Khi nào lực lượng cảnh sát biển được nổ súng?

Đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Cảnh sát biển chưa quy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và các tình huống lực lượng này được nổ súng khi thực thi pháp luật trên biển.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (ĐBQH tỉnh Hà Giang)

Chiều 29/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Cảnh sát biển. Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo luật, tuy nhiên các đại biểu cho rằng dự thảo còn một số điểm chưa phù hợp, cần sửa đổi. Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) băn khoăn, không biết lực lượng cảnh sát biển có phải là lực lượng vũ trang hay không? Theo bà Dung, phải quy định minh bạch trên cơ sở quy định, lực lượng cảnh sát biển phải là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc Bộ Quốc phòng.

Liên quan đến việc này, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang) lý giải, Quân đội nhân dân Việt Nam có ba thứ quân: Quân chủ lực, quân sự địa phương và dân quân tự vệ. Trong đó, quân chủ lực có phòng không, không quân, lục quân, bộ binh, hải quân, thông tin, hóa học, công bình, trinh sát, bộ đội biên phòng và lực lượng cảnh sát biển, tất cả đều thuộc Bộ Quốc phòng. Chức năng của từng lực lượng rất rõ, không chồng chéo. Trong đó cảnh sát biển là lực lượng thực thi pháp luật trên biển, làm nhiệm vụ quốc tế biển.

“Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển thời bình cũng như thời chiến đều gian nan, vất vả. Cảnh sát biển phải chính quy, hiện đại, vì hiện nay, bảo vệ vùng biển thì phải có phương tiện hiện đại, tàu hiện đại, trang bị vũ khí hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại. Nếu không hiện đại thì không thực hiện nhiệm vụ được”, Tướng Sùng Thìn Cò nói.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM)

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, điểm nổi bật là dự thảo luật này đã được xin ý kiến của nhiều cơ quan, như Ủy ban Quốc phòng- An ninh, Ủy ban Pháp luật, đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Rất nhiều ý kiến được ban soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa một cách tối đa, đồng thời phải nâng lên đặt xuống rất nhiều để khắc phục sự chồng chéo.

Thượng tướng Lê Chiêm cũng khẳng định, cảnh sát biển đương nhiên là thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, điều này “không thể chối cãi được”. Trước đây Pháp lệnh 2008 nói rất rõ, còn bây giờ do quan hệ quốc tế chi phối, tác động, nên phải xây dựng luật cho phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng khẳng định, quy định cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt như dự thảo là phù hợp nhất. Còn trong những địa bàn chưa phân rõ giới hạn, phạm vi hoạt động thì các lực lượng có thể phối hợp thực hiện, bên nào phát hiện trước sẽ xử lý trước, sau đó bàn giao cho bên trực tiếp quản lý.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói nếu làm tốt Luật Cảnh sát biển sẽ hóa giải được rất nhiều vấn đề bất cập hiện nay. Về quy định cảnh sát biển được nổ súng khi biết rõ tàu thuyền phạm tội, chở vũ khí, tài liệu bí mật của Nhà nước, theo ông Nghĩa là chưa đầy đủ.

"Tôi thấy thế vẫn thiếu, nếu như đã liệt kê thì lại thiếu. Trường hợp như chất thải nguy hại, chất phóng xạ rất nguy hại mà đưa ra đổ ngoài biển, nếu trốn chạy thì sẽ xử lý như thế nào?”, vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi rồi tỏ ra lo ngại việc quy định thiếu trường hợp được phép nổ súng sẽ gây khó cho cảnh sát biển.

Qua nghiên cứu dự thảo, ông Nghĩa cho rằng cần phải rà soát lại các quy định vì nhiệm vụ của cảnh sát biển mới chỉ đề cập đến việc bảo vệ tính mạng, tài sản người dân, thiếu nhiệm vụ bảo vệ hoạt động của ngư dân. Hay như quy định cảnh sát biển được bắt giữ người nhưng không bắt giữ tàu thuyền vi phạm cũng cần được sửa đổi cho phù hợp.

NGUYỄN THANH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/khi-nao-luc-luong-canh-sat-bien-duoc-no-sung-d74611.html