Khi người dân cù lao bỏ mía

Từng được xem là vùng mía nổi tiếng ở miền Tây nhưng giờ đây khi nhắc đến cây mía, người dân Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) đều ngán ngẩm. Dường như cây mía đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình...

Chia tay cây mía

Sau nhiều năm gắn bó anh Trần Hiệp Thanh quyết từ bỏ cây mía sang trồng cây ăn trái.

Sau nhiều năm gắn bó anh Trần Hiệp Thanh quyết từ bỏ cây mía sang trồng cây ăn trái.

Suốt 3 năm liên tiếp giá mía lao dốc, trên các cánh đồng tại Cù Lao Dung những ngày giữa tháng 2 đìu hiu vắng vẻ. Những ruộng mía lưu gốc héo úa làm nhiều người hiểu lầm vì ảnh hưởng của xâm nhập mặn nhưng với dân xứ cù lao, chuyện không đơn giản như vậy. Anh Trần Hiệp Thanh, ở thị trấn Cù Lao Dung, tâm sự: “Cù lao bốn bề sông nước lại gần cửa biển thì xâm nhập mặn diễn ra hằng năm nên không gì lo lắng bằng chuyện sinh kế…”.

Nhắc đến sinh kế, anh Thanh ngậm ngùi. Theo anh, bây giờ nông dân phải thức thời, phải sản xuất những gì thị trường cần chứ không phải cái mình có. Và mía là một ví dụ. Gia đình anh có hơn 20 năm trồng mía. Từ nhỏ anh đã gắn bó với cây mía và nó từng giúp gia đình anh có cuộc sống sung túc. “Hơn 10 năm trước, nhờ cây mía mà gia đình tôi mua thêm đất, cất được nhà. Vậy mà mấy năm nay, biết bao khó khăn với cây mía, giờ đến lúc phải chia tay thật sự thì mới khá lên được” - anh Thanh chia sẻ.
Những ruộng mía vàng úa trên Cù Lao Dung bây giờ là phần còn sót lại của những vụ mía thất bát vì giá cả. “Hai năm nay, đâu còn ai trồng mới, có chăng cũng chỉ một ít mía bán lấy nước uống. Còn mấy ruộng này, bà con lưu gốc mong kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy. Một héc-ta đất của gia đình đang được tôi chuyển qua trồng nhãn. Để lấy ngắn nuôi dài, tôi trồng xen hoa màu đợi khoảng 3 năm nhãn có trái là thu nhập ổn định” - anh Thanh nói.

Gần đó, anh Trần Văn Phục cũng quyết “đoạn tuyệt” với cây mía. Một kế hoạch phát triển kinh tế gia đình không liên quan đến cây mía được anh vạch ra khá chi tiết. Để làm được điều đó, anh đã đi khắp nơi học hỏi tìm các giống cây mới phù hợp với đất cù lao, không gặp cảnh dội chợ để trồng thử nghiệm. Sau thời gian đi tìm hiểu, cây nhãn Ido được anh chọn đưa về xứ cù lao.

Anh Phục kể: “8 năm trước, tôi đã nhận thấy cây mía không thể trụ lâu trên đất cồn nên phải tìm kiếm cây trồng mới. Ở cồn, bà con từng trồng nhãn long, tiêu da bò nhưng các giống trước đây hay dịch bệnh, có vụ phải mất trắng, còn các cây khác lại không phù hợp lắm. Khi đi khắp nơi trao đổi, học hỏi, tôi quyết định đưa cây nhãn Ido về thử nghiệm. Sau 3 năm, vườn nhãn của tôi đã cho huê lợi, bây giờ thì có thu nhập ổn định từ 400-500 triệu đồng/héc-ta”.

Anh Trần Văn Phục trồng thành công cây nhãn Ido đã mở ra triển vọng mới trong phát triển vườn cây ăn trái trên Cù Lao Dung.

Tổ chức lại sản xuất

Trao đổi về chiến lược phát triển kinh tế của Cù Lao Dung trong tương lai, ông Võ Thanh Quang, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Hiện trên địa bàn huyện còn khoảng 3.500ha mía; trong đó, khoảng 1.000ha mía nguyên liệu, khoảng 2.500ha mía nước. Tuy nhiên theo ông Quang, cây mía đã hết vai trò lịch sử, giờ phải nhường chỗ cho các loại cây trồng khác phù hợp hơn. “Huyện đã có chủ trương không giữ cây mía, bởi đất trên cù lao tốt, phù hợp với việc trồng cây ăn trái, nên chuyển toàn bộ diện tích này qua trồng cây ăn trái, như: nhãn ido, xoài cát chu, dừa dứa, ổi nữ hoàng, chanh dây” - ông Quang nói.

Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường
Ngày 18-2, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Nhà nước thì quyết tâm và có những giải pháp ủng hộ, nhưng Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường, mà yêu cầu ngành mía đường phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Thủ tướng cũng lưu ý một số thách thức lớn như nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, điều đó càng đòi hỏi việc sản xuất phải gắn kết với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn ở vùng nguyên liệu. Thách thức nữa là tình trạng gian lận thương mại, tình trạng nhập khẩu đường thô, đường lỏng. Đặc biệt, tái cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tổ chức sản xuất chưa thành công ở ngành mía đường. Các công ty, nhà máy đường hiện có phải tổ chức sắp xếp lại, cương quyết dẹp bỏ những nhà máy năng suất thấp, công nghệ lạc hậu, chỉ làm mỗi sản phẩm đường mà không có sản phẩm sau đường phong phú, đa dạng, phù hợp với thị trường. Chúng ta cần có một số nhà máy then chốt, năng suất cao, vùng mía tập trung ở một số khu vực. Hiệp hội Mía đường cũng như ngành nông nghiệp phải lo chuyển đổi để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, quyền lợi của nhà máy.

Hàng chục năm gắn bó với cây mía nên việc từ bỏ không phải dễ dàng. Tuy nhiên chính sự khó khăn của cây mía thời gian qua đã góp phần tác động để nông dân và chính quyền trên cù lao thật sự quyết tâm bỏ mía. Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, cho biết: Đến cuối năm 2019, huyện đã thực hiện chuyển đổi hơn 3.131ha đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng nhãn Ido, xoài, bưởi da xanh, rau màu và nuôi thủy sản. Để giải quyết “bài toán cây mía” cho các xã, đồng thời thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện tiếp tục giảm diện tích mía, chuyển sang trồng cây ăn trái theo hướng tập trung gắn với phát triển các hợp tác xã để hình thành các vùng trồng liên kết với các công ty xuất khẩu.

“Hiệu quả trước mắt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian qua là sự thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mang tính bền vững, sản xuất sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường, như: các vùng trồng gắn với mã số vùng trồng đối với xoài cát chu, nhãn ido, xoài Đài Loan; mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên xoài, nhãn, rau màu, thủy sản. Việc tái cơ cấu nông nghiệp góp phần nâng giá trị trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp từ 120 triệu đồng/năm (2015) lên 145 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên 41 triệu đồng/người/năm” - ông Đắc nói.

Như vậy, chiến lược chia tay cây mía đã từng bước được triển khai từ các ngành, các cấp cho đến bà con nông dân ở Cù Lao Dung. Riêng với những nông dân như anh Phục, anh Thanh, họ cũng có những bước chuẩn bị khá chu đáo cho khoảng thời gian tới, khi không còn dựa vào cây mía. “Chúng tôi đã thành lập Hợp tác xã nhãn Ido Cù Lao Dung gồm 42 thành viên, với 80ha. Ngoài ra, tôi cũng thành lập Công ty TNHH MTV nông sản Ngọc Đỉnh để tiện hợp tác làm ăn, nhất là ký hợp đồng khi mua bán nông sản. Khi đó, sau khi ký kết với đối tác xong, công ty của tôi sẽ mua lại sản phẩm của hợp tác xã để cung ứng. Có như thế, trái cây của hợp tác xã làm ra không còn phải lo đầu ra”- anh Phục nói.

Còn theo ông Võ Thanh Quang, Bí thư Huyện ủy, hiện trên địa bàn huyện có 12 hợp tác xã, đây sẽ là những tổ chức đi đầu để tổ chức lại sản xuất. Bên cạnh đó, ngành chức năng sẽ xây dựng thêm nhiều mô hình điểm để khi bà con thấy hiệu quả làm theo. Đặc biệt, đối với những hộ có diện tích nhỏ lẻ phải vận động thành lập tổ hợp tác trồng cây ăn trái. Mỗi tổ hợp tác diện tích ít nhất phải từ 6ha trở lên để được hỗ trợ giống, vốn, xây dựng hệ thống tưới tự động cũng như dễ dàng trong cấp mã số vùng trồng, thuận lợi cho xuất khẩu trong tương lai. “Những năm tới, Cù Lao Dung đặc biệt đẩy mạnh phát triển du lịch trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Và những vườn cây ăn trái xum xuê là tiền đề quan trọng để hình thành một cù lao xanh thu hút du khách”- ông Quang nói.

Bài, ảnh: Bình Nguyên

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/khi-nguoi-dan-cu-lao-bo-mia-a118507.html