Khi nào Mỹ sẽ đưa vũ khí siêu thanh đầu tiên vào trực chiến?

Lầu Năm Góc tuyên bố quân đội Mỹ sẽ được biên chế các tên lửa siêu thanh đầu tiên vào năm 2023. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến một cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh giữa các cường quốc quân sự và Lầu Năm Góc thừa nhận Mỹ đang bị tụt hậu trong cuộc đua này.

Phát biểu tại một hội nghị thường niên mới đây của tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Lục quân Mỹ (AUSA), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết trong vòng 5 năm tới, Washington sẽ tăng cường đầu tư vào các chương trình vũ khí siêu thanh “để đẩy mạnh việc thử nghiệm và phát triển năng lực cho các máy bay chiến đấu càng nhanh càng tốt”. “Ngày nay, các công nghệ mới đang làm mở rộng phạm vi tác chiến và làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ, chuẩn bị và lên kế hoạch cho chiến tranh. Các đối thủ đang phát triển hỏa lực tầm xa để ngăn chặn khả năng cơ động của chúng ta”, trang mạng Defense World dẫn lời “ông chủ” Lầu Năm Góc.

 Một vụ thử vũ khí siêu thanh của Mỹ. Ảnh: thebulletin.org

Một vụ thử vũ khí siêu thanh của Mỹ. Ảnh: thebulletin.org

Bộ trưởng Mark Esper lưu ý hồi tháng 3 vừa qua, lục quân và hải quân Mỹ đã đạt bước tiến quan trọng khi “cùng tiến hành thử nghiệm thành công một loại phương tiện lượn siêu thanh”. Theo kế hoạch, “loại công nghệ này sẽ được lục quân Mỹ ứng dụng vào năm 2023”.

Cũng phát biểu tại AUSA, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy tiết lộ các tên lửa siêu thanh của nước này có thể “đánh trúng mục tiêu với độ sai lệch chỉ khoảng 15cm sau khi di chuyển hàng nghìn dặm với tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh) hoặc nhanh hơn”. Trang mạng Defense World cho rằng phát biểu của ông Ryan McCarthy dường như đề cập tới một vụ thử tên lửa của quân đội Mỹ ở Hawaii hồi giữa tháng 3-2020. Trong khi đó, theo trang tin Drive, trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Thiếu tướng Andrew Gebara của không quân Mỹ lại cho biết tên lửa siêu thanh ARRW sắp ra mắt của nước này có thể di chuyển với tốc độ từ Mach 6,5 đến Mach 8. Với vận tốc như vậy, sẽ chỉ cần 10-12 phút để ARRW đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 1.600km. ARRW được kỳ vọng sẽ là vũ khí siêu thanh đầu tiên được biên chế cho quân đội Mỹ. “Đây là lần đầu tiên không quân Mỹ chính thức đưa ra thông tin cụ thể về vận tốc của ARRW. Trước đó, người ta chỉ biết rằng tên lửa này có thể bay với tốc độ siêu thanh vốn để chỉ bất kỳ vật thể nào có vận tốc trên Mach 5”, trang tin Drive nhận xét. Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump-vốn bị tờ Business Insider cáo buộc “lạm dụng” mỹ từ để nói về vũ khí siêu thanh của Mỹ, còn từng tuyên bố Washington đang phát triển một loại tên lửa “siêu việt”, “bay nhanh gấp 17 lần bất cứ loại tên lửa nào hiện nay”.

Sputnik cho biết, Mỹ đang đẩy nhanh tốc độ phát triển các loại tên lửa siêu thanh có khả năng đạt vận tốc gấp từ 5 đến 20 lần tốc độ âm thanh giữa lúc các cường quốc quân sự khác như Nga “thể hiện những thành công về công nghệ này”. Hồi cuối năm 2019, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa vũ khí siêu thanh vào trạng thái trực chiến, cụ thể là tên lửa siêu thanh chiến lược Avangard có tốc độ lên tới Mach 27 và có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 6.000km. Hồi tháng 6 vừa qua, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-1, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vì Moscow đã sở hữu vũ khí siêu thanh nên “các nước khác chỉ vô ích khi đổ tiền tìm cách kiềm chế Nga” và ngay cả khi các cường quốc quân sự khác phát triển thành công loại vũ khí này, “chúng ta chắc chắn sẽ có phương tiện để đối phó”.

Theo Sputnik, Lầu Năm Góc từng thừa nhận Mỹ bị tụt hậu trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển vũ khí siêu thanh và có thể sẽ mất nhiều năm nữa mới có thể giành lại được vị trí dẫn đầu. Trong một bài viết trên Tạp chí National Interest, chuyên gia Richard M.Harrison thuộc Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ có trụ sở tại Washington cho rằng khi các đối thủ của Mỹ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình phát triển vũ khí siêu thanh, điều đó đồng nghĩa “khả năng họ đặt quân đội Mỹ và các đồng minh vào thế nguy hiểm trên nhiều mặt trận cũng tăng theo”. Theo chuyên gia này, tốc độ của các vũ khí siêu thanh khiến cho khoảng thời gian mà giới lãnh đạo Mỹ cần để đưa ra quyết định đáp trả bị rút ngắn đáng kể. Bên cạnh đó, tốc độ và đường bay khó đoán của các vũ khí siêu thanh có thể cho phép đối thủ phá hủy “những mục tiêu di động giá trị cao” như tàu sân bay hay các bệ phóng tên lửa đạn đạo di động, khiến lính Mỹ ở tiền tuyến “không nơi nương tựa”. “Ngoài ra, nếu vũ khí siêu thanh được triển khai trước khi Mỹ có biện pháp đáp trả, chúng có thể trở thành một giải pháp “tương đối rẻ” để các đối thủ nhanh chóng “làm xói mòn” ưu thế quân sự hiện nay của Mỹ. Cuối cùng là vì các tên lửa siêu thanh có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân lẫn đầu đạn thông thường nên bất kỳ vụ phóng nào cũng khiến giới chóp bu quân sự Mỹ phải đoán già đoán non, từ đó có thể dẫn đến những leo thang quân sự vượt tầm kiểm soát”, chuyên gia Richard M.Harrison nhận định.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Lầu Năm Góc xác định “vũ khí siêu thanh và chống vũ khí siêu thanh là một trong những ưu tiên hiện đại hóa kỹ thuật cao nhất” của Bộ Quốc phòng để bảo đảm “khả năng chúng ta tiếp tục thống trị chiến trường trong những thập niên tới” như tuyên bố gần đây của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ellen M.Lord.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/khi-nao-my-se-dua-vu-khi-sieu-thanh-dau-tien-vao-truc-chien-641374