Khi người dân đồng lòng

Là một xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của TP Hạ Long, Tân Dân còn gặp khó khăn bởi điều kiện đi lại, sản xuất, trình độ dân trí... Thời gian qua, người dân xã đã đồng lòng xây dựng Tân Dân ngày một phát triển.

Anh Triệu Tiến Trìu (thôn Bằng Anh 2, xã Tân Dân, TP Hạ Long) thu hoạch lá cây khôi tía (một loại cây dược liệu).

Ông Lý Tài Thông (thôn Bằng Anh 2) cho biết: Diện tích xã chủ yếu là đồi, núi, đất nông nghiệp không nhiều, nên xã thường hướng dẫn bà con những mô hình phát triển kinh tế phù hợp, như trồng cây mía, dứa, dưa; nuôi dê, nuôi nhím, ong... để cung cấp cho thị trường.

Ngoài trồng lúa, ngô, năm 2020, Tân Dân còn có hơn 34ha cây mía, dứa, rau, củ các loại... Hiện các hộ nuôi khoảng 40 con nhím, 70 con dê, trên 240 đàn ong mật, hơn 18.500 con gia cầm, nhiều trâu, bò, lợn... Ước tính thu nhập từ nông nghiệp của xã khoảng 9.918 triệu đồng.

Cùng với đó, bà con làm tốt công tác bảo vệ rừng phòng hộ, phát huy hiệu quả của rừng sản xuất, bằng cách trồng cây thuốc nam, cây keo, tre măng... Điển hình trong trồng cây dược liệu phải kể đến hộ anh Triệu Tiến Trìu ở thôn Bằng Anh 2. Anh trồng cây khôi tía, ba kích, trà hoa vàng, cho thu nhập ổn định. Có khá nhiều hộ trong xã đầu tư trồng cây dược liệu, trong đó 10 hộ có diện tích trồng lớn. Năm 2020, thu từ cây dược liệu thuốc nam của xã gần 1,4 tỷ đồng.

Nhân dân thôn Tân Lập (xã Tân Dân) sôi nổi tham gia phong trào "Ngày chủ nhật xanh". Ảnh: Hoàng Quỳnh.

Nhân dân thôn Tân Lập (xã Tân Dân) sôi nổi tham gia phong trào "Ngày chủ nhật xanh". Ảnh: Hoàng Quỳnh.

Người dân nơi đây còn phát triển các dịch vụ nhỏ lẻ: Xây dựng; xay sát; sửa chữa xe máy, máy móc nông cụ..., giải quyết tốt việc làm của con em trong xã. Hầu hết người trong độ tuổi lao động của xã còn làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn, như: Công ty Samsung, công ty gốm, công ty may, công ty than...

Người dân chú trọng đến vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới, đóng góp kinh phí thu gom rác thải. Hằng ngày, Công ty CP Phát triển công nghệ môi trường đến xã thu gom rác thải sinh hoạt. Người dân vì thế ngày càng ý thức hơn, không vứt rác bừa bãi ra đường; rác thải trong trồng trọt, chăn nuôi được xử lý tốt, tránh ô nhiễm môi trường.

Các thôn đều duy trì tốt việc dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa... vào chủ nhật hằng tuần. Các tuyến đường khu dân cư đều được bê tông hóa, dọn dẹp sạch sẽ. Cả 8 thôn đều tham gia thi tuyến đường kiểu mẫu tiêu biểu cấp xã, trong đó 1 tuyến đường đoạt giải 3 cấp thành phố.

Ông Lý Tài Thông, thôn Bằng Anh (xã Tân Dân) chăm sóc vườn cây đàn hương của gia đình.

Người dân góp tiền của, công sức xây dựng các công trình, như mương máng, đường giao thông... Năm 2020, cùng với hơn 1,856 tỷ đồng vốn của Nhà nước, nhân dân xã đóng góp gần 290 triệu đồng để lắp đặt ống thủy lợi kênh Bằng Anh, bổ sung xây dựng kênh và van xả kênh Bằng Anh, cống giao thông Khe Phất, xây dựng một số đường giao thông ngõ xóm...

Nhờ kinh tế phát triển, giao thông đi lại thuận lợi hơn, đời sống của người dân xã ngày một nâng cao. Các thôn, xóm thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, như: Thi tiếng hát khu dân cư, bóng đá, kéo co, đẩy gậy, cầu lông... Trong số 672 hộ dân có 86,4% số hộ đạt gia đình văn hóa; cả 8 thôn đều đạt thôn văn hóa...

Năm 2021, xã tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa; tích cực tìm thị trường tiêu thụ các sản phẩm địa phương; phát huy tinh thần tự chủ, tự nguyện và bằng nội lực của người dân cùng với sự đầu tư của Nhà nước tiếp tục xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202101/tan-dan-khi-nguoi-dan-dong-long-2516378/