Khi ngân hàng 'chiều' khách hàng tiểu thương

Để tạo lợi thế riêng cho mình, một số ngân hàng thương mại không chỉ lập khối kinh doanh phục vụ nhóm khách hàng đặc thù như tiểu thương, hộ kinh doanh, chủ cửa hàng,… mà còn có rất nhiều cách giúp họ gia tăng chữ tín, nâng sức cạnh tranh.

Hiểu khách hàng để phục vụ

Rất nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh ngại tiếp cận vốn ngân hàng vì hồ sơ, thủ tục phức tạp mà nhiều nơi còn yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Điều này lý giải vì sao nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh khi cần vốn lưu động cho hoạt động buôn bán, kinh doanh, nhập thêm hàng thường chọn cách vay nóng người thân, bạn bè, thậm chí cả tín dụng đen với mức lãi suất rất cao.

Chị Ngọc Thanh (ngụ quận 9, TP HCM) là chủ một cửa hàng bánh kẹo hàng nhập ở trong khu dân cư đông đúc. Nhờ lượng khách hàng thân thiết lâu năm, chị Thanh dự tính mở thêm cửa hàng ở các chung cư lân cận. Nhưng không sẵn vốn là một trở ngại lớn khiến chị còn ngần ngại. Nếu vay ngân hàng, chị phải có tài sản thế chấp, trong khi cửa hàng hiện tại của chị đang đi thuê. Phương án kinh doanh cũng rất khó chứng minh vì buôn bán chủ yếu trả tiền mặt, món hàng lại nhỏ lẻ,…

“Không ít đợt nhập hàng, tôi phải vay nóng tiền từ bạn bè, thậm chí vay ngoài lãi suất cao rồi bán hàng xong mới trả. Nếu có nguồn vốn vay cố định, lãi suất hợp lý, tôi sẽ yên tâm mở thêm cửa hàng” - chị Ngọc Thanh chia sẻ.

Tuy chưa có con số thống kê cụ thể gần nhất, nhưng chắc chắn phải có tới hàng triệu cửa hàng bán lẻ của các hộ kinh doanh, tiểu thương trên khắp cả nước. Nhu cầu vốn cho phân khúc khách hàng này có thể nhìn thấy là rất lớn. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà một số ngân hàng đã xây dựng riêng bộ phận chỉ phục vụ khách hàng tiểu thương, không chỉ qua kênh truyền thống mà còn qua mạng xã hội, áp dụng công nghệ số.

VPBank là một trong những ngân hàng như vậy. Ngay từ tháng 7-2015, VPBank đã thành lập một mô hình kinh doanh độc lập nhằm phục vụ riêng phân khúc hộ kinh doanh tiểu thương với tên gọi CommCredit. Điều này cho thấy ngân hàng này đã sẵn sàng “chiều” khách hàng theo quy mô đầu tư chuyên nghiệp hơn. Khi có bộ phận phục vụ riêng, ngân hàng sẽ có đủ nguồn lực để tập trung vào nghiên cứu các giải pháp tài chính dành riêng cho phân khúc khách hàng này, từ đó đưa ra những gói tín dụng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người vay.

“May đo” sản phẩm riêng cho tiểu thương

Các sản phẩm vay tín chấp dành cho tiểu thương, hộ kinh doanh được CommCredit VPBank thiết kế riêng từng gói, với độ linh hoạt và khả năng đa dạng hóa cao. Theo đó, gói vay không “áp đặt” một cách cứng nhắc mà được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu tập quán kinh doanh của các hộ Tiểu thương. Các tiểu thương, hộ kinh doanh là những người bận rộn thường xuyên với công việc buôn bán, do đó các thủ tục ngân hàng đã được tối giản, thậm chí cán bộ ngân hàng cũng chủ động thân chinh đến tận nơi để phục vụ bà con.

“Khách hàng không cần rời địa điểm kinh doanh, các nhân viên của ngân hàng sẽ đến tận nơi để hỗ trợ và giúp đỡ khách hàng tiếp cận các khoản vay phù hợp nhất với điều kiện của từng cá nhân” - đại diện VPBank cho biết.

Ví dụ với sản phẩm vay tín chấp Thuế+, tiểu thương và hộ kinh doanh nộp thuế khoán (hay thuế thu nhập cá nhân) chỉ cần sử dụng tờ biên lai nộp thuế khoán kỳ gần nhất mà không cần chứng minh thu nhập hay tài sản đảm bảo.

Một sản phẩm khác cũng được “may đo” riêng cho nhóm khách hàng này là vay tín chấp Siêu tốc. Mọi cá nhân có hoạt động kinh doanh sẽ được vay vốn tối đa lên tới 150 triệu đồng trong 36 tháng mà không cần chứng minh thu nhập hay tài sản đảm bảo, được giải ngân chỉ trong vòng 24 giờ.

Với những sản phẩm này, CommCredit VPBank đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía khách hàng vì tính thuận tiện, đơn giản về mặt thủ tục giấy tờ cũng như khả năng thấu hiểu khách hàng. Chính sự thuận tiện, đơn giản và hiệu quả đó đã thuyết phục được Hội đồng bình chọn của Asian Banker and Finance dành cho CommCredit VPBank giải thưởng “Sản phẩm tín dụng tốt nhất của năm 2017”.

P.V

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/khi-ngan-hang-chieu-khach-hang-tieu-thuong-930115.html