Khi nào mạng xã hội trong nước thay thế mạng xã hội nước ngoài?

Với tỷ lệ tăng trưởng hiện tại của các mạng xã hội trong nước thì cuối năm 2020 hoặc trong năm 2021, có thể đạt được mục tiêu 50-50.

Bao giờ mạng xã hội Việt Nam sẽ thay thế mạng xã hội Facebook.

Bao giờ mạng xã hội Việt Nam sẽ thay thế mạng xã hội Facebook.

Tại phiên Chất vấn các “tư lệnh” ngành sáng 15/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT: Mạng xã hội bây giờ không phải ảo mà là thật, diễn biến rất phức tạp, có tình trạng dùng ngôn từ chống phá, kích động, thông tin sai sự thật. Ngoài ra còn có đánh bạc, lừa đảo gây hiệu quả rất nghiêm trọng.

Dù Chính phủ chỉ đạo, bộ, ngành có nhiều biện pháp ngăn chặt, triệt phá nhiều vụ án, vấn đề trên vẫn còn nóng. Kết quả nổi bật, ấn tượng nhất từ khi bộ trưởng trả lời chất vấn đến nay? Từng là lãnh đạo một nhà mạng lớn, Bộ trưởng có cam kết chấm dứt được tình trạng sim rác không? Khi nào sẽ có trang mạng xã hội uy tín thay thế trang mạng xã hội khác?

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau một năm nhận nhiệm vụ, Bộ đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và thông tin trên không gian mạng.

Bộ trưởng cho hay, khả năng xử lý của trung tâm mỗi ngày khoảng 100 triệu tin, và phân loại, đánh giá được tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực. Trước đây, tỷ lệ tin tiêu cực trên 30% nhưng sau khi điều chỉnh chỉ còn dưới 10%.

Về giải pháp với các mạng xã hội nước ngoài, trong một năm vừa qua, Bộ rất tích cực. Kết quả, đối với Facebook, trước đây Nhà nước đưa ra yêu cầu thì họ chỉ thực hiện được khoảng xung quanh 30%. Bây giờ tỷ lệ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với chính quyền Việt Nam từ 70-75%. Youtube tuân thủ tốt hơn khoảng 60%, bây giờ là khoảng 80-85%. Apple gần như không thực hiện thì gần đây tỷ lệ thực hiện là 75%.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hùng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng mạng xã hội Việt Nam để tránh việc toàn bộ những gì người Việt trao đổi, chia sẻ, mua bán được lưu trữ ở nước ngoài. “Giờ họ dùng thông tin đó để quảng cáo nhưng trong trường hợp đặc biệt có thể ảnh hưởng vấn đề an ninh”, Bộ trưởng nhận định.

'Khi nói đến hệ sinh thái số Việt Nam, tại sao mà chúng ta đặt vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam? Nếu Việt Nam không có mạng xã hội của chính mình thì tất cả những gì chúng ta nói, chúng ta nghĩ, thậm chí chúng ta mua bán, đều được lưu trữ ở nước ngoài. Nói vui là “não người Việt Nam ở nước ngoài” - Bộ trưởng nói. Hiện những thông tin mà họ thu thập được mới dùng để quảng cáo thôi, nhưng trong trường hợp đặc biệt dùng vào việc khác và có thể nguy hiểm đến an ninh.

Chúng ta đặt mục tiêu xây dựng các mạng xã hội trong nước để mạng xã hội trong nước có số lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài, để “não người Việt Nam” phân tán đều và không có bất kỳ nhà mạng nào thu thập được toàn bộ thông tin về người Việt Nam.

Hiện nay các mạng xã hội Việt Nam là 65 triệu thuê bao, trong 1 năm vừa qua tăng trưởng khoảng 30%. Các mạng xã hội nước ngoài cộng lại khoảng 90 triệu. Nếu chúng ta giữ tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì có thể khoảng 2020 hoặc chậm nhất 2021, chúng ta sẽ đạt được tỷ lệ 50-50.

Hiện có khá nhiều các cơ hội để người Việt Nam chúng ta, các công ty công nghệ Việt Nam phát triển các mạng xã hội Việt Nam. Thứ 2, các thuật toán quyết định “cuộc chơi” trên MXH sẽ được mở ra cho những người tham gia quyết định.

Thứ 3, một số mạng xã hội Việt Nam cung cấp có bộ lọc để thực hiện việc dọn rác trên các không gian mạng. Hiện các nhà mạng phải chịu trách nhiệm chính, 95% rác là do các nhà mạng chặn lọc, 5% phát hiện thêm của chính quyền.

Liên quan vấn đề quản lý sim rác, Bộ trưởng Hùng cho biết cơ bản đã loại bỏ nhiều sim không đủ thông tin nhưng thừa nhận còn tồn tại lượng sim rác lớn trên các kênh bán hàng.

Thông tin về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, Bộ TTTT đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhóm nội dung mà Quốc hội yêu cầu, thường xuyên định hướng các cơ quan báo chí tuân thủ tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin kịp thời.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm nhằm chấn chỉnh việc đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.

Đặc biệt, Bộ Thông tin Truyền thông đã chủ động đàm phán, xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ với các trang mạng nước ngoài (Google, Facebook, Youtube) để ngăn chặn và gỡ bỏ các thông tin phản động, sai sự thật, vi phạm pháp luật Việt Nam khi có yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội cũng đánh giá cho đến nay, Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu quản lý lĩnh vực. Vẫn còn một số hiện tượng tiêu cực, trong một số trường hợp đã làm suy giảm niềm tin của công chúng với báo chí, tổ chức “đánh hội đồng” doanh nghiệp...

Linh Nga

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/khi-nao-mang-xa-hoi-trong-nuoc-thay-the-mang-xa-hoi-nuoc-ngoai-155998.html