Khi nào Quốc hội tiến hành bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước?

Tiếp tục phiên họp thứ 28, chiều nay (16.10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự kiến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh TTXVN).

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, chương trình công tác của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh thứ tự, thời điểm xem xét một số nội dung cho phù hợp, trong đó, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền.

Cụ thể, theo dự kiến, trong ngày khai mạc kỳ họp (22.10), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Sáng ngày 23.10, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Buổi chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Sau đó Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu. Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Dự kiến vào 15h ngày 23.10, Trưởng Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Chủ tịch nước mới được bầu sẽ tuyên thệ.

Bên cạnh việc bầu Chủ tịch nước, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội cũng sẽ có những nội dung đáng chú ý sau:

Quốc hội xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm; Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan trước ngày 13.11.2018. Thảo luận tại hội trường dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào sáng ngày sẽ không bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp như đề nghị của đại biểu; Không bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên thảo luận ở hội trường các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo.

Về xem xét các báo cáo việc thực hiện các nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn và tiến hành chất vấn: Đề nghị nghiên cứu có cách thức tiến hành cho phù hợp, đạt hiệu quả cao, đồng thời tạo điều kiện để nhiều đại biểu tham gia thảo luận và chất vấn (mỗi đại biểu Quốc hội chỉ nên thảo luận và nêu chất vấn trong thời gian không quá 5 phút; người trả lời chất vấn không quá 3 phút đối với chất vấn của 01 đại biểu, việc giải trình ý kiến đại biểu nêu cần ngắn gọn, súc tích, bao quát các vấn đề.

Về dự án Luật Hành chính công (dự án Luật theo sáng kiến của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Mội trường của Quốc hội), tại phiên họp trù bị, sẽ báo cáo Quốc hội về việc không tiếp tục xây dựng dự án Luật này, đồng thời sẽ gửi tài liệu của dự án Luật (nếu có, do Ban soạn thảo đề nghị) đến đại biểu Quốc hội để làm tài liệu nghiên cứu.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 24 ngày, khai mạc ngày 22.10 bế mạc vào ngày 21.11.2018.

Phát biểu góp ý nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với dự kiến chương trình do Tổng Thư ký trình. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước cần có sự tập trung cao để kết quả làm sao cũng cao như của Ban Chấp hành Trung ương.

Trước đó vào chiều ngày 3.10, trong ngày làm việc thứ 2 Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng,Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Sáng ngày 8.10, sau khi Hội nghị Trung ương 8 khóa XII kết thúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 1 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hà Nội. Tại đây, Tổng Bí thư đã nói: Chúng ta không nên nói Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước vì đây là 2 cơ chế khác nhau, hai cơ quan khác nhau. Nói kiêm thì vai nào là chính, vai nào là phụ, cũng không nên nói “nhất thể hóa” vì không phải nhất thể hóa.

Tổng Bí thư cho biết, việc này xuất phát từ tình huống không may Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột qua đời, hiện giờ khuyết chức danh này và cần phải có người làm ngay. Bộ chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận nhiều phương án, quá trình thảo luận diễn ra rất dân chủ, rất trách nhiệm, Ban chấp hành Trung ương đã thống nhất cao giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Lương Kết

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/xa-hoi/khi-nao-quoc-hoi-tien-hanh-bau-tong-bi-thu-lam-chu-tich-nuoc-921856.html