Khi nào y tế cơ sở tròn vai 'người gác cổng'?

Để y tế cơ sở thực sự chuyển mình từ chỗ chỉ là 'tồn tại cho có' đến giữ vai trò là 'người gác cổng', góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, ngành Y tế đang tiếp tục thực hiện đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Ảnh: LN

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Ảnh: LN

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), mạng lưới y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo – nơi cách xa các bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, mạng lưới y tế cơ sở vẫn chưa thực sự thích ứng với sự phát triển của xã hội và sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật; chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của nhân dân.

PV: Thưa ông, hiện nay y tế cơ sở đang thiếu rất nhiều, thiếu cả về cơ chế chính sách và chính cơ chế chính sách đó làm cho người dân không muốn đến các trạm y tế xã. Vậy có phải Bộ Y tế phát triển y tế cơ sở liệu chỉ là "hô khẩu hiệu"?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Có thể nói, y tế cơ sở đã được ngành Y tế quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập Ngành. Mạng lưới các trạm y tế xã, phường đã được phát triển từ rất sớm. Bên cạnh đó, y tế thôn bản cũng từng bước được phát triển và đóng vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Hiện nay, các chính sách liên quan đến y tế cơ sở đã có và tương đối đầy đủ. Điển hình như Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới... cùng nhiều chương trình, kế hoạch của Bộ Y tế đang tập trung ưu tiên cho y tế cơ sở…. Một số thành tựu trong nhiều năm qua của ngành y tế như: nâng cao tuổi thọ, loại trừ một số bệnh dịch nguy hiểm, giảm tử vong trẻ em… có sự đóng góp hết sức quan trọng của y tế cơ sở.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới thì Việt Nam là một trong những điểm sáng về y tế cơ sở. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, sự tiến bộ của ngành y tế và nhu cầu ngày càng cao của người dân thì công tác khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng được.

Đây là lý do, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đang tập trung ưu tiên cho nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Đây là một chủ trương đúng đắn với những hành động cụ thể, thiết thực chứ không phải là hô khẩu hiệu. Ví dụ: Bộ Y tế đang triển khai đề án 26 trạm y tế xã điểm đồng thời triển khai các dự án liên quan đến phát triển nhân lực y tế (Dự án HPET)...

PV: Các trạm y tế chỉ làm được một số xét nghiệm và có rất ít trang thiết bị y tế hiện đại. Người dân không muốn đến trạm y tế khám bởi có những lúc phải làm xét nghiệm thì nhân viên y tế phải chuyển bệnh nhân lên tuyến khác, còn nhiều khi đi khám mà không được xét nghiệm, chụp chiếu lại thật không yên tâm? Vậy tại sao ngành y tế không đầu tư máy móc cho các trạm y tế, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Đây là một vấn đề thực tiễn đang diễn ra cần có giải pháp khả thi và hiệu quả. Hiện cả nước có hơn 11.000 trạm y tế xã, nếu cơ sở nào cũng đầu tư đầy đủ trang thiết bị thì sẽ không sử dụng hết công suất gây lãng phí. Vì vậy, đối với những trạm y tế xã có số lượng mẫu xét nghiệm ít thì có thể thực hiện xét nghiệm tập trung theo hướng người dân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã nếu cần làm các xét nghiệm thì trạm y tế xã sẽ lấy mẫu, chuyển trung tâm y tế hoặc BV huyện để xét nghiệm, kết quả xét nghiệm sẽ được trả cho người dân hoặc trạm y tế xã qua hệ thống email hoặc điện thoại.

Tôi cho rằng, việc mỗi trạm y tế có máy xét nghiệm là điều khó khả thi vì nó liên quan đến chất lượng xét nghiệm, đầu tư thiết bị và con người. Nếu đầu tư cho mỗi trạm y tế một máy xét nghiệm thì chi phí sẽ rất lớn và không hiệu quả.

Mặc dù không có xét nghiệm ở y tế cơ sở nhưng chức năng của trạm y tế cơ sở vẫn có thể quản lý, điều trị được nhiều bệnh với sự hỗ trợ của trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện hoặc tuyến trên.

Khám, chẩn đoán bệnh cho trẻ em tại Trạm y tế xã Ðồng Sơn, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Trung Tuyến

PV: Đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho y tế cơ sở, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa là điều không dễ dàng. Vậy Bộ Y tế đã có giải pháp gì để phát triển nhân lực vùng sâu?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Đây là một vấn đề khó khăn và Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp cho vấn đề này.

Cụ thể như, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm hỗ trợ nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Bộ Y tế cũng phối hợp với Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai Đề án đưa bác sĩ giỏi về 62 huyện nghèo với mục tiêu khoảng 300 bác sĩ tốt nghiệp loại khá, giỏi về tăng cường cho 62 huyện nghèo.-Áp dụng chế độ cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ để phần nào giải quyết những khó khăn trước mắt về nhân lực cho những trạm y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa. Áp dụng chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế làm việc ở những nơi vùng sâu vùng xa.

Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ về chế độ, nghĩa vụ luân phiên sau khi tốt nghiệp về các địa bàn, khu vực thiếu nhân lực. Phát triển loại hình đào tạo về bác sĩ gia đình với chất lượng chuyên môn dưới dạng đa chuyên khoa để đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn đối với các thầy thuốc làm việc ở tuyến cơ sở. Hiện tại, Bộ Y tế đang chỉ đạo các Bệnh viện Trung ương tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các trạm y tế ở các huyện thí điểm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và tạo uy tín cho y tế cơ sở, tăng sức hấp dẫn với người dân.

PV: Để các trạm y tế trở thành chăm sóc sức khỏe ban đầu đúng nghĩa trong tương lai, Bộ Y tế sẽ có những giải pháp gì về nhân lực và trang thiết bị cho các trạm y tế trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Quyết định số 2348/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới đã nêu rõ mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện đề án. Bộ Y tế đang triển khai hàng loạt các đề án và chương trình hành động để tập trung thực hiện đề án của Chính phủ bao gồm cả tăng cường nhân lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách trong việc thực hiện đề án này.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương có vai trò hết sức quan trọng trong việc chủ động xây dựng kế hoạch để thực hiện đề án của Chính phủ. Bộ Y tế cũng đang huy động nguồn từ vốn vay, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho việc thực hiện đề án này./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Thu Vân

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/khi-nao-y-te-co-so-tron-vai-nguoi-gac-cong-503412.html