Khi nào mới có vắc-xin ngừa virus corona?

Cuộc chiến tìm vắc-xin chống virus corona chủng mới đã diễn ra từ đầu năm, nhưng càng khẩn trương hơn trong thời gian gần đây. Công ty Moderna Therapeutics và NIH đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng đầu tiên tại Mỹ. Và hiện có khoảng '30 dự án vắc-xin chạy đua chống virus corona', theo Le Figaro.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu một sản phẩm có hiệu quả cần nhiều thời gian. Nhà nghiên cứu Etienne Declory, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) nhận định với Le Figaro: “Quá trình đưa được một loại vắc-xin ra thị trường rất lâu, tổng cộng phải cần ít nhất 2 năm… Sau những đợt thử nghiệm đầu tiên trên động vật, thì cần phải có 3 đợt thử nghiệm trên người”.

Viện Pasteur của Pháp cũng đang phát triển một loại vắc-xin chống virus corona chủng mới nhưng để có thể sử dụng rộng rãi, cũng phải chờ đến năm 2021.

Ngày 16/3, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết chính phủ đang tìm cách ngăn chặn Washington thuyết phục CureVac dời cơ sở nghiên cứu sang Mỹ. Đặt tại bang Bade-Wurtemberg, Viện bào chế CureVac đang thử nghiệm một loại vắc-xin chống virus corona chủng mới với hy vọng đạt được một kết quả sơ bộ vào tháng 7 năm nay.

Trong khi chờ đợi, các bác sĩ vẫn phải sử dụng những loại thuốc đã có (chống HIV, Ebola…) để điều trị triệu chứng cho người bệnh nhiễm Covid-19.

Ngày 18/3, báo Guardian dẫn lời Zhang Xinmin, một quan chức của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết một loại thuốc có tên Favipiravir mà Nhật Bản đang sử dụng để điều trị các chủng cúm mới dường như có hiệu quả ở bệnh nhân mắc Covid-19. Theo ông Zhang, loại thuốc chống cúm này, được phát triển bởi một công ty con của tập đoàn Fujifilm, Nhật Bản, có kết quả đáng khích lệ trong các thử nghiệm lâm sàng ở Vũ Hán và Thâm Quyến với trên 340 bệnh nhân. Tuy nhiên, Favipiravir vẫn cần phải có sự chấp thuận của chính phủ đối với việc sử dụng quy mô lớn cho bệnh nhân mắc Covid-19, vì ban đầu nó được bào chế ra để điều trị cúm.

Thuốc Chloroquine, một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét, mới đây được một bệnh viện ở Marseille khẳng định có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Chính phủ Pháp đồng ý cho sử dụng, nhưng theo Le Figaro, dựa trên nhận định của nhiều chuyên gia, thì “phải thận trọng với thuốc Chloroquine”.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/khi-nao-moi-co-vac-xin-ngua-virus-corona-567601.html