Khi người câm điếc 'nói' bằng tranh

Cuộc sống với họ tồn tại chỉ bằng hình ảnh. Âm thanh thinh lặng và tối đen đôi khi kéo họ về vô cực. Và họ vẽ như dốc hết mớ âm thanh ngổn ngang và khổng lồ nhét kín trong tâm tưởng, phác lên một thế giới rộn ràng, ngập tiếng cười hiển hiện trên khuôn miệng, ánh mắt mọi người.

“Âm thanh hội họa” là cái tên do thầy cô – các họa sĩ CLB Mekong Art, Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh - đặt cho triển lãm của những học trò câm điếc diễn ra vào cuối tháng 9. Hơn 100 bức tranh được trưng bày trang trọng ở đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1. Khỏi phải nói đám học trò ấy vui như thế nào. Lần đầu tiên tranh của họ được công chúng thưởng lãm và đặt mua. Lần đầu tiên họ kiếm tiền bằng khối óc trí tuệ, bằng lao động nghệ thuật....

Mùa xuân, dạo chơi ở công viên, họa sĩ Văn Y – Phó chủ nhiệm CLB Mekong Art thấy một nhóm tầm ba, bốn người câm điếc huơ tay theo điệu nhạc ghi âm sẵn, phía trước đặt chiếc thùng rỗng. Nắng mưa gì ông cũng thấy nhóm ấy lê la trên hè phố. Họ đi ăn xin. Ngày ngày, tháng tháng, họ qua hết đường phố này, vỉa hè kia để mong người đời rủ lòng thương. Trước đây, họ cũng hăm hở xin làm bảo vệ, bưng phở, bán vé số, phụ hồ… Nghề tay chân vất vả nào cũng không từ. Nhưng dăm bữa nửa tháng, chủ cho nghỉ. Vì câm điếc nên chủ hoặc khách gọi, họ không nghe, phải khều khều tay thì mới biết. Mà nhìn sơ sơ, người câm điếc trông như người bình thường nên lắm khi khách không hiểu thì phát cáu, sinh sự. Vậy là bị đuổi.

Câu chuyện buồn của đôi mắt ngơ ngác thị thành theo ông về đến nhà. Nằm gác tay trên trán, họa sĩ Văn Y quyết định đưa họ về xưởng vẽ CLB Mekong Art nằm trên đường Nguyễn Kiệm để dạy học. Ông mong nét cọ trở thành cần câu cơm cho họ. Và hơn hết giúp họ tìm thấy niềm đam mê vui sống. Bởi nghệ thuật cứu rỗi mọi nỗi đau đời. Hội họa là nơi thể hiện rõ nhất cõi lòng một con người. Ông muốn nghe họ “nói” bằng sắc màu, muốn hiểu những con người chịu nhiều thiệt thòi, khiếm khuyết.

Lớp dạy vẽ miễn phí này bắt đầu từ tháng 5-2017. Các học viên học vào thứ 7 hằng tuần. Cùng với ông, các họa sĩ trong CLB như Bích Ngân, Mộc An, Đoàn Thành, Nguyễn Lộc… thay nhau đứng lớp. Lúc đầu lớp chỉ có bốn học viên. Đến nay, số học viên đã tăng lên 16 người bao gồm đủ mọi lứa tuổi già trẻ, đa số đều nghỉ học khi mới hết lớp 3, lớp 4. Hoàn cảnh ai cũng nghèo nên tất tần tật chi phí mua cọ, vải bố khung, màu, cơm trưa..., họa sĩ Văn Y và các thầy cô phải bỏ tiền túi trang trải.

Giờ học vẽ của các học viên khiếm thính.

Ngày đầu tiên đứng lớp, họa sĩ Văn Y cho học trò tha hồ vẽ bất cứ điều gì mình nghĩ trong đầu. Có người vung vãi màu sắc như một cuộc nổi loạn của cái tôi. Nghe như có tiếng hét chói tai từ bức tranh. Có người giận dữ tấp những màu sắc u tối, hậm hực.

Đó là tâm hồn bị đè nén, ức chế trong ngần ấy năm không thể nói. Có người phết những vệt bảng lảng, buồn rũ rượi như nhìn về tương lai mịt mờ... Văn Y quan sát tất cả và mặc cho họ tung hoành. Đến buổi học thứ hai, ông mới bắt đầu giảng giải cho học viên. Rằng em không nên vẽ những màu sắc u tối thế này, nó chỉ khiến con người ta buồn phiền. Em hãy thử vẽ những cảnh vật tươi sáng hơn. Rằng vẽ như thế này chưa đẹp cần thêm chút màu sắc này, pha màu kia...

Giữa lớp học có một cái bảng nhỏ, mọi lời giảng ông đều viết lên đó. Thủ ngữ chưa rành nên ông phải cầu cứu đến cái bảng mới hướng dẫn được cho đám học trò đặc biệt này.

Đôi khi Văn Y nghĩ mình cũng liều khi dạy vẽ cho người câm. Bởi ông biết trước đó có không ít người mở lớp nhưng thất bại. Một nữ họa sĩ dạy người khiếm thính như dạy cho học viên bình thường. Tức là cô cũng dạy kỹ thuật, cách tạo khối, vẽ cơ bản bằng chì, vẽ tĩnh vật, chân dung... trước khi cho họ vẽ tự do. Nhưng nét chì đơn điệu khiến học viên nhanh nản. Cộng với việc giao tiếp khó khăn, nội dung truyền đạt không được bao nhiêu, vậy là lớp giải tán.

