Khi nào thì 'Liana' Nga sẽ 'phủ hết' Đại dương Thế giới?

Việc chế tạo ra một hệ thống toàn cầu trinh sát biển và chỉ mục tiêu của Nga đang gặp một số vấn đề

Xin giới thiệu tiếp một bài về vũ khí- trang bị kỹ thuật quân sự (lần này thì về vệ tinh trinh sát) của chuyên gia quân sự, nguyên kỹ sư chính Phòng Thiết kế tên lửa quen thuộc Vladimir Tuchkov.

Bài với tiêu đề trên đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 15/3/2021. Chúng tôi có bổ sung thêm một số ảnh từ “Bình luận quân sự” Nga ngày 15/3/2021:

Trên ảnh: tổ hợp trinh sát bờ theo dõi các tình huống trên không và trên mặt biển đất "Monolit-B" (Ảnh: typhoon-jsc.ru)

Trên ảnh: tổ hợp trinh sát bờ theo dõi các tình huống trên không và trên mặt biển đất "Monolit-B" (Ảnh: typhoon-jsc.ru)

Kênh truyền hình chính thức “Zvezda” của Bộ Quốc phòng Nga) mới cung cấp một số thông tin mới về tổ hợp trinh sát trên biển “Monolit” – chính tổ hợp đã làm các thủy thủ tàu khu trục Mỹ Donald Cook vào năm 2014 phát hoảng.

Trong phóng sự mới được thực hiện chính trong trung tâm điều khiển tác chiến của tổ hợp, đã có một số số liệu về những tính năng kỹ- chiến thuật của tổ hợp “Monolit” được tiết lộ.

Tổ hợp được thiết kế- chế tạo tại Công ty “Typhoon”. “Monolit” được lắp đặt trên một khung gầm xe bánh lốp địa hình. Được trang bị radar mảng pha có khả năng hoạt động ở chế độ quan sát ngoài đường chân trời.

Tổ hợp có thể cung cấp các dữ liệu chỉ mục tiêu cho tổ hợp tên lửa bờ "Ball" hoạt động phối thuộc, phục vụ đồng thời cho 4 xe chiến đấu, mỗi xe trang bị 4 quả tên lửa tốc độ cận âm Kh-35.

Ngoài ra, tổ hợp trinh sát biển"Monolith" cùng có thể hoạt động phối hợp với tổ hợp tên lửa bờ "Bastion" được trang bị các tên lửa siêu âm "Onik".

Ăng-ten của "Monolit" làm việc cả ở chế độ thụ động khi “nghe” các phiên lên sóng và phát hiện nguồn bức xạ điện từ, và ở cả chế độ chủ động, khi thăm dò không gian xung quanh bằng chùm sóng radar quét.

Cự ly phát hiện mục tiêu ở chế độ thụ động - 450 km. Ở chế độ chủ động, trong điều kiện định vị ngoài đường chân trời, mục tiêu được phát hiện ở cự ly lên đến 250 km. Trong trường hợp này, chế độ phát sóng hỏi đáp "địch- ta" sẽ được sử dụng.

Ở chế độ thụ động, có thể bám tối đa 50 mục tiêu và cung cấp số liệu chỉ thị mục tiêu về 10 mục tiêu trong số đó. Khi chế độ chủ động, có thể phát hiện tới 30 mục tiêu. Kíp chiến đấu của tổ hợp - 5 sỹ quan điều khiển và một lái xe.

Câu chuyện năm 2014, tức câu chuyện về việc các thủy thủ của tàu khu trục Mỹ Donald Cook bị sốc, không phải là câu chuyện bịa đặt có chủ ý. Nó được một cán bộ của công ty “Typhoon” tham gia chế tạo “Monolit” kể lại.

Khi tổ hợp phát sóng phát hiện được một chiếc tàu Mỹ, thì do biết được qua bức xạ từ trạm radar Nga này nên các thủy thủ trên tàu Donald Cook biết rằng vào thời điểm đó người Nga đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để ấn nút phóng tên lửa chống hạm.

Và vị chỉ huy tàu khu trục Mỹ trên đã quyết định quay đuôi tàu về hướng bán đảo Crimea và rời khỏi khu vực nguy hiểm với tốc độ tối đa.

"Monolit" – một tổ hợp rất cần thiết để đảm bảo cho hoạt động bình thường của các tổ hợp tên lửa bờ biển. Tuy nhiên, nó chỉ cần thiết ở những "bờ biển hoang dã".

Có nghĩa là ở những nơi mà các radar ngoài đưòng chân trời- “sóng phản xạ”có công suất lớn hơn nhiều không được sử dụng. Trạm lớn đó chính là trạm radar cố định “Podsolnukh” của Hải quân Nga.

