Khi nào EU 'được' thôi trừng phạt Crimea?

Khi lệ thuộc Mỹ, EU khó thực hiện các bước cải thiện quan hệ với Nga, thực thể có ảnh hưởng và mang lại lợi ích cho EU ngày một lớn...

Liên minh Châu Âu tiếp tục gia hạn trừng phạt Crimea và Stavropol

Theo TASS, ngày 10/6, đại diện thường trực của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã thống nhất gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với bán đảo Crimea và khu vực Stavropol thêm một năm nữa, đến ngày 23/6/2021.

Việc EU gia hạn trừng phạt với Crimea và Stavropol diễn ra định kỳ hàng năm, sau khi được Brussels công bố vào năm 2014, nhằm trả đũa việc Tổng thống Putin quyết định tái sát nhập bán đảo Crimea và vùng Sevastopol vào lãnh thổ nước Nga.

Các biện pháp trừng phạt của EU bao gồm cấm nhập khẩu các mặt hàng từ Crimea và Sevastopol, cấm công dân và doanh nghiệp của EU đầu tư vào khu vực này, cấm mua bán bất động sản cũng như cung cấp các dịch vụ, trong đó có du lịch.

Tàu thuyền của EU cũng bị cấm ra vào cảng Sevastopol và các cảng biển ở Crimea, còn máy bay của EU thì không được hạ cánh tại các sân bay trên bán đảo này, ngoại trừ những tình huống khẩn cấp.

Gia hạn trừng phạt Nga và các thực thể thể thuộc Nga chỉ là chẳng đặng đừng với EU

Gia hạn trừng phạt Nga và các thực thể thể thuộc Nga chỉ là chẳng đặng đừng với EU

Các biện pháp trừng phạt cũng cấm công dân hay các doanh nghiệp EU xuất khẩu vào bán đảo này những mặt hàng và công nghệ liên quan đến vận tải, viễn thông và năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và khai thác khoáng sản.

Xin nhắc lại, ngày 18/3/2014, Tổng thống Putin đã ký nghị định tái sát nhập bán đảo Crimea và vùng Stavropol vào lãnh thổ nước Nga. Sau sự kiện này, Mỹ và phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga thông qua 3 hướng độc lập.

Một là hạn chế thị thực đối với công dân Nga, hai là áp các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào một số doanh nghiệp nhà nước của Nga trong lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính và ba là áp trừng phạt đối với Crimea và Stavropol.

Hai gói trừng phạt đầu được gia hạn 6 tháng/lần, còn gói trừng phạt thứ ba được gia hạn mỗi năm/lần. Và lần này là lần gia hạn thứ 6 của EU đối với biện pháp trừng phạt bán đảo Crimea và vùng Stavropol.

Cho đến nay, EU gia hạn trừng phạt đối với Crimea và Stavropol giống như "đến hẹn lại lên", vì thực sự nó không còn nhiều ý nghĩa với cả EU và Crimea-Stavropol, nhất là khi Nga cho khánh thành cầu Kerch, nối Crimea với Bắc Caucasus.

Khi nào EU 'được' thôi trừng phạt Crimea?

Sau khi EU gia hạn trừng phạt Crimea-Stavropol, ông Andrei Kozenko, đại diện cho Crimea tại Duma Quốc gia Nga cho rằng, động thái của EU chỉ thể hiện rõ hơn sự dối trá của giới chức EU vì nhiều nhà đầu tư châu Âu đang hoạt động tại khu vực.

"Lệnh cấm đầu tư của EU vào Crimea-Stavropol chỉ là thể hiện đạo đức giả. Bởi bất chấp lệnh trừng phạt, Crimea vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia, kể cả châu Âu".

Theo nhà lập pháp Nga, hơn 3.350 thực thể kinh tế được thành lập bởi các doanh nhân từ 60 quốc gia đã đăng ký hoạt động tại Crimea. Hiện tại đã có 182 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỷ ruble, khoảng 2,2 tỷ USD đã được triển khai.

Như vậy, diễn biến thực tế đến nay cho thấy, sau khi nhà nước Nga thực hiện chủ quyền với Crimea, bán đảo chiến lược này ngày càng hòa nhập sâu rộng, không chỉ với nước Nga, mà cả với những không gian khác, trong đó có Châu Âu.

Thực ra, ngay từ giữa năm 2016, tức chỉ hơn 1 năm sau khi Crimea và Stavropol về với nước Nga, lệnh cấm vận của phương Tây đối với khu vực bán đảo này đã gần như bị vô hiệu.

Còn nhớ, tháng 9/2017, Phó Thủ tướng Crimea Georgy Muradov từng cho biết, có hơn 100 phái đoàn nước ngoài cùng các nhân vật chính trị nổi tiếng ở nhiều quốc gia đã đến thăm và tìm hiểu tình hình thực tế tại Crimea chỉ trong một năm rưỡi.

Còn theo Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Crimea Andrey Melnikov thì "chế độ trừng phạt không phải là một vấn đề lớn, nó không có tác động đáng kể đến sự phát triển của nước Cộng hòa tự trị Crimea".

Crimea ngày càng hòa nhập với nước Nga và thế giới

Ông Melnikov khi đó cho biết, Crimea đã phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với Ả-Rập Saudi, trong đó có việc cung cấp một số dự án đầu tư đầy hứa hẹn cho Riyadh và chuẩn bị xuất khẩu ngũ cốc sang xứ sở dầu hỏa này.

Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển Crimea, Oleg Morozov, cho hay các dự án hợp tác-đầu tư với Ả-Rập Saudi liên quan đến các khu nghỉ dưỡng và khách sạn, khai thác du lịch và sản xuất nông sản.

Từ khi cầu Kerch được khánh thành, với lượng khách đến tham quan và nghỉ dưỡng tại Crimea liên tục lập kỷ lục, đã giúp cho các hoạt động dịch vụ và lữ hành ở bán đảo chiến lược này phát triển mạnh mẽ, mang lại những nguồn lợi rất lớn.

Trong khi đó, theo Thống đốc Stavropol Vladimir Vladimirov, hoạt động thương mại giữa Azerbaijan và Stavropol đã được khôi phục và phát triển nhanh chóng. Ngay ở năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt con số 130 triệu USD.

Đặc biệt, từ năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho hoạt động tuyến phà nối nước này với Crimea, gần như mở toang cánh cửa của bán đảo chiến lược này với thế giới phương Tây, trong đó Châu Âu đại lục.

Điều đó cho thấy, hai thực thể chính trị mới của nước Nga không hề bị cô lập với thế giới, mà ngược lại tốc độ hòa nhập của cả Crimea và Stavropol rất nhanh chóng và đã thẩm thấu vào nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội.

Với thực tế như vậy, dù EU có gia hạn các biện pháp trừng phạt với bán đảo Crimea và vùng Stavropol thì cũng luôn không thể đạt được mục đích của mình, mà ngược lại còn gây bất lợi trong quan hệ với Nga.

Thậm chí, theo bà Olga Kovitidi, thành viên của Hội đồng Liên bang Nga thì quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Crimea-Stavropol trước hết là có hại cho chính EU.

Bà Kovitidi cho rằng, sự cần thiết đối với EU lúc này là "tái khởi động lại các thương mại cùng có lợi với Nga, xóa bỏ các biện pháp trừng phạt mà đã được xem như sự ô nhục và cùng tiến hành một cuộc chiến thực sự chống lại đại dịch coronavirus".

Bà Kovitidi chỉ ra rằng : "Người dân ở các nước EU, những người đã quá mệt mỏi với sự máy móc của EU và sự hoành hành của đại dịch coronavirus, lại phải đối mặt với chương trình nghị sự của EU như một cuộc Chiến tranh Lạnh mới chống lại Nga".

Cho xây dựng cầu Kerch là một cách Tổng thống Putin vô hiệu hóa trừng phạt của EU với Crimea-Stavropol

Theo giới phân tích, EU thừa hiểu việc gia hạn trừng phạt Crimea và Stavropol trong thời điểm này là lạc điệu, là "thiệt mình lợi người". Song Brussels có muốn hay không thì vẫn cứ phải làm, chứ chưa thể thôi trừng phạt Crimea và Stavropol được.

Mà nguyên nhân bởi cả "yếu tố Mỹ" lẫn "yếu tố Nga". EU trừng phạt Nga nói chung, trừng phạt Crimea-Stavropol nói riêng, là hưởng ứng hành động của Mỹ, trong khi Washington còn siết trừng phạt Nga, thì Brussels không thể lệch pha Mỹ.

Rõ ràng, Liên minh Châu không thể "cầm đèn chạy trước Mỹ" trong việc chủ động dỡ bỏ trừng phạt Nga hay Crimea-Stavropol, nếu như Mỹ chưa dỡ bỏ hay Brussels không được Washington "bật đèn xanh" cho việc này.

Tuy nhiên, ngay cả với Nga thì EU cũng không dễ dàng dỡ bỏ trừng phạt. Vì khi EU chưa đạt mục đích mà phải dỡ bỏ trừng phạt thì với EU, Nga phải có đánh đổi. Song trong trường hợp này thì dường như Moscow không sẵn sàng có sự đánh đổi.

Phần vì Moscow nhận thấy trừng phạt của EU với Crimea-Stavropol không thể gây hậu quả nặng nề cho khu vực này, phần vì đánh đổi với EU thì Nga cũng phải đánh đổi với Mỹ. Moscow không dễ đáp ứng yêu cầu của cả Brussels và Washington.

Vì vậy, dù không muốn nhưng Liên minh Châu Âu EU vẫn phải tiếp tục gia hạn trừng phạt bán đảo Crimea và vùng Stavropol, nếu như Washington không bật đèn xanh hay Moscow không nhường bước.

Thế mới thấy, khi bị lệ thuộc vào Mỹ thì EU không dễ dàng thực hiện các bước đi có thể giúp cải thiện quan hệ với Nga - một thực thể mà tầm ảnh hưởng và lợi ích mang lại cho EU ngày một lớn hơn - nếu như làm người Mỹ phật lòng.

Và để cột chặt những người đồng minh bên bờ đông Đại Tây Dương vào chính sách bài Nga của mình, Mỹ đã thực hiện việc luật hóa trừng phạt Nga. Điều đó khiến cho EU không biết khi nào mới "được" thôi trừng phạt Nga và Crimea-Stavropol.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/khi-nao-eu-duoc-thoi-trung-phat-crimea-3405675/