mức thu nhập mới chỉ dừng lại vài chục triệu đồng trên năm, thì nay có không ít hộ nông dân đã có số thu từ ruộng vườn, chăn nuôi lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Từ hỗ trợ chương trình phát triển kinh tế trong xây dựng NTM, nhiều hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh vươn lên làm giàu. Ảnh: thu hoạch keo của người dân xã Nam Sơn, Ba Chẽ.

Từ hỗ trợ chương trình phát triển kinh tế trong xây dựng NTM, nhiều hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh vươn lên làm giàu. Ảnh: thu hoạch keo của người dân xã Nam Sơn, Ba Chẽ.

Tân Dân là xã vùng sâu, vùng xa của TP Hạ Long, với 90% dân số là người Dao, Sán Chỉ. Nhiều năm về trước, Tân Dân được biết đến là nơi “thâm sơn, cùng cốc”, đặc biệt khó khăn do kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. Thông qua các chương trình xây dựng NTM cũng như việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, nơi đây đã xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán lá rừng, mô hình trồng nấm linh chi, mô hình chăn nuôi gà thả vườn... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình bà Triệu Thị Liên, ở thôn Bằng Anh. Năm 2016, cùng với nhiều hộ dân khác ở trong thôn, gia đình bà Liên được xã hỗ trợ 50 con gà giống và được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gà do cơ quan thú y tổ chức. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay gia đình thường xuyên có khoảng 3.000 con gà thương phẩm các loại... Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà Liên thu về hơn 300 triệu đồng từ chăn nuôi gà. Từ một hộ nghèo, bà Liên đã vươn lên trở thành hộ giàu trong xã.

Hay như, trong quá trình xây dựng NTM ở Tiên Yên, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, đối với những tiêu chí, chỉ tiêu nào trực tiếp tác động đến việc sản xuất canh tác của người dân, huyện Tiên Yên dành mọi nguồn lực tập trung để hoàn thành. Ngay từ năm 2015, huyện Tiên Yên xây dựng và triển khai Đề án Phát triển đàn gà Tiên Yên, nuôi tôm thẻ chân trắng và trồng cây dược liệu (gọi tắt là Đề án “2 con, 1 cây”). Theo đó, tùy thế mạnh của từng địa bàn, huyện chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, quan tâm hỗ trợ với những xã còn nằm trong diện 135, hỗ trợ 100% tiền mua con giống, thường xuyên tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, canh tác.

Tuyến đường đẹp ở xã Đông Ngũ.

Đồng thời, qua triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, MTTQ và các đoàn thể tỉnh đóng vai trò tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động khơi dậy và phát huy sự đóng góp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng, giám sát thực hiện Chương trình theo hướng lựa chọn phụ trách nội dung, lĩnh vực, mô hình cụ thể, thiết thực, trên cơ sở đó tập trung chỉ đạo theo chiều sâu: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào thi đua “dân vận khéo”, gắn với xây dựng vườn mẫu, “xây dựng gia đình văn hóa”, “đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”; và các phong trào riêng đặc thù của từng đoàn thể khác. Giai đoạn 2010-2019, nguồn lực xã hội hóa cho xây dựng NTM các doanh nghiệp, người dân trong tỉnh đã đóng góp trên 17.700 tỷ đồng, trong đó người dân đã góp gần 236.000 ngày công lao động, bàn giao gần 122ha đất các loại, cùng nhiều vật kiến trúc, cây cối, rau màu liên quan. Nhờ đó, 100% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% hệ thống thủy lợi đảm bảo đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ...

Xây dựng NTM là biện pháp tổng hợp để phát triển nông thôn, sự tham gia của người dân và cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Việc xây dựng NTM giải quyết tốt những khó khăn bức xúc của người dân trong sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của họ. Nhất là, trong nhiều cách làm mới của Quảng Ninh, thu nhập của người nông dân chắc chắn sẽ từng ngày khởi sắc. Sự hỗ trợ từ nhà nước giờ đây không còn là con cá, mà là cái cần câu cá. Với cách làm đó, về căn bản người nông dân bước đầu đã có một tư duy mới về phát triển kinh tế hộ gia đình. Bằng chứng đó cho thấy, ngoài những hộ nông dân ở các địa phương có điều kiện thuận lợi ngày một giàu lên, thì ngày càng nhiều hộ dân ở những địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc sinh sống cũng đã có mức thu nhập, mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng.

Trung Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202009/khi-nguoi-dan-la-chu-the-xay-dung-nong-thon-moi-2498092/