Trạm này khi làm việc ở chế độ chủ động có thể quét một vùng biển có cự ly tới 500-600 km, đồng thời bám tới 300 mục tiêu - tàu nổi.

Trạm radar “Podsolnukh” phát hiện được cả các mục tiêu trên không, chỉ mục tiêu các tổ hợp của hệ thống phòng không. Ngoài ra, Hải quân Nga còn có cả trạm radar “Volna” với những tính năng còn ưu việt hơn nhiều.

Tuy nhiên, ngay cả những radar cố định quan sát ngoài đường chân trời cũng chỉ là các trạm radar cục bộ. Chúng chỉ cho phép kiểm soát một phần vùng nước của những vùng biển không lớn như biển Baltic và biển Đen.

Tất cả mọi thứ xảy ra trên các đại dương sẽ là một bí mật đằng sau bảy ổ khóa đối với các trạm radar kiểu này. Không, tất nhiên, có một số cụm vệ tinh lưỡng dụng nào đấy cho phép thu được một “bức tranh lắp ghép” tương đối chi tiết.

Nhưng để cung cấp số liệu chỉ thị mục tiêu thì “bức tranh” đó hoàn toàn không thể dùng được.

Để so sánh với những gì mà chúng ta có thể có, có thể dẫn ra hai ví dụ. Một là ví dụ là Trung Quốc hiện tại, ví dụ khác là Liên Xô trong quá khứ.

Trung Quốc đã chế tạo tên lửa chống hạm đạn đạo DF-21D đầu tiên trên thế giới với tầm bắn khoảng 3.000 km, có khả năng chọc thủng hệ thống phòng thủ của cụm tàu sân bay tấn công.

Để đảm bảo dẫn đường cho tên lửa đến mục tiêu, nước này đã phóng một cụm vệ tinh gồm hơn năm vệ tinh với nhiều cấu hình và chức năng khác nhau – vệ tinh quang điện tử, vệ tinh radar và vệ tinh trinh sát điện tử.

Còn tại Liên Xô, Hệ thống Trinh sát Biển từ Vũ trụ và Chỉ Mục tiêu mang tên “Legenda” (viết tắt- MKRTs) do các cơ quan là KB-1 (Phòng Thiết kế- 1” - nay là Tập đoàn “Almaz-Antey”, tại OKB-52 (Phòng Thiết kế- thử nghiệm -52” của V.N. Chelomey (nay là Tập đoàn Khoa học- Sản xuất (NPO Mashinostroeniya- tức Tập đoàn Chế tạo máy, thành phố Reutov ) và Phòng Thiết kế thành phố Leningrad "Arsenal" (“KB "Arsenal") thiết kế- chế tạo đã hoạt động từ năm 1978 đến năm 2006.

Hệ thống được vận hành bằng các vệ tinh hai kiểu vệ tinh. Vệ tinh US-P (Vệ tinh điều khiển thụ động) là một tổ hợp trinh sát kỹ thuật vô tuyến. Nguồn nuôi (điện) là một pin năng lượng mặt trời và một bộ ắc- quy hóa học. Khối lượng của thiết bị - 3.300 kg. Độ cao trung bình của quỹ đạo làm việc là 400 km.

Vệ tinh US-A (Vệ tinh có điều khiển chủ động) được phóng lên quỹ đạo thấp với độ cao đỉnh là 250 km – độ cao đủ cho hoạt động bình thường của radar.

Tuy nhiên, US- A lại không thể sử dụng pin năng lượng mặt trời, vì vệ tinh phải làm việc ở mặt tối của Trái Đất. Chính vì vậy, trên vệ tinh có một thiết bị phản ứng hạt nhân với bộ chuyển đổi nhiệt điện.

Công suất nhiệt của lò phản ứng là 100 kw và công suất điện là 3 kw. Khối lượng của vệ tinh là 4.500 kg, chiều dài- 10 m và đường kính- 1,3 m.

Để sử dụng riêng cho hệ thống này, các kỹ sư Xô Viết đã chế tạo tên lửa chống hạm siêu âm P-700 "Granit" bố trí trên các tàu nổi và tàu ngầm.

Những tên lửa này có tốc độ 2,5 M, tầm bắn 625 km và đầu đạn nặng 750 kg. Còn có một biến thể mang đầu tác chiến hạt nhân công suất 500 kt.

Các vệ tinh có động cơ cơ động để điều chỉnh quỹ đạo bay và dự trữ nhiên liệu nhiên liệu cho những động cơ của chúng Với những vệ tinh chủ động, dự trữ nhiên liệu đủ dùng cho 1.080 giờ hoạt động liên tục.

