Khi nào người dân có thể tự ngồi nhà đăng ký ô tô, xe máy qua mạng?

Dự kiến từ 15/8, việc đăng ký ô tô, xe máy sẽ được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Sáng 8/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải về kết nối Cổng Dịch vụ công Bộ Tài chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), tích hợp Hệ thống Thông tin báo cáo Bộ Tài chính với Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ (TTBCCP).

Theo ông Dũng, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới nền kinh tế số, xã hội số. Sau 7 tháng vận hành, Cổng DVCQG đã có 188.000 tài khoản đăng nhập hệ thống, trên 49 triệu người truy cập, trên 11 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 16.000 cuộc gọi đề nghị giải đáp...

Đặc biệt hiện nay, dịch vụ công nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy đang được triển khai thí điểm tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; đã hoàn thành hệ thống truyền nhận để chia sẻ dữ liệu điện tử về thông tin đăng kiểm có ký số của các loại phương tiện ô tô, xe gắn máy mới giữa đăng kiểm và thuế.

Từ kết quả thí điểm này, ông Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ liên quan chọn dịch vụ đăng ký xe ô tô, xe máy mới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước là dịch vụ công thứ 1.000 kết nối trên Cổng DVCQG và công bố dịch vụ này vào ngày khai trương dự kiến là 15/8.

Đối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, mục tiêu có 200 chỉ tiêu kinh tế-xã hội kết nối với Hệ thống. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị có nhiều chỉ tiêu cần kết nối nhất với 101 chỉ tiêu, sau đó là Bộ Tài chính.

Trước đó, mọi người dân cũng có thể ngồi nhà nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy.

Cụ thể, tổng cục Thuế cho biết đã triển khai thí điểm dịch vụ nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ôtô, xe máy ở Hà Nội và TP.HCM kể từ ngày 12/3/2019.

Theo đó, khi đăng ký ôtô, xe máy, người dân ở hai địa phương này có thể nộp lệ phí trước bạ điện tử thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, các kênh thanh toán trực tuyến của các ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, VPBank, Mbbank, BIDV) và Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (Napas, Momo) mà không cần sử dụng tiền mặt cũng như không cần đến trực tiếp ngân hàng hay Kho bạc để nộp lệ phí trước bạ như trước đây.

Đại diện Tổng cục Thuế cho hay với dịch vụ này, người nộp lệ phí trước bạ không phải sử dụng chứng từ giấy để làm thủ tục tại cơ quan cảnh sát giao thông để đăng ký xe.

Để nộp lệ phí trước bạ điện tử qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, theo Tổng cục Thuế, người dân phải có tài khoản của các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán đã liên kết với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hiện mới có Vietcombank.

Còn nộp qua các ngân hàng thương mại thì người dân phải có tài khoản tại các ngân hàng đó và đã đăng ký dịch vụ thanh toán điện tử (Internet Banking) của các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, VPBank, MBBank, BIDV.

Ngoài ra, lệ phí trước bạ điện tử cũng nộp qua tổ chức trung gian thanh toán khi người dân có sử dụng dịch vụ của các tổ chức trung gian thanh toán (NAPAS, MOMO).

Thanh Tùng (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/khi-nao-nguoi-dan-co-the-tu-ngoi-nha-dang-ky-o-to-xe-may-qua-mang-a330173.html