Rút kinh nghiệm, họa sĩ Văn Y không dạy lý thuyết cơ bản, cũng không cho họ vẽ chì mà dùng vô vàn màu sắc tươi vui. Ông cho họ vẽ thỏa thích, thích gì vẽ đó chứ không đóng khung trong một đề tài, nội dung, thể loại. Khi học trò vẽ xong, vẽ sai cũng được, ông sẽ góp ý cho từng bức, cách điều chỉnh lại màu sắc, hình khối, bố cục để nâng cao chất lượng bức tranh chứ không can thiệp nội dung, đề tài. Cách làm này giúp lớp học cho ra đời rất nhiều tác phẩm độc đáo, ngộ nghĩnh.

Học đâu chừng hai tháng, ai nấy bắt đầu ỉu xìu vì bí đề tài. Nhìn quanh trong xưởng đều thấy cũ kỹ và ngột ngạt nên các bạn chẳng ai mấy hứng thú vẽ vời. Thấy vậy, các thầy cô tổ chức chuyến dã ngoại về Khu du lịch sinh thái Cao Minh, Đồng Nai. Chính chuyến đi đó đánh thức bản năng nghệ sĩ của họ. Họ như được tháo cũi sổ lồng, vẫy vùng trong thiên nhiên khoáng đãng.

Về với thiên nhiên cây cỏ gợi lại cho con người nét vẽ thuở hồng hoang. Họ vẽ say sưa, quên trời, quên đất. Có người làm liền tù tì mấy chục bức chỉ trong vài ngày. Họ vẽ cây, vẽ hoa, vẽ đôi chim trời, vẽ con sâu ngủ im trong cuốn lá, vẽ ráng chiều hoàng hôn, vẽ nước vỗ ì oạp mạn thuyền... Văn Y ngạc nhiên trước nhiều phong cách biểu đạt khác lạ của học trò, ngỡ ngàng với những bức tranh đẹp như mơ. Chúng rộn ràng sắc màu và hơn hết là âm thanh diệu kỳ của sự sống.

“Ông trời không lấy đi của ai tất cả. Các bạn khiếm thính rất tinh nhạy với nghệ thuật hội họa” – họa sĩ Văn Y đánh giá. Phải chăng mất mát khiến trái tim nghệ sĩ rung lên quyết liệt. Đường cọ nói nên niềm khao khát hòa vào sự sống, khao khát nghe âm thanh của đất trời và muôn loài. Họ rũ vỏ ốc cô đơn để hòa mình vào thế giới bên ngoài. Nhìn họ cười, vẽ đam mê, Văn Y ứa nước mắt: “Điều mình mong mỏi đã thành hiện thực”.

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Âm thanh hội họa”.

Có những bức tranh của học trò Hoàng Phúc được đánh giá không khác gì họa sĩ học trường mỹ thuật chính quy. Một số bức vừa vẽ xong nhanh chóng có người đặt mua. Học trò Nguyễn Gia Huy tuy ít nói, lầm lì nhưng tư duy nghệ thuật vô cùng tốt. Một lần nhìn cánh tay đầy sẹo của cô bé Nhi, Văn Y tỏ ý thắc mắc. Hóa ra vì bị gia đình không cho học vẽ, cô bé từng rạch tay tự tử. Bức tranh đầu tiên của đời mình, cô vẽ nên bằng máu! Đặc biệt, lớp học còn có thầy giáo câm điếc Đoàn Phạm Khiêm, giảng dạy môn ký hiệu ngôn ngữ cho người khiếm thính. Dù đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật nhưng thầy vẫn tham gia lớp học để nâng cao chuyên môn.

Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh ở tận Cà Mau, Tiền Giang, Cần Thơ... lặn lội dắt con mình đến xin nhập học. Nhưng khó khăn nhất của lớp học đặc biệt này không phải là cách dạy, giao tiếp với học viên mà là kinh phí để duy trì. Chật vật lắm, thầy cô CLB Mekong Art mới “nuôi” lớp đến giờ. Có đứa không đủ tiền thuê nhà trọ, thầy cô cũng đành để các em tá túc tạm nhà mình hoặc gửi nhờ nhà trọ học trò khác.

Bốn tháng, nhiều bức tranh đẹp ra đời. Lớp cùng nhau trưng bày ở đường sách như một dấu mốc khẳng định tài năng, vừa giới thiệu đến người yêu tranh. Số tiền bán tranh được chia một nửa cho các học trò, 25% quyên góp vào Quỹ Hội người mù thành phố và 25% dùng duy trì phát triển lớp học. Hành động cao đẹp, san sẻ cho người đồng cảnh khuyết tật như mình như mở thêm một thanh âm ấm áp.

Bây giờ, họa sĩ Văn Y chỉ mơ ước có được một căn nhà khang trang để các học trò vừa học vẽ, vừa trưng bày tranh. Ông cũng đang tìm cách để học trò có thể học nghề thủ công mỹ nghệ mang tính sáng tạo cao. Đó là con đường kiếm cơm, cho họ vững bụng mà đắm đuối với nét cọ.

Sau hôm triển lãm, mấy bữa nay lớp học tạm nghỉ vài tuần vì họa sĩ Văn Y vẫn đau đầu phân vân có nên nhận thêm học trò khi kinh phí của lớp ngày càng khó khăn. Ông nhìn lên tấm bảng trắng, trên đó xô đẩy dòng chữ xanh không biết đứa học trò nào lén viết tự bao giờ: “Thầy nghỉ mấy tuần nhưng thầy đừng bỏ tụi em nghe!”.

Mai Quỳnh Nga

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/khi-nguoi-cam-diec-noi-bang-tranh-461030/