Sau đó, khi vệ tinh đã hết nhiên liệu, nó sẽ được thay thế bằng một vệ tinh mới. Liên Xô đã đưa 27 vệ tinh chủ động lên quỹ đạo, chiếc vệ tinh cuối cùng được phóng lên vào năm 1988.

Sau đó, công bố lệnh cấm việc sử dụng các thiết bị vũ trụ trang bị thiết bị phản ứng hạt nhân trong không gian gần Trái Đất. Và trong gần 20 năm sau đó, trước khi chiếc vệ tinh thụ động cuối cùng hết hạn sử dụng, hệ thống “Legenda” chỉ thực hiện những chức năng hạn chế.

MKRTs “Legenda” được chế tạo xong trong 18 năm. Nó cần phải được thay thế bằng cụm vệ tinh “Liana” có cùng chức năng và đã được nghiên cứu -thiết kế- chế tạo trong tới 27 năm.

Và trong ít nhất 5 năm gần đây, liên tục có những thông báo nói rằng hệ thống này gần như đã sẵn sàng, nó đang được thử nghiệm và sẽ được đưa vào trang bị ngay trong thời gian sớm nhất.

Cụm vệ tinh “Liana” sẽ có 5 vệ tinh trinh sát kỹ thuật vô tuyến thụ động "Lotos-S1". Khác với các thiết bị tương tự của MKRTs "Legenda", những vệ tính của “Liana” sẽ có những khả năng ưu việt hơn nhiều.

Nhờ vậy, chúng có thể nâng được quỹ đạo bay 400 km lên tới 1000 km, do đó trường quan sát của chúng được mở rộng đáng kể. Tất cả năm vệ tinh thụ động này đều đã được phóng lên quỹ đạo định trước và hiện đang hoạt động ở chế độ kiểm tra.

Chiếc vệ tinh cuối cùng, chiếc thứ năm, vừa được phóng từ sân bay vũ trụ “Plesetsk” vào tháng 2 năm nay (2021).

Thiết bị "Lotos-S"

Nhưng sẽ còn cần hai vệ tinh chủ động nữa là "Pion-NKS", - trong quá trình thiết kế - chế tạo nó, các kỹ sư Nga đã tìm ra được giải pháp thay thế thiết bị phản ứng hạt nhân. Việc cung cấp điện cho radar được đảm bảo bởi các tấm pin mặt trời và bộ ắc quy hiệu quả hơn.

Độ phân giải của thiết bị mới đã tăng hơn một trăm lần. “Liana” có khả năng phát hiện và bám các vật thể trên biển và trên mặt đất có kích thước một mét với độ chính xác đến ba mét.

Phóng tên lửa “Soyuz-2.1B” mang thiết bị “Lotos-S1”, ngày 25/10/2018

Tuy nhiên, dự án thiết kế- chế tạo vệ tinh "Pion-NKS" đang gặp một số trục trặc. Vệ tinh đầu tiên kiểu này lẽ ra đã hoạt động trên quỹ đạo từ cách đây rất lâu.

Vì nếu không có thiết bị radar, hệ thống (“Liana”) sẽ không đạt được độ chính xác cần thiết khi định vị mục tiêu.

Hơn nữa, nó cũng sẽ không có khả năng phát hiện những chiếc tàu đang di chuyển ở chế độ im lặng vô tuyến, tức là với các thiết bị đã tắt không còn phát ra bức xạ điện từ.

Trong khi đây lại chính là phương thức mà các cụm tàu NATO thường hay sử dụng nhất để bí mật di chuyển trên các đại dương.

Thiết bị "Pion-NKS"

Chính vì tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống “Liana” đối với Hải quân Nga và những trục trặc kinh niên trong việc thực hiện tiến độ để đưa hệ thống này vào trang bị, Bộ trưởng Quốc phòng Xergey Shoigu mới đây đã phải đích thân nắm quyền kiểm soát tiến độ dự án.

Hiện tại, lại mới có thông tin rằng chiếc vệ tinh “Pion-NKS” đầu tiên đã sẵn sàng và đang được thử nghiệm trên mặt đất. Việc phóng nó lên quỹ đạo dự kiến sẽ được thực hiện ngay vào cuối năm nay.

Về sự sẵn sàng của chiếc vệ tinh “Pion-NKS” thứ hai- chưa có bất cứ thông tin nào. Nhưng nếu không có chiếc thứ hai- cả hệ thống sẽ hoạt động không hết chức năng và vì thế sẽ không thể đưa nó vào trực chiến.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/khi-nao-thi-liana-nga-se-phu-het-dai-duong-the-gioi-3429493/