Khi nào lắp camera giám sát bị coi là bất hợp pháp?

Hiện nay, ngày càng có nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân lắp camera giám sát để theo dõi tình hình an ninh trật tự, bảo vệ tài sản, ngăn ngừa tội phạm. Tuy nhiên nếu việc lắp camera gây ảnh hưởng tới cuộc sống, quyền riêng tư của người khác thì có được phép không?

Bộ luật Dân sự quy định, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Việc pháp luật dân sự ghi nhận và bảo vệ cho mỗi cá nhân quyền đối với hình ảnh đảm bảo quyền nhân thân, hạn chế một cách tối đa nhất hành vi xâm phạm. Ngoài ra, còn góp phần đảm bảo trật tự xã hội và giáo dục ý thức pháp luật cho mọi người tôn trọng quyền đối với hình ảnh của cá nhân, khi có hành vi xâm phạm, tùy theo tính chất mức độ, hậu quả xảy ra mà bị xử lý theo quy định của pháp luật tương ứng.

Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát trên những tuyến đường, khu dân cư phức tạp của lực lượng công an để phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự là đúng đắn, không bàn cãi. Tuy nhiên, việc lắp đặt camera trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng phải xem xét sao cho hợp lý, đúng pháp luật về bảo vệ riêng tư, bí mật công tác.

Trong trường hợp cá nhân phát hiện bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến quyền nhân thân đối với hình ảnh của mình cá nhân có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Điểm c, khoản 1, Điều 10 Nghị định 56/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa - thông tin nêu rõ: Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng với hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó, trừ các trường hợp tìm thân nhân của nạn nhân, ảnh của người đã bị khởi tố hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt tù giam, ảnh thông tin về các hoạt động tập thể.

Nghiêm trọng hơn, nếu trường hợp bên sử dụng hình ảnh cá nhân khi chưa được sự đồng ý có thể còn đối mặt với việc bị xử lý hình sự nếu rơi vào Điều 288 về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính".

Hoàng Mai

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khi-nao-lap-camera-giam-sat-bi-coi-la-bat-hop-phap-a491141.html