Khi nào được tạm dừng đóng BHXH?

Tuần qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động đã nhận được một số câu hỏi chính liên quan đến việc tạm dừng đóng BHXH, điều kiện tham gia BHXH bắt buộc và cách tính thế nào cho có lợi khi nghỉ hưu. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Từ 1.1.2018, NLĐ có HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Ảnh: Nam Dương

Doanh nghiệp khó khăn được tạm dừng đóng BHXH

Bạn đọc có email buibinhxxx@gmail.com hỏi: Đơn vị chúng tôi đã tham gia BHXH được 2 năm (đã đóng BHXH hết tháng 8.2018) và hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh. Gần như trong 9 tháng vừa qua công ty không có doanh thu. Chúng tôi rất mong muốn được tạm dừng đóng BHXH trong thời gian này. Chúng tôi muốn biết thủ tục giấy tờ cần thiết để tạm dừng đóng BHXH?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 88 Luật BHXH 2014 quy định: 1. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được quy định như sau: a) Trong trường hợp NSDLĐ gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc NLĐ và NSDLĐ không có khả năng đóng BHXH thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng; b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, NSDLĐ và NLĐ tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 điều 122 của luật này.

Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định về tạm dừng đóng BHXH bắt buộc tại điều 88 của Luật BHXH được quy định như sau:

1. Các trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: a) Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 1 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế; b) Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

2. Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: NSDLĐ thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 điều này, được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện sau: a) Không bố trí được việc làm cho NLĐ, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; b) Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

3. Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: a) Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, NSDLĐ vẫn đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. NSDLĐ và NLĐ đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí và tử tuất hoặc chấm dứt HĐLĐ thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng để giải quyết chế độ cho NLĐ trong thời gian tạm dừng đóng. b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, NSDLĐ và NLĐ tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 điều 122 của Luật BHXH . 4. Cơ quan BHXH giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với NLĐ và NSDLĐ đảm bảo điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều này. Thời điểm tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tính từ tháng NSDLĐ có văn bản đề nghị.

Do đó, nếu công ty bạn thật sự khó khăn thì cần liên hệ vói cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH để làm thủ tục tạm dừng đóng BHXH.

Làm một năm mới được đóng BHXH?

Bạn đọc có email myphongxxx@gmail.com hỏi: Tôi đang làm cho một công ty dược tư nhân đã thành lập được 5 năm. Tôi vào làm cho công ty đầu tháng 7.2018 và công ty quy định thử việc là 2 tháng và đến cuối tháng 9 là thử việc xong. Đầu tháng 10 tôi được nhận vào làm chính thức nhưng công ty quy định phải làm đủ 1 năm mới được tham gia BHXH. Quy định của công ty như vậy có đúng không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 2 Luật BHXH 2014 quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như sau: 1. NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: a) Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa NSDLĐ với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; b) Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (áp dụng từ 1.1.2018). Do đó, quy định của công ty phải làm việc từ 1 năm trở lên mới được tham gia BHXH là trái luật và không có giá trị. Bạn có thể làm đơn phản ánh tình trạng trên đến phòng LĐTB&XH hoặc LĐLĐ hay cơ quan BHXH nơi công ty đóng trụ sở đề nghị can thiệp để bảo vệ quyền lợi.

Nghỉ hưu sớm hay hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi nghỉ hưu?

Bạn đọc có email phuquyxxx@gmail.com hỏi: Tôi giới tính nữ, sinh ngày 30.6.1967, đến 1.7.2019 tròn 52 tuổi, tham gia công tác tính đến 1.7.2019 là 31 năm 4 tháng. Do đơn vị chuyển đổi chủ doanh nghiệp nên tôi muốn nghỉ hưu trước tuổi (trước khi nghỉ hưu tôi muốn chấm dứt HĐLĐ để hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), giảm thời gian nghỉ hưu trước tuổi). Thời gian hưởng TCTN của tôi được bao nhiêu tháng? Tôi có nên nghỉ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để kéo dài tuổi hay làm chế độ hưởng lương hưu luôn, nghỉ như thế nào thì có lợi hơn?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Chính sách BHTN chỉ có từ đầu năm 2009, do đó, nếu công ty bạn tham gia BHTN cho bạn đầy đủ, thì hiện nay, khi nghỉ việc đúng luật bạn sẽ được hưởng 9 tháng TCTN. Mức hưởng TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của BLLĐ đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc. Ngoài ra, trong thời gian hưởng TCTN bạn cũng được hưởng chế độ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT do tổ chức BHXH đóng.

Nếu bạn càng nghỉ hưu trươc tuổi sớm, thì tỉ lệ bị trừ % lương hưu càng cao (mỗi năm 2%). Do đó, bạn cần cân nhắc xem nghỉ hưu sớm hay hưởng trợ cấp thất nghiệp xong mới nghỉ hưu xem trường hợp nào có lợi hơn.

Nam Dương

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/tu-van-phap-luat/khi-nao-duoc-tam-dung-dong-bhxh-639127.